Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1981
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1982
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1983
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1984
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1985
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1986
 

Những Ngạc Nhiên Lớn

Khi suy nghĩ về diễn tiến cuộc tử nạn Chúa Giêsu trong ba ngày Tuần Thánh, tôi thấy rất nhiều chi tiết làm tôi ngạc nhiên. Ở đây, tôi nói lên mấy điều ngạc nhiên lớn nhất.

 Ðiều thứ nhất làm tôi ngạc nhiên là sự tự hạ của Chúa Giêsu

Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, có quyền phép tự cứu mình, nhưng Ngài lại tự ý để cho người ta bắt. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, có quyền phép trừng trị bất cứ ai xúc phạm đến Ngài, nhưng Ngài lại thinh lặng để cho người ta hành hạ xỉ vả, và đóng đinh Ngài vào thập giá giữa hai tên trộm cướp.

Tự hạ đến nỗi chịu mất mạng sống mình, đó là can đảm. Nhưng tự hạ đến nỗi cam chịu nhục nhã, bị coi như mất uy tín danh vọng, đó là một sự khiêm tốn can đảm phi thường. Sự tự hạ như thế thánh Phaolô gọi là một thứ điên rồ đối với người ngoại đạo, và là một gương xấu đối với người có đạo Do Thái.

Nhưng tại sao Chúa Kitô lại tự hạ đến như thế. Thưa bởi vì sự khiêm tốn tự hạ của Chúa Giêsu, chính là của lễ đẹp nhất, mà Ðức Chúa Cha muốn, để làm giá cứu độ loài người. Tội Tổ Tông là tội kiêu ngạo. Căn rễ mọi tính xấu tàn phá con người là tính kiêu căng. Kiêu căng được đền bằng khiêm tốn. Khiêm tốn là chặng đường cứu độ. Chúa Giêsu đã đi vào. Kẻ theo Chúa không được phép chọn con đường trái ngược. Theo Chúa cứu độ, mà không theo đường khiêm tốn là điều đáng phải ngạc nhiên ghê gớm.

 Ðiều thứ hai làm tôi ngạc nhiên là sự cứng lòng của quần chúng nói chung và của các người lãnh đạo tôn giáo nói riêng

Họ biết Kinh Thánh. Họ mến Kinh Thánh. Họ ưa trích dẫn Kinh Thánh. Mà Kinh Thánh thì đã nói trước, nói nhiều về Ðấng Cứu Thế sẽ đến. Thế nhưng, khi Chúa Giêsu là Ðấng Cứu Thế đến họ không tiếp nhận. Tệ hơn nữa, họ đã bắt bớ Ngài, họ đã tìm cách giết Ngài một cách nhục nhã đau đớn nhất.

Thực là cứng lòng, một cứng lòng kiêu kỳ đáng sợ. Chuyện xưa là thế. Nhưng bây giờ, tôi sợ là sợ cho tôi, cho anh chị em, cho Giáo Hội mình, sợ lại lỗi lầm như thế. Chúa trên bàn thờ, Chúa trong giáo lý thì ta luôn tiếp nhận. Nhưng Chúa có mặt trong thực tế cuộc đời hôm nay thì nhiều lúc ta làm ngơ. Cũng như thời đó, bao người chúng ta muốn Chúa cứu độ đến với ta như một Thiên Chúa khải hoàn thống trị, một Thiên Chúa chuyên cứu ta khỏi rủi ro, chuyên ban điều may mắn. Nhưng Ngài không đến như thế, nên hôm nay cũng lại như thời đó, cũng lại vì vinh quang Ngài mà khước từ Ngài.

Thảm kịch cứu độ thường ở điểm đó, một điểm phải ngạc nhiên kinh hoàng.

 Ðiều thứ ba làm tôi ngạc nhiên là sự yếu đuối của mười hai tông đồ

Chiều thứ năm đó, các ông được Rước Lễ do chính tay Chúa. Các ông được chính Chúa rửa chân. Các ông được nghe chính Chúa khuyên lơn nhắn nhủ. Phải nói là các ông được sống trong những giây phút đặc ân nhất trên đời. Thế nhưng chỉ vài giờ sau, khi Chúa Giêsu bị bắt, tất cả 12 ông đều có những cử chỉ không tốt đối với Thầy mình. Ông thì phản, ông thì trốn, ông thì chối. Thực là yếu đuối, hết sức yếu đuối.

Nhưng chính ở điểm này mà tôi hiểu: Chúa cứu độ ta không hẳn vì ta đã rước lễ, không hẳn vì ta đã nghe giảng. Nhưng Chúa cứu độ ta khi ta khiêm tốn, nhận biết mình yếu đuối, nhận mình tội lỗi, tin vào Chúa cứu độ. Kinh nghiệm bản thân về sự yếu đuối của mình, thường là một bổ túc cần thiết để ta nên khiêm tốn.

Trong chương trình cứu độ, thất bại mà khiêm tốn là một thành công. Thành công mà kiêu căng là một thất bại. Ðừng ngạc nhiên về điều đó.

 Ðiều sau cùng làm tôi ngạc nhiên là danh sách những người nâng đỡ Chúa trong cuộc tử nạn

Ai khuyên Philatô không lên án Chúa. Thưa là bà vợ ông. Bà là người ngoại đạo. Ai là người vác đỡ Thánh Giá Chúa. Thưa là ông Simon Xyrênê. Không chắc ông là người có đạo. Ai là người đã đón đường đưa khăn lau mặt Chúa Giêsu đẫm máu với mồ hôi. Thưa là bà Vêrônica. Bà là một phụ nữ không tên tuổi. Ai là người đã dám nói công khai lúc đó Chúa là người vô tội. Thưa là kẻ trộm bên hữu. Ai là người trong giờ phút bi đát nhất đã đấm ngực ăn năn, và tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Ðức Chúa Trời. Thưa là viên sĩ quan ngoại đạo chỉ huy cuộc giết Chúa theo lệnh trên. Ai là người đã liên hệ với Philatô để xin phép đưa xác Chúa xuống. Ai là người đã cho đất, cho mồ, cho vải để an táng Chúa. Thưa là ông Giuse Arimathia. Ông là người có thiện cảm với Chúa, nhưng chưa bao giờ dám tỏ lộ. Ai là người chăm sóc Chúa những giờ sau hết. Thưa ngoài Ðức Mẹ và Thánh Gioan, thì chỉ là mấy bà thuộc thành phần rất khiêm tốn trong họ đạo.

Danh sách những người thiện chí trên đây đáng làm cho ta xấu hổ. Bao người ít biết Chúa, mà lại thương Chúa rất nhiều. Bao người được ơn Giáo Hội nhiều, mà lại nâng đỡ Giáo Hội quá ít. Thì ra danh sách các người thiện chí không thể ghi ở bất cứ sổ sách nào, dù là sổ rửa tội. Chỉ biết chắc điều này là, trước mặt Chúa, thiện chí đi liền với khiêm tốn. Thời nào cũng vậy. Chúa ưa chọn những người bé mọn, để đừng ai dám tự phụ, tự cao tự đại, trong việc cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa.

Giờ đây, tôi đi rửa chân cho các tông đồ. Ðây không phải chỉ là một cử chỉ tưởng niệm. Ðây là một lời cầu nguyện. Tôi cầu nguyện cho tôi, cho anh chị em, cho Giáo Hội chúng ta, để được ơn sống khiêm tốn như Chúa muốn. Khiêm tốn trong tinh thần thờ phượng Chúa, khiêm tốn trong tinh thần phục vụ đồng bào, khiêm tốn trong mọi liên hệ hằng ngày. Có thực sự khiêm tốn mới sám hối được. Có thực sự khiêm tốn mới hòa giải được.

Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường, xin thương nghe lời con cầu nguyện. Amen.

Thứ Năm Tuần Thánh, Long Xuyên ngày 31/03/1983