Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1981
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1982
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1983
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1984
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1985
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1986
 

Chúa Thương Kẻ Nghèo

Bài Phúc Âm ta vừa nghe đã nhắc tới kẻ nghèo: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Người đã xức dầu cho tôi. Người sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó”.

Hôm nay, tôi đến đây với cảm nghĩ, mìmh được sai đến với những kẻ nghèo. Chắc anh chị em sẽ chẳng buồn tôi, nếu tôi gọi anh chị em là những kẻ nghèo. Bởi vì, nói cho đúng thì không một ai trong anh chị em đáng được gọi là giàu. Tất cả chúng ta đều nghèo. Cái nghèo của chúng ta là một sự thực khách quan.

Tôi nhận đúng sự thực khách quan đó, và đến với anh chị em nhân danh Thiên Chúa, để loan báo cho anh chị em Tin Mừng của Thiên Chúa. Tin Mừng đó là: Chúa thương chúng ta, Chúa thương kẻ nghèo, Chúa ở giữa cuộc sống chúng ta.

Tình thương Thiên Chúa đối với kẻ nghèo được viết trong Phúc Âm. Phúc Âm có thể gọi là một lá thư dài Chúa gởi cho người nghèo. Nội dung lá thư đó là tình thương. Chúa thương kẻ nghèo, nên đã giáng sinh làm người nghèo, sống cuộc sống nghèo, chia sẻ thân phận người nghèo, sống giữa dân nghèo và đã chết rất nghèo. Chúa thương kẻ nghèo, nên đã chọn 12 người nghèo làm cột trụ Hội Thánh, làm cho họ nên mạnh, đến nỗi bao nhiêu vua chúa quan quyền suốt 20 thế kỷ thi nhau đàn áp mà vẫn không sao thắng được 12 người nghèo đó. Chúa thương kẻ nghèo, nên đã đồng hóa mình với kẻ nghèo. Chúa phán: “Ai cho kẻ đói ăn, kẻ khát uống, kẻ rách rưới mặc, thì Ta kể như là làm ơn cho chính Ta”. Chúa thương kẻ nghèo, nên đã cho thấy vô số, vô vàn kẻ nghèo lũ lượt lên Thiên Ðàng. Chúa phán: “Phúc cho những kẻ nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn kẻ giàu vào nước Thiên Ðàng”.

Tôi ưa đọc Phúc Âm để suy nghĩ về tình thương của Chúa đối với người nghèo. Nhưng thường ngày tôi vẫn thích đọc tình thương ấy viết ở một sách khác. Sách khác đó chính là cuộc sống đồng bào Việt Nam hôm nay.

Trong cuộc sống đồng bào Việt Nam hôm nay có biết bao nhiêu người cha người mẹ rất nghèo túng, đang tần tảo, chịu đựng đủ thứ vất vả nhọc nhằn để nuôi con và giáo dục con. Sự can đảm lặng lẽ kiên trì của họ ngày nọ qua ngày kia, năm này qua năm khác, đó là những công trình tình thương tôi cho là hùng vĩ.

Trong cuộc sống đồng bào Việt Nam hôm nay có biết bao nông dân, công nhân nghèo túng, đang tranh thủ từng phút, chắt chiu từng đồng bạc, dành dụm từng chén gạo, để nuôi sống gia đình đi lên. Lòng quả cảm của họ âm thầm và kiên trì, là những công trình tình thương, tôi cho là hùng vĩ.

Trong cuộc sống đồng bào Việt Nam hôm nay có biết bao nhiêu người phải thức khuya dậy sớm, ăn thiếu dinh dưỡng, mặc không đủ ấm, bệnh không đủ thuốc, nhưng vẫn bám vào niềm tin để sống. Tin vào chính mình, tin vào đồng bào dân tộc, tin vào Thiên Chúa. Sự gắn bó trung thành của họ là những công trình niềm tin tôi cho là hùng vĩ.

Những công trình đó rất nhiều, nhưng âm thầm, lặng lẽ. Chính nét âm thầm lặng lẽ đó càng làm cho công trình hùng vĩ càng thêm đẹp, càng thêm quí giá. Nhìn những công trình sống động đó, tôi tin là Thiên Chúa đang sống với chúng ta, đang sống giữa chúng ta. Tôi càng tin rằng, sức mạnh phục hưng Giáo Hội, phát đi từ những công trình âm thầm nhưng hùng vĩ đó.

Tuy nhiên, có những cuộc sống nghèo mang sức sống xây dựng, mà cũng có những cuộc sống nghèo có khả năng phá hoại, khi không biết tự trọng, khi không biết cố gắng xoay sở, khi không biết thương kẻ khác, khi lạm dụng và phụ bạc. Chính những cái đó ngăn cản tình thương của Chúa.

Nhắc tới lỗi lầm, chắc mỗi người chúng ta đều thấy mình có nhiều điều cần nói riêng với Chúa. Ta hãy nói với Chúa một cách chân thành. Nói như kẻ nghèo, nói như kẻ yếu đuối, nói với tất cả lòng khiêm tốn và tin yêu. Hãy nói như vua Ðavít xưa: “Lạy Chúa, xin nhớ đến giao ước của Chúa. Xin Chúa đừng quên những kẻ nghèo của dân Chúa. Xin Chúa đứng lên bênh vực họ. Xin đừng quên lời kêu cầu của những kẻ đang tìm Chúa”. Amen.

Lễ Thêm Sức, Cái Ðôi ngày 22/01/1984