Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1981
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1982
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1983
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1984
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1985
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1986
 

Bơ Vơ

Suy gẫm bài Phúc Âm hôm nay (Chúa nhật XVI QN.B), tôi hơi ngạc nhiên. Tôi thấy Chúa Giêsu đặt ra một vấn đề gọi là quan trọng, nhưng Ngài đã không giải quyết vấn đề đặt ra.

Phúc Âm nói là Chúa Giêsu thấy dân chúng bơ vơ như đoàn chiên không người chăn, thì Ngài động lòng thương. Nói thế, tức là Chúa Giêsu đã đặt ra vấn đề thiếu tông đồ lúc đó. Ngài thấy cảnh đoàn chiên thiếu người chăn là đoàn chiên bơ vơ, hoàn cảnh của họ như thế rất đáng thương.

Tôi tự hỏi: Chúa biết thế, sao Chúa không giải quyết vấn đề? Lúc đó, có ai buộc Ngài phải hạn chế số tông đồ vào số 12 đâu? Ngài có quyền và có thể gọi thêm. Không ai cấm cản Ngài. Thế nhưng, Ngài đã tự hạn chế số tông đồ của mình. Ngài biết số đó là số thiếu. Nhưng Ngài để vậy. Phúc Âm không giải thích tại sao. Phúc Âm không cắt nghĩa lý do vì sao Chúa để đoàn chiên bơ vơ.

Nhưng có một điều khác tôi đã thấy trong Phúc Âm, đó là chính các tông đồ cũng cảm thấy bơ vơ như ai. Khi họ thấy giông tố nổi lên, ghe họ sắp chìm, họ cảm thấy bơ vơ sợ hãi, họ đã la lên: Xin cứu chúng con. Chúng con chết mất. Rồi khi Chúa Giêsu bị bắt, họ như kẻ mất hồn, chạy trốn. Từ đó trở đi, bao lần họ đã đóng kín cửa nhà họ lại, không dám ló mặt ra ngoài. Họ cảm thấy bơ vơ sợ hãi. Ðến như hai thánh Phêrô, Phaolô là hai chủ chăn cột trụ Giáo Hội, cũng đã có những lúc quá bơ vơ, như để mình chìm vào vực thẳm đau buồn, sợ hãi. Thánh Phêrô có lúc đã muốn trốn khỏi Rôma. Thánh Phaolô có lúc đã muốn được sớm chết đi, để thoát khỏi gánh nặng của mình.

Thì ra, đoàn chiên có lúc bơ vơ, mà chủ chăn cũng có lúc còn bơ vơ hơn cả đoàn chiên. Chúa Giêsu thấy rõ vấn đề. Nhưng Ngài để vậy. Bởi vì chính Ngài cũng đã không giải quyết vấn đề đó cho chính mình Ngài. Chính Ngài cũng đã có những giờ phút bơ vơ sợ hãi, đến mức độ đổ mồ hôi máu ra, và đến nỗi đã phải thốt lên: “Ôi lạy Chúa Cha, sao Cha nỡ bỏ con!”. Chúa Giêsu mà còn bơ vơ sợ hãi giày vò Ngài, vì chính những đau đớn đó góp phần làm nên giá cứu chuộc nhân loại.

Ðến đây thì tôi hiểu phần nào tại sao có những khi Chúa để cho đoàn chiên và chủ chiên gặp những tình trạng đau buồn, bơ vơ sợ hãi. Nếu ta hiểu rằng các thánh tông đồ cũng đã như thế, và Chúa Giêsu cũng đã như thế, thì sự ta chịu sẽ là một sự thông hiệp vào chương trình cứu độ của Chúa, và cũng là một sự thông hiệp bác ái với số phận bao nhiêu người đau khổ.

Chính những lúc như thế, tôi cảm thấy mình sống thánh lễ Misa một cách mãnh liệt và trung thực. Lễ Misa là chính bản thân mình đang được chia sẻ với Chúa Giêsu trên thánh giá, cũng như đang được chia sẻ với vô số đồng bào nghèo khổ bơ vơ sợ hãi. Lòng tin lòng mến lúc bấy giờ được mở rộng một cách bình an hơn bao giờ hết.

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, Chúa Giêsu cũng đang nhìn thấy nhiều đoàn chiên bơ vơ. Ngài cũng đang nhìn thấy nhiều tông đồ bơ vơ. Nhưng Ngài để vậy. Ðối với con cái Chúa, thì sự bơ vơ sợ hãi cũng là đòn bẫy đưa ta vào sự gắn bó với Chúa và tình chia sẻ đối với những người đau khổ.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần ban ơn an ủi những người trong những hoàn cảnh đáng thương. Xin Chúa Thánh Thần ở với chúng ta. Amen.

Long Xuyên, ngày 21/7/1985