Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1981
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1982
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1983
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1984
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1985
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1986
 

Nhân Ái

Lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời được dời vào chúa nhật tới 19/8. Nhưng vì Lễ Thêm Sức hôm nay nhằm vào ngày 15/8, tức chính ngày Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời theo lịch phụng vụ chung cho toàn thể Hội Thánh, nên tôi muốn nói ít lời về Ðức Mẹ.

Sự kiện Ðức Mẹ lên trời cả hồn và xác, là điều rất đáng vui mừng. Nhưng thú thật, đó không phải là điều hấp dẫn tôi nhiều lắm. Một sự nơi Ðức Mẹ đã hấp dẫn tôi một cách mãnh liệt, một sự nơi Ðức Mẹ đã là sức mạnh chinh phục từng triệu trái tim, sự đó không phải là sự Ðức Mẹ lên trời, mà là tấm lòng nhân ái của Ðức Mẹ.

Những bức tượng và những tấm ảnh Ðức Mẹ có giá trị nhất xưa nay trên thế giới đều đã được nổi tiếng ở điểm diễn tả tới mức độ cao vẻ nhân ái của Ðức Mẹ.

Nhân ái là một vẻ đẹp trong sáng, tích tụ lại những gì là hiền dịu, là khoan dung, là yêu thương, là cao thượng. Khi nhìn các ảnh tượng Ðức Mẹ, nhất là khi cầu nguyện Ðức Mẹ, ta hay cảm thấy cái vẻ đẹp huyền diệu đó tác động trong lòng ta, khiến ta dễ tin mến Ðức Mẹ.

Tất nhiên ta ưa thích vẻ đẹp nhân ái của Ðức Mẹ, nhưng có bao giờ ta tự hỏi mình xem ta có vẻ đẹp đó không. Tôi nghĩ là anh chị em, ai cũng có nhân ái. Người thì có nhiều, kẻ thì có ít. Nhưng dù nhiều dù ít, lòng nhân ái của ta cần phải được phát huy, và chỉ được phát huy nếu được ta chăm sóc kiên trì và tế nhị.

Suy gẫm đời Ðức Mẹ, tôi tìm hiểu xem Ðức Mẹ đã chăm sóc tấm lòng nhân ái của mình thế nào. Tôi thấy thế này: Ngoài ơn thiên phú, ngoài việc cầu nguyện, Ðức Mẹ đã luôn rèn luyện mình theo một lý tưởng có thể tóm tắt như sau: Tuân theo ý Chúa, nên luôn tìm phục vụ gia đình, thân thuộc, đồng bào, quê hương, nhân loại. Ðức Mẹ đã không bao giờ đã nói lên lý tưởng đó thành công thức. Nhưng thực tế, cuộc sống Ðức Mẹ đã theo đường hướng đó. Còn chúng ta, chúng ta đã thuộc công thức “Mến Chúa, yêu người”, nhưng thực tế đời sống của ta đâu có luôn đúng đường hướng đó. Do đó, vấn đề đặt ra cho ta ở đây là phải nổ lực rèn luyện bản thân mình.

Nhân ái, vừa là việc của lý trí, vừa là việc của tình cảm. Lý trí phải có nguyên tắc đúng đắn để soi sáng. Nhưng tình cảm thì phải rèn luyện, phải uốn nắn, phải nung phải nấu, phải tập tành. Một đứa nhỏ có thói quen vui chơi bằng cách phá hoại cây cối, bứt xé bông hoa, hành hạ giống vật, trêu chọc người tàn tật, đứa nhỏ đó lớn lên sẽ không tự nhiên có một trái tim dễ rung động trước những đau khổ của người khác. Một thanh niên có một quá trình đời sống luôn may mắn, không hề bị đụng chạm, không hề gặp khó khăn, cái gì cũng thàng công, muốn có cái gì cũng có sẵn sàng như ý, người thanh niên ấy không dễ có một trái tim khiêm tốn, dễ thông cảm với những người chỉ sống nhờ phấn đấu không ngừng, chứ không hề nhờ may mắn.

Như thế, có nghĩa là tình cảm nhân ái là một cái nếp. Phải nhiều lần mới thành nếp. Phải nuôi nhiều tâm tư hiền lành quảng đại. Phải gẫm nhiều gương thương người. Phải tập nói năng hoà nhã. Phải tập xử lý với người khác đúng như cách mình muốn người ta xử lý với mình. Phải tập nhìn người khác bằng con mắt của trái tim tế nhị.

Ðã hẳn, nhân ái không có nghĩa là chấp nhận nhu nhược, dung túng, cưng chiều vô lối. Tuy nhiên, kinh ngiệm cho thấy, trong đối xử với bà con, bè bạn, đồng bào, chúng ta dễ lỗi lầm về nhân ái ở điểm hay ích kỷ, hay tự ái, hay kiêu ngạo, hay nhỏ nhen, hay thù hận, chứ ích khi ta lỗi lầm vì quá thương, quá quảng đại. Chính vì thế, mà trong việc rèn luyện mình và giáo dục con em, ta nên để ý tập mở rộng trái tim ta ra, hơn là tập khép kín nó lại.

Mới rồi, tôi đọc cuốn sách tựa đề “Cách mạng Xã Hội Chủ Nghĩa ở Việt Nam” (tập I, nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội 1976), có bài ông Tổng Bí Thư Lê Duẫn, nói tại ngày hội của trường đại học Sư Phạm Hà Nội, ngày 29-6-1962. Trong bài nói đó, ông Tổng Bí Thư Lê Duẫn đã khẳng định chân lý về nhân ái như sau: “Nói đến rèn luyện con người, trước hết là nói giáo dục lòng nhân ái của con người, vì lòng thương người là đạo lý của cuộc sống, là đạo lý làm người” (trang 175). “Cái gốc của đạo đức, của luân lý là lòng nhân ái” (trang 177). Ðó là những lời quí báu. Tôi mong mọi người chúng ta ghi nhớ thực hiện, và dạy lại chân lý đó cho con em chúng ta.

Trong kinh Tám Mối Phúc, ta đọc: “Ai thương người ấy là phúc thật, vì chưng Nước Ðức Chúa Trời là của mình vậy”. Ta đọc câu đó, ta tin câu đó, nên ta phải cố gắng sống niềm tin đó. Trong thánh lễ này, chúng ta xin Chúa Thánh Thần là Cha rất nhân ái, thương ban ơn giúp đỡ chúng ta và con em chúng ta, để tất cả cùng biết sống nhân ái, xứng đáng là người con của Mẹ Maria nhân ái. Amen.

Lễ Thêm Sức, Xóm Bãi ngày 15/8/1984