Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1992
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1993
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1994
 

Chọn Một Hướng Ði

Mt 2,13-15. 19-23 (Lễ Thánh Gia)

Bài Phúc Âm hôm nay kể lại chuyện Thánh Gia di chuyển từ Do Thái sang Ai Cập, rồi từ Ai Cập về Do Thái.

Câu chuyện di chuyển của Thánh Gia hôm nay gợi ý cho tôi những di chuyển đang xảy ra đó đây tại Việt Nam ta và tại chính địa phương chúng ta đây. Có nhiều dạng di chuyển khác nhau. Ở đây tôi chỉ kể ra hai dạng di chuyển đáng kể.

Dạng di chuyển thứ nhứt là dạng di chuyển trên tuyến đường làm ăn kinh tế.

Do nhu cầu làm ăn kinh tế, nhiều người đã từ địa phương này đến địa phương khác. Nhiều gia đình ở Sài Gòn chuyển về lập nghiệp nơi đây. Khi đi trên các tuyến đường tại Việt Nam và đi trên các tuyến đường tại Âu Châu, tôi đã gặp được nhiều người ở địa phận Long Xuyên trong đó có nhiều người Cái Sắn, có cả những người kinh 1, do nhu cầu làm ăn kinh tế, vì cuộc sống của mình.

Khi di chuyển như vậy, người ta nhìn thấy nhiều cái mới, được nghe nhiều cái lạ, tiếp cận với nhiều nền văn minh khác. Và từ đó, nảy sinh ra trong đầu óc những suy nghĩ mới, những ước vọng mới, và dần dà tạo ra một nếp sống mới.

Dạng di chuyển thứ hai đáng kể là di chuyển trên những tuyến đường thông tin, quảng cáo. Do nhu cầu giải trí, và do nhu cầu mở rộng tầm nhìn, anh chị em cũng như tôi, ngồi tại nhà, qua đài, qua tivi, nhưng đầu óc của mình vẫn được di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Sáng nay, tôi ngồi nghe đài, tôi ngồi một chỗ, nhưng qua những tuyến đường thông tin, đầu óc của tôi đi từ Việt Nam sang Pháp, sang Ðức, sang Anh, sang Mỹ. Rồi mỗi tối, trước màn ảnh nhỏ, tôi ngồi yên trên ghế, nhưng đầu óc của tôi đã được di chuyển bằng hình ảnh đi khắp thế giới.

Những di chuyển ấy làm cho mình tiếp cận với những cái mới, nghe những điều mới và từ đó, cũng nảy sinh ra những cách suy nghĩ mới, có những ham muốn mới, và tạo dần một cách sống mới.

Trên đây, tôi chỉ nói đến hai dạng di chuyển đáng kể mà ngày nào chúng cũng thấy xảy ra. Ảnh hưởng của nó rất là quan trọng.

Ðêm lễ Noel vừa qua, tôi để ý quan sát, thì thấy: Năm nay, cách ăn mặc của người ta, nhất là giới trẻ, đặc biệt là phái nữ, đã khác Noel năm trước nhiều lắm.

Rồi thái độ tự do, chủ trương tự do được biểu hiện qua hành động đêm lễ Noel, cũng rất khác Noel năm trước nhiều.

Rồi cách giải trí, vui chơi, phương tiện đi lại, thăm viếng bạn bè, quà cáp gửi nhau, năm nay cũng rất khác Noel năm trước.

Tất cả những di chuyển đó là do kinh tế, là do quảng cáo, là do thông tin, là do làm ăn, là do thị trường mở ra. Cái quan trọng là những cái di chuyển ấy, tác động đến đức tin, tác động đến đạo đức.

Vì là người mục tử, tôi có thao thức của người mục tử, tôi đồng hành với dân tộc của tôi, với đoàn chiên của tôi. Tôi bám sát những chuyển biến của từng thời kỳ, của từng địa điểm, để xem những chuyển biến ấy ảnh hưởng tốt hay xấu trên đời sống đạo đức của đoàn chiên tôi. Và mỗi lần cảm thấy có một sự chuyển biến lớn trong tâm lý xã hội, tôi vẫn thường hỏi Chúa Kitô, xem bây giờ đây, con phải làm sao cho đoàn chiên con, để ứng phó với những chuyển biến đang ảnh hưởng rất mạnh, rất mau, đến đời sống đức tin. Và lần nào cũng vậy, Chúa vẫn nhắn nhủ tôi, sự chuyển biến, đó là chuyện bình thường. Ứng phó với những chuyển biến đó không phải là chận lại những chuyển biến, là gò bó lại sự tự do, là không cho phát triển kinh tế, xã hội, chính trị và tôn giáo. Nhưng ứng phó bằng cách huấn luyện đoàn chiên, nhất là giới trẻ, biết sống tự do thế nào cho tốt. Phải huấn luyện, giáo dục sự tự do. Ðó là nhu cầu của người có đạo hôm nay, trước cái thời điểm mà sự di chuyển về mọi mặt, đang được phát triển mau lẹ.

Giáo dục sự tự do của con người là thế nào?

Theo tôi, là phải làm sao cho ta, cho gia đình ta, cho con cháu ta, có một hướng đi rất vững, rất rõ và rất mang màu sắc sự sống đức tin. Tôi nói lại: Sống đức tin bây giờ, là cần phải chọn một hướng đi cho rõ, cho đúng Phúc Âm. Ðấy là cái đầu tiên.

Rồi phải nâng đỡ hướng đi đó bằng những nguyên tắc thực vững, thực gọn thực rõ, thực sát Phúc Âm và sát thời điểm.

Rồi huấn luyện sự tự do của chúng ta, nhất là con em chúng ta, là hãy tìm cách đưa vào lòng con em chúng ta những ham muốm đạo đức, hợp với Phúc Âm, ích lợi cho dân tộc, cho gia đình mình.

Hướng đi mà tôi chọn, đó là: Vâng phục thánh ý Chúa. Nếu anh chị em theo dõi những bài giảng của tôi. Bao giờ tôi cũng đặt nặng vấn đề vâng phục thánh ý Chúa. Ðấy là hướng đi căn bản nhất của tôi, để tôi biết sống làm sao trong một thế giới đa dạng, có muôn vàn hướng đi khác nhau, tôi phải chọn làm sao hướng đi của tôi là vâng phục thánh ý Chúa. Mà thánh ý Chúa rõ ràng nhất, trong mọi lúc, ở mọi nơi, đó là yêu thương, bác ái: “Cha trối cho chúng con một điều răn mới, là chúng con yêu thương nhau, như Cha đã yêu thương chúng con”. Ðấy là thánh ý Chúa rõ nhất, mà dù ở chỗ này, sang bên Tây, trong nhà thờ, trên xe cộ, ở giữa những người có đạo, ở giữa những người bên lương, yêu thương là thánh ý Chúa rõ nhất.

Hướng đi của tôi là như vậy. Và khi chọn hướng đi yêu thương bác ái, thì tôi tin chắc, đó là hợp với thánh ý Chúa. Và muốn được như vậy, tôi cần phải kết hợp với Thiên Chúa là tình yêu: “Cha là cây nho, chúng con là cành”. Làm sao mỗi ngày, tôi đến với Chúa nhiều lần, nếu không đến được, ít ra gặp Chúa trong lòng mình, để cảm tạ Người, để hỏi han Người, để chia sẻ những thao thức của người chủ chăn “Chúa chiên lành”.

Những nguyên tắc rõ ràng, mà tôi thấy cần cho tôi, cho anh chị em trong lúc mở ra này, đó là những nguyên tắc thuộc về đức bác ái. Tôi vẫn luôn luôn nhìn vào những lời Chúa nói về ngày phán xét. Ngày đó, Chúa chỉ căn cứ vào đức yêu thương bác ái, để phân biệt kẻ dữ, người lành: “Ta đói, các con đã cho Ta ăn”. Ðủ rồi, con hãy lên thiên đàng. “Ta khát, con không cho Ta uống”. Ðủ rồi, xuống hỏa ngục. Chúa phán xét rất đơn sơ, trên tiêu chuẩn bác ái, yêu thương. Và trên lời Chúa đã khẳng định: “Khi chúng con làm một việc gì, hay không chịu làm một việc gì cho người khác, thì Ta kể như là làm cho chính Ta hoặc là từ chối làm cho chính Ta”.

Nguyên tắc rất rõ ràng. Và khi nắm được nguyên tắc ấy, tôi thấy mình an tâm trên con đường mình đi.

Rồi những nguyên tắc khác như: “Con hãy tha thứ cho mọi người, để con được Chúa tha thứ cho con”. Ðấy cũng là những nguyên tắc thực rõ, thực vững, thực gọn.

Ngoài ra, tôi thấy, cần phải dạy con em chúng ta, làm sao để chúng có một lý tưởng, một ham muốn thực là Phúc Âm.

Riêng tôi, từ nhỏ, và càng ngày càng thấy có một ham muốm là làm sao mọi người yêu thương nhau, và làm sao thiết lập trên Ðất Nước Việt Nam này, ít ra tại địa phận Long Xuyên chúng ta, một nền văn minh của trái tim. Thương yêu nhau, chấp nhận nhau, chia sẻ với nhau niềm vui, nỗi buồn.

Khi có một ham muốn như vậy, mình thấy thanh thản. Và rồi, dù gặp thành công, dù phải thất bại, mình vẫn nói với Chúa rằng: Con làm theo thánh ý Chúa mà thôi, chứ không phải làm cho chính mình con.

Thánh Gia ngày xưa sang đất Ai Cập đã tìm được cuộc đời an ổn.

Tôi nghĩ sự an ổn đến với Thánh Gia không phải là lớn tiếng đấu tranh cho quyền lợi đạo của mình. Mà trái lại, Thánh Gia âm thầm khiêm tốn, sống yêu thương bác ái. Chính vì vậy, mà người dân ngoại Ai Cập đã thương yêu Thánh Gia, đã đùm bọc Thánh Gia. Chứ nếu không, khi Thánh Gia ở đó, lại kiêu căng, lại trịch thượng, lại cứ tưởng mình là duy nhất đúng, là duy nhất phải, rồi xua đuổi, rồi khinh chê những người ngoại giáo, thì chắc chắn Thánh Gia đã bị khai trừ ngay tuần đầu tiên trên đất Ai Cập, bởi những người ngoại giáo. Vì thế, tôi cảm tin rằng: Sống Phúc Âm hôm nay, cách rao giảng Phúc Âm hôm nay, là hãy bắt chước Thánh Gia, sống hiền hòa, khiêm tốn, yêu thương.

Khi chúng ta làm như vậy, là chúng ta bắt chước Thánh Gia, quan thầy xứ đạo chúng ta. Chúng ta không cần đến thành công trước mắt. Nhưng phải làm theo thánh ý Chúa. Rồi hạt giống chúng ta, sẽ trổ sinh cây lá tốt lành. Và, trước mặt Chúa, những cây trái ấy sẽ làm vinh danh Thiên Chúa. Vinh danh Thiên Chúa vì Nước Trời đã đến. Và nước Trời là tình yêu, là sự bình an của Chúa Kitô.

Xin Chúa Thánh Thần hôm nay, đến với chúng ta... Và hãy gieo vào lòng con em chúng ta bài học yêu thương của Thánh Gia, để nhờ đó, chúng ta sống đạo trong hoàn cảnh thế giới đầy chuyển biến, có nhiều di chuyển ảnh hưởng rất mạnh, rất lớn đến đức tin.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến và ở lại trong trái tim chúng con. Amen.

Lễ Thêm Sức, Thánh Gia (Kênh 1B) ngày 27/12/1992