Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1981
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1982
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1983
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1984
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1985
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1986
 

Khiêm Tốn Sửa Sai

Khi đi xe từ Rạch Giá lên Tân Hiệp, và đi ghe từ Tân Hiệp đến kinh I này, với mục đích đến phục vụ anh chị em, nếu xe và ghe có gặp trục trặc, thì việc đầu tiên chúng tôi phải làm là xem lại xe, xem lại ghe, kiểm tra lại chính ghe chính xe của mình, để tìm xem có gì cần phải sửa lại, cần phải sắp xếp lại không. Nếu tôi không làm như thế, mà trái lại mỗi lần trục trặc, tôi vẫn chủ quan nhất định cho rằng: Trục trặc là do đường, do con kênh chứ xe mình, ghe mình lúc nào cũng rất tốt, tốt 100%, khỏi phải coi lại, thì chắc chắn đó là suy nghĩ không khôn, không sát thực tế, không giúp đưa đến giải quyết tốt.

Tôi đưa ra một sự kiện đơn giản trên đây là để giúp anh chị em hiểu được phần nào sự chúng ta cần phải năng xét lại chính mình một cách nghiêm chỉnh.

Công Ðồng Vatican II đã có chủ trương đó. Nhưng trên thực tế, nhiều người Công Giáo và nhiều Giáo Hội địa phương đã không làm theo chủ trương đó một cách nhiệt tình.

Kinh nghiệm lịch sử càng ngày càng cho thấy: Sống Phúc Âm là để phục vụ con người, thế nhưng sự sống Phúc Âm đã gặp trục trặc đó đây trên thế giới. Tìm hiểu lý do tại đâu thì có khuynh hướng cho rằng: Mọi trục trặc điều do bên ngoài gây ra, chứ không do Hội Thánh, không do người Công Giáo. Có khuynh hướng lại cho rằng: Ðể giải quyết trục trặc, thì trước hết phải tìm lý do ở trong chính Hội Thánh, ở trong chính người Công Giáo.

Tôi thấy dần dần khuynh hướng thứ hai tôi vừa nói đã có lý. Có lý ở chỗ chính Chúa Giêsu khi xuống thế, đã nhắm sửa sai nội bộ tôn giáo như là đầu mối chương trình cứu độ của Ngài. Có lý ở chỗ khuynh hướng tìm sửa sai nội bộ tôn giáo chính là hướng đi của Công Ðồng Vatican II.

Trong tinh thần thực tế và khiêm tốn đó Giáo Hội nhờ những trào lưu tiến bộ về thần học, triết học và xã hội, đã và đang tìm uốn nắn lại một số quan điểm tồn tại đã quá lâu đời.

Thí dụ quan điểm về trách nhiệm giết Chúa Giêsu. Trước đây, bao người có đạo vốn quả quyết rằng: Kẻ giết Chúa Giêsu là Giuda, là Philatô, là quân dữ. Chính họ là những kẻ phải chịu trách nhiệm về vụ giết Chúa Giêsu. Thế nhưng mới rồi, nhờ một sự chuyển biến tiến bộ về thần học và Kinh Thánh , Toà Thánh đã nhấn mạnh đến một quan điểm mới, đó là: Kẻ giết Chúa Giêsu là chính tội lỗi chúng ta. Chính chúng ta phạm bao tội lỗi, mới là những kẻ phải chịu trách nhiệm về vụ giết Chúa Giêsu.

Rồi một thí dụ khác về quan điểm qui trách nhiệm trong những vụ một số các vị giám mục, linh mục, tu sĩ hồi xưa đã bỏ Giáo Hội, để lập ra các Giáo Hội Tin Lành, Chính Thống. Trước đây, bao người có đạo vốn quả quyết rằng: Trách nhiệm hoàn toàn do phía ly khai, chứ Giáo Hội mình chẳng có lỗi gì. Thế nhưng nay cũng nhờ một sự chuyển biến tiến bộ về thần học và xã hội học, Giáo Hội Công Giáo đang có những quan điểm khiêm tốn hơn, nhận một phần trách nhiệm là do lỗi của mình.

Từ những quan điểm khiêm tốn đó, đã có nhiều hy vọng hàn gắn lại được những vết thương lịch sử, để có sự đoàn kết yêu thương nhau một cách quảng đại hơn.

Cũng trong tinh thần thực tế và khiêm tốn đó, nhiều Giáo Hội tại địa phương nhờ một số trào lưu tiến bộ trong Hội Thánh, cũng đang xem xét lại thái độ của mình đối với dân tộc của mình, đối với xã hội của mình. Nhiều Giáo Hội, nhất là tại Phi Châu và Nam Mỹ cũng đang cố gắng sửa lại những tồn tại tôn giáo do lịch sử, để người có đạo của họ được an tâm và thanh thản: “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc của họ”.

Anh chị em thân mến,

Tôi nói bấy nhiêu với tất cả lòng chân thành tha thiết đối với Chúa và đối với Quê Hương. Tôi mong anh chị em chia sẻ những tư tưởng đó, để cùng góp phần xây dựng một Hội Thánh Việt Nam trong lòng dân tộc Việt Nam mến yêu.

Nguyện Chúa Thánh Thần ở giữa chúng ta và chúc lành cho chúng ta. Amen.

Giáo Xứ Antôn Kinh Ia, ngày 22/8/1985