Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1981
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1982
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1983
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1984
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1985
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1986
 

Một Ðiển Hình Của Lòng Tin Mến

Lễ Hiển Linh quen gọi là lễ Ba Vua. Chuyện Ba Vua được ghi lại trong bài Phúc Âm mà ta vừa được nghe. Chuyện vắn tắt. Nhưng đó là một điển hình của lòng tin mến. Ðó là một mẫu người có đạo. Tôi xin giới thiệu vắn tắt.

Trước hết, lòng tin mến của Ba Vua là một hành trình rất vất vả. Vất vả ở chỗ các ngài phải lặn lội đường xa, trắc trở để tìm gặp Chúa. Vất vả nhất là ở chỗ phải dò dẫm, nào là tra cứu trong sách, nào là quan sát dấu chỉ trên trời, nào là hỏi thăm các người thông hiểu.

Các ngài là dân ngoại, nên đã có thể nghĩ rằng: Thiên Chúa giáng sinh là chuyện lớn lắm. Chắc nơi Ngài sinh được rất nhiều người biết. Chắc là cả vùng nô nức tấp nập, quần chúng lũ lượt kẻ đi người về, kéo đến nơi Chúa giáng sinh. Chắc là dư luận rất xôn xao. Vì thế, ai cũng biết dường dẫn tới nơi Ngài giáng sinh.

Thế nhưng, Ba Vua đã thấy khác. Càng đi, càng thấy bình lặng tiếp nối bình lặng. Hỏi đường đến nơi Chúa giáng sinh, thì chẳng được trả lời thỏa đáng. Người thì dửng dưng, người thì tỏ ra xa lạ, người thì trêu chọc, người thì chống đối, cản trở.

Tuy nhiên, Ba Vua vẫn kiên trì, vẫn giữ lòng tin mến ban đầu, vẫn cứ đi tìm thờ lạy Chúa. Niềm tin mến của các ngài quả là một hành trình rất vất vả.

Thế rồi, khi tới Bêlem, thì cuộc hành trình rất vất vả đó đã đưa tới sự gì? Thưa, đã đưa tới một khám phá tuyệt vời.

Trước đó, Ba Vua đã có thể nghĩ rằng: Chắc Thiên Chúa giáng sinh sẽ nằm ở một cái nôi bọc gấm lụa, sẽ đặt trên một cái ngai bằng vàng, sẽ ở trong một cung điện nguy nga, sẽ có vô số người sang trọng hầu hạ.

Thế nhưng, tới Bêlem, Ba Vua đã thấy một hài nhi nằm trong hang đá nghèo nàn, chỉ có một người thôn nữ là mẹ, và một người đàn ông nghèo là cha nuôi chăm sóc. Ðối với Ba Vua, thấy cảnh khiêm tốn đó là một khám phá tuyệt vời. Chính những nét khiêm tốn, hiền lành, yêu thương chan hoà của Chúa giáng sinh, đã làm cho Ba Vua càng thêm tin mến Chúa. Vẻ đẹp của Chúa tuyệt vời là ở những nét đó.

Từ đây, đối với Ba Vua, tin mến Chúa, không những là một hành trình vất vả, nhưng còn là một chấp nhận gắn bó với một Chúa nhập thể, sống khiêm tốn, sống chia sẻ với thân phận kẻ nghèo, sống yêu thương và hy sinh cho đồng bào, cho nhân loại.

Thế rồi, tưởng như thế là xong. Nhưng không xong. Khi đã thờ lạy Chúa giáng sinh, Ba Vua tính chuyện trở về. Các ngài định trở về theo lối cũ, sẽ ghé lại triều đình Hêrôđê, sẽ ghé lại các nhà mà chuyến đi mình đã trú trọ. Các ngài muốn ghé lại các điểm đó, để loan tin mừng cho họ. Các ngài nghĩ làm thế sẽ làm vinh danh Chúa, sẽ là việc truyền giáo.

Thế nhưng, Chúa soi bảo Ba Vua đừng đi lối cũ nữa, hãy tiếp tục cuộc hành trình theo con đường mới. Trên con đường mới, Ba Vua sẽ hoà mình với khách bộ hành mà đi, sẽ đi như mọi người thường, đừng om sòm nói về Chúa giáng sinh kẻo gây rắc rối, nhưng hãy làm chứng về Chúa bằng cách sống như Chúa đã tỏ mình ra tại Bêlem, một Chúa hiền lành, khiêm tốn, vâng phục ý Chúa Cha, yêu thương và hy sinh cho đồng bào, cho nhân loại. Thế là cuộc hành trình của Ba Vua đã dược tiếp tục với những bước đi mới.

Anh chị em thân mến,

Tôi vừa diễn tả lòng tin mến của Ba Vua như một hành trình rất vất vả, như một khám phá tuyệt vời về Thiên Chúa hiền lành và khiêm nhường, yêu thương và hy sinh, như một cách làm tông đồ âm thầm, hiện thực. Tôi coi đó là một mẫu sống đạo sẽ được áp dụng cho hiện tại và tương lai.

Như Ba Vua đã phải vất vả nhiều lắm để tới Bêlem, thì sống đạo cũng sẽ phải vất vả nhiều lắm, để có bí tích, để có giáo lý, để có được những giờ phút thờ phượng Chúa tại nhà thờ.

Như Ba Vua đã khám phá thấy Chúa ẩn mình dưới hình thức đơn sơ, nghèo hèn, khiêm tốn, để yêu thương phục vụ, thì sống đạo cũng dần dần khám phá thấy vẻ đẹp và sức mạnh của Chúa ở một Giáo Hội nghèo, ở những nghi lễ đơn sơ, ở tất cả những gì là hiền lành, khiêm mhườmg, âm thầm và can đảm phục vụ.

Như Ba Vua đã tránh đường cũ và rẽ sang lối khác để tiếp tục hành trình, thì sống đạo cũng tránh đường cũ, rẽ sang lối khác. Lối khác đó là âm thầm hơn. Lối khác đó là nhấn mạnh đến bác ái, phục vụ một cách khiêm tốn, và can đảm trong cuộc sống công dân hơn là các sinh hoạt tôn giáo nặng nề tổ chức. Lối khác đó là “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”.

Mẫu sống đạo như tôi vừa nêu lên sẽ được thực hiện. Nếu ta không tự chọn, thì chính Chúa sẽ bắt ta đi vào.

Xin Chúa Thánh Thần ban ơn cho ta được sống đạo như Chúa muốn. Amen.

Lễ Thêm Sức, Cù-Lao-Giêng ngày 8/1/1984