Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1981
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1982
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1983
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1984
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1985
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1986
 

Sống Ðạo Một Cách Tế Nhị

So sánh họ đạo Phú An với các họ đạo khác trong họ đạo An Giang, tôi thấy họ đạo Phú An có một vị trí rất tế nhị. Tế nhị, vì các nẻo đường từ tỉnh đến họ đạo này, dù đường sông, đường bộ, đều phức tạp. Tế nhị, vì họ đạo này vừa bé nhỏ, vừa xa cách các họ đạo khác, vừa ở giữa một địa phương không cùng tín ngưỡng. Vị trí tế nhị của họ đạo đã được anh chị em ý thức một cách sâu sắc. Vị trí tế nhị, cũng là một vấn đề đặt ra cho địa phận Long Xuyên chúng ta. Vấn đề đặt ra là: Ở vào một vị trí tế nhị, thì cách sống đạo của ta phải tế nhị thế nào? Tôi không đủ khôn ngoan sáng suốt để đưa ra một giải đáp đầy đủ. Ở đây, tôi chỉ muốn nói lên một số gợi ý, góp vào những kinh nghiệm quí báu của anh chị em.

Trước hết, ở một vị trí tế nhị, thì sống đạo phải rất tế nhị ở chỗ là phải biết “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc” một cách sáng suốt.

Năm rồi, dịp lễ Ngân Khánh cha Bổn Sở, tôi đã nhắc đến đường hướng sống đạo được lựa chọn, đó là sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc. Hôm đó, tôi đến Phú An bằng đường sông, nên tôi đã ví Hội Thánh như con đò. Con đò đưa tôi đến đây có lúc gặp nước ngược, có lúc gặp nước xuôi, có đoạn sông có sóng lớn, gió động, có lúc gặp trời nắng, có lúc gặp trời mưa. Nhưng đò đã tới đích. Chính vì con đò biết kiên trì bám vào dòng sông, biết khéo đặt mình vào các loại sông, nhất là biết gắn bó với dòng nước đưa mình đi. Hội Thánh và sống đạo cũng tương tựa phải như thế. Phải biết đặt mình vào hoàn cảnh cuộc sống cụ thể của Ðất Nước, của địa phương, phải chia sẻ các trách nhiệm, các vui buồn của dân tộc, của đồng bào chung quanh. Ðối với con đò, thì con sông nó đi là một điểm tựa. Ðối với con đò Hội Thánh tại một địa phương thì Ðất Nước nói chung, và địa phương nói riêng, cũng được coi là điểm tựa, vì sống đạo là sống trên dòng sông cụ thể đó. Nhất là sống tế nhị.

Ngoài ra, ở một vị trí tế nhị, thì sống đạo phải rất tế nhị ở chỗ là phải sống Phúc Âm với tinh thần cởi mở một cách đúng đắn.

Sống Phúc Âm với tinh thần cởi mở là sống đạo không đóng khung trong những khuôn khổ cứng nhắc, cố định, nhưng biết phục vụ Chúa và phục vụ con người, bằng những bước đi tuy uyển chuyển về hình thức, nhưng vững vàng và trong sáng về căn bản Phúc Âm. Ta biết lịch sử Hội Thánh là lịch sử những can thiệp của Chúa Thánh Linh. Mà Chúa Thánh Linh thì rất nhiệm mầu. Kinh Thánh ví Chúa Thánh Linh như gió, như hơi thở, như nước, như lửa. Ðó là những hình ảnh sinh động uyển chuyển. Thực tế đúng là như thế. Tôi đưa ra một ví dụ: Khi Chúa Giêsu mới từ giã các tông đồ về trời, thì Hội Thánh lúc đó ở một vị trí rất tế nhị. Nhiều tín hữu chủ trương một kiểu sống đạo khép kín, đóng khung vào các luật lệ phức tạp. Nhưng Thánh Phaolô lại nghĩ khác. Ngài mở một con đường sống đạo nhẹ nhàng đơn giản hướng về dân ngoại. Bây giờ thì ai cũng phải công nhận con đường cởi mở của Ngài là hợp lý, có đầy ơn Chúa Thánh linh. Nói thế không phải cứ mở mà không cần thận trọng. Muốn mở một cái cửa, ta phải dùng đúng chìa khóa, phải quay đúng chiều, phải xoay đủ vòng, thì mở cửa mới không làm cho cửa hư. Rồi đến, nếu mở cửa vào một lúc chỉ đón bụi bặm thêm, hoặc càng làm cho căn phòng thêm lạnh thêm nóng, hoặc lại mở dịp cho kẻ gian lẻn vào lấy trộm, thì mở cửa như thế đâu phải là việc tốt. Như vậy, có nghĩa là cởi mở trong việc sống đạo phải có trật tự, khôn ngoan và thận trọng. Phải rất tế nhị.

Sau cùng, ở một vị trí tế nhị, thì sống đạo phải rất tế nhị ở chỗ là phải sống Phúc Âm với tinh thần tự chế.

Tự chế là bớt đi, bỏ đi những lợi ích nhỏ, để phục vụ lợi ích cao hơn. Tôi ví dụ: Lễ hôm nay được tiến hành một cách vắn gọn, tiết kiệm, không kèn trống, không rước xách, đó là tự chế, bỏ đi những niềm vui nhỏ không cần thiết, để phục vụ cho lợi ích cao hơn, đó là để tập trung sự cầu nguyện, và để thích hợp hơn với hoàn cảnh thực tế hôm nay. Muốn tự chế tốt, thiết tưởng cũng cần biết nhạy cảm và bác ái, đôi khi cũng phải can đảm. Trong thực tế, họ đạo ta, địa phận ta đã hạn chế đã nhiều sinh hoạt tôn giáo. Do đó, tôi thấy cần lưu ý điều này là chính vì tế nhị, nên khi ta hạn chế những gì không phản bội lại tôn giáo, ta không được phép đưa sự tự hạn chế đến mức độ có thể gây hiểu lầm không tốt cho chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, và có thể gây hại cho mối đoàn kết đạo đời. Theo tôi, thì một cuộc lễ tương đối vui vẻ trong trật tự như lễ hôm nay, mà giúp cho giáo dân thêm tin tưởng vào hướng đi lên của Quê Hương Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa, và cũng giúp cho tình đoàn kết đạo đời tại địa phương được tốt đẹp thêm, thì đó là những lợi ích lớn.

Nói đến tinh thần tự chế, tôi thấy cần nói thêm là có một sự chắc chắn nhất ta phải tự hạn chế tối đa, mà không sợ lầm, đó là tội lỗi, và các tính mê nết xấu của ta. Hãy hạn chế tối đa những thói quen xấu, những nghiêng chiều xấu trong ta, đó chính là cách sống đạo tế nhị nhất, ở một vị trí tế nhị.

Trên đây là những chỉ dẫn tôi xin gởi đến anh chị em. Tấm gương đẹp nhất về sống đạo một cách tế nhị là Ðức Mẹ. Trong suốt cuộc sống trần gian, Ðức Mẹ đã ở một vị trí rất tế nhị và Người đã thực sự sống đạo một cách rất tế nhị. Một con người âm thầm kín đáo và nhiệt tâm cởi mở. Một con người nhân ái khiêm từ, ít nói và hay cứu giúp. Hôm nay mừng lễ sinh nhật Ðức Mẹ, nhưng Hội Thánh chẳng biết chắc Ðức Mẹ sinh ngày nào, năm nào. Mới rồi mừng lễ Ðức Mẹ lên trời, nhưng Hội Thánh cũng chẳng biết Ðức Mẹ đã chết năm nào, ngày nào. Ðức Mẹ kín đáo khiêm tốn, bỏ đi những chi tiết thuộc về mình, để chỉ nói lên một điều căn bản: “Này là tôi tớ Chúa”.

Lạy Mẹ xin thương giúp chúng con biết theo gương Mẹ, mà sống đạo một cách tế nhị. Xin giúp chúng con biết sống thế nào, để trong mọi hoàn cảnh, chúng con luôn có thể nói với Chúa: Này con là tôi tớ Chúa. Amen.

Lễ Thêm Sức, Phú An ngày 8/9/1983