Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1981
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1982
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1983
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1984
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1985
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1986
 

Khiêm Nhường

Một cuộc lễ thường có ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là thời gian chuẩn bị. Thời gian này có thể kéo dài nhiều ngày, nhiều tháng. Giai đoạn hai là chính cuộc lễ, thường chỉ diễn tiến trong mấy tiếng đồng hồ, hay một thời gian vắn. Giai đoạn thứ ba là thời gian sau cuộc lễ, với những hậu quả của cuộc lễ. Trong ba giai đoạn đó, thường giai đoạn thứ nhất được coi là quan trọng hơn cả.

Cuôc lễ hôm nay cũng có ba giai đoạn như thế. Và tôi thấy giai đoạn thứ nhất của chúng ta, đúng là một thời gian chuẩn bị rất tốt. Có nhiều lý do đưa tôi tới nhận xét đó. Một trong những lý do đó, là sự chúng ta đã chuẩn bị tâm hồn mình bằng một tinh thần khiêm tốn, càng ngày càng thuận lợi cho việc lãnh nhận ơn Chúa, càng ngày càng đáp ứng chương trình thanh luyện của Chúa một cách tốt đẹp. Ðể tinh thần khiêm tốn trở thành một con đường sống đạo thường xuyên, có giá trị cao hơn nữa. Hôm nay, trong mấy phút vắn vỏi này, tôi muốn chia sẻ với anh chị em vài suy nghĩ của tôi.

Nếu ai hỏi tôi: Chúa có thực sự muốn chúng ta khiêm tốn không? Thì tôi xin thưa: Chúa rất muốn. Hơn nữa Chúa truyền dạy, và hiện nay Chúa hối thúc. Có nơi Chúa cũng đang chủ động uốn nắn nhiều tâm hồn Chúa chọn, để nên khiêm nhường hơn theo ý Chúa. Bởi vì khiêm nhường là một điều kiện thiết yếu, để lãnh nhận ơn cứu chuộc. Không thể nào chuẩn chước được điều kiện đó.

Tôi nghĩ rằng: Nếu có ai trong chúng ta may mắn suốt đời chỉ làm điều lành, thì dầu vậy, họ vẫn là kẻ bất toàn về nhiều mặt, vẫn phải đọc kinh “Cáo mình” với tất cả lòng khiêm tốn sâu xa. Phương chi hầu hết chúng ta, là những kẻ rất yếu đuối, rất có giới hạn.

Chúa biết sự yếu đuối của ta. Chúa biết những giới hạn của ta. Và Chúa muốn chính chúng ta phải nhìn nhận rõ tình trạng đó của mình. Mình nhìn rõ mình không dễ lắm đâu!

Bao nhiêu người Pharisêu xưa đã nhìn mình với con mắt chủ quan. Họ cứ tưởng giữ luật đạo với những hình thức tỉ mỉ cặn kẽ, thế là đạo đức. Ðang khi đó, vì thiếu khiêm nhường, hay nâng mình lên, hay kết án kẻ khác, nên họ bị Chúa gọi là những người đạo đức giả.

Bao người Do thái xưa cũng đã nhìn mình với con mắt chủ quan. Họ tưởng hễ là dân Chúa thì sẽ được Chúa đối xử đặc biệt hơn người khác. Ðang khi đó, vì thiếu khiêm nhường, coi khinh kẻ ngoại giáo, nên họ bị Chúa cảnh cáo rằng: Rồi đây bao dân ngoại từ phương Ðông, phương Tây sẽ vào Nước Trời, còn con cái trong nhà sẽ bị loại ra.

Rồi chính thánh Phêrô, vị Giáo Hoàng tiên khởi, xưa cũng đã có lúc nhìn mình với con mắt chủ quan. Ngài tưởng rút gươm ra chém quân dữ, khinh ghét quân dữ, và kết án quân dữ là một việc can đảm phải làm để bênh Chúa, hợp với ý Chúa. Ðang khi đó, vì thiếu khiêm nhường đi tới chỗ chối Chúa, lúc đó Ngài mới nhận ra rằng chính Ngài là người yếu đuối cần được Chúa thương cứu chữa. Chính Ngài là kẻ đáng khinh, đáng phải kết án hơn ai hết.

Những sự đã xảy ra nơi giới Pharisêu xưa, nơi nhiều người Do Thái xưa, nơi thánh Phêrô xưa, thực là một thảm kịch. Thảm kịch đó vẫn tái diễn, bởi vì con người khó tránh được cái nhìn chủ quan, do tính tự phụ của mình.

Nhưng để được ơn tha thứ, ơn cứu độ, Chúa đòi ta phải rất khiêm tốn.

Có lúc tôi rất lo âu về chức vụ Giám Mục của tôi. Tôi tự hỏi mình rằng: Tôi ít có dịp gặp gỡ đoàn chiên, ít có dịp giảng dạy, thì đoàn chiên sẽ được ơn cứu độ thế nào? Tôi tự hỏi mình, để rồi lại hỏi lại Chúa, xin Chúa soi sáng cho tôi. Thì tôi thấy thế này: Chúa Giêsu xưa sống cuộc đời trần thế 33 năm. Trong 33 năm, thì 30 năm thinh lặng ở Nagiarét, chỉ có 3 năm đi giảng. Trong 3 năm đi giảng Ngài cũng chẳng đi nhiều lắm, cũng chẳng giảng nhiều lắm. Nhưng các đỉnh cao chót Ngài đi tới để mở ra nguồn ơn cứu độ chan hòa, đó là thánh giá, nơi Ngài đã chấp nhận một sự khiêm nhường tột độ, để minh chứng lòng mến Chúa và yêu thương nhân loại.

Tôi thấy Chúa Giêsu như thế, thì tôi hiểu rằng, Chúa muốn chờ đợi chúng ta một cái gì còn quan trọng hơn bài giảng, hơn các sự gặp gỡ. Cái gì đó chính là sự ta quảng đại, thông hiệp với tâm hồn khiêm tốn của Chúa Giêsu, trong việc phụng thờ Chúa và phục vụ đồng bào ta.

Anh chị em thân mến,

Mỗi khi vào nhà thờ, bái chào Mình Thánh, ta đừng quên nhìn Chúa Giêsu đang nhìn ta. Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể đang ở giữa ta, đang phục vụ ta một cách hết sức âm thầm, hết sức khiêm tốn. Ta hãy xin Chúa giúp ta biết chia sẻ với Ngài, chấp nhận sống khiêm nhường như Ngài, là một sự can đảm rất lớn.

Tôi cảm tạ Chúa vì anh chị em đã hiểu như thế, và đang cố gắng sống như thế. Xin anh chị em cũng vui lòng cầu nguyện cho tôi, và cho con em chúng ta cũng được trung thành theo ơn Chúa gọi, để giai đoạn sau cuộc lễ, trở thành một giai đoạn đầy phúc lành của Chúa. Amen.

Lễ Thêm Sức, giáo xứ Ngọc Thạch ngày 23/8/1985