Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1992
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1993
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1994
 

Huấn Luyện Ðức Tin

Lc 24,13-35 (Thứ 4 tuần Bát nhật Phục Sinh)

Trong mấy tháng vừa qua, có vài bài báo, đăng trên các báo ngoại quốc, nói về tình hình Việt Nam, đã làm cho tôi suy nghĩ rất nhiều.

Bài báo thứ 1 đăng trên tờ La Vie, một tuần báo của Pháp. Khi mô tả tình hình Công Giáo tại Việt Nam, tác giả, một người Pháp mới đi Việt Nam về, đã viết và có một nhận xét sau đây: Tại nhiều nơi, người ta đầu tư quá nhiều vào việc xây cất nhà thờ, mà đầu tư quá ít vào việc đào tạo và huấn luyện đức tin.

Bài báo thứ 2 đăng trên tờ Témoignage Chrétien, ngày 27/3 mới rồi. Khi đưa ra những khuynh hướng sống đạo ở Việt Nam hôm nay, tác giả là một nhà văn nổi tiếng ở Pháp mới ở Việt Nam về, đã viết như sau: Tôi thấy tại một số nơi ở Việt Nam, người ta đã xây cất những cái xét ra không cần thiết cho đời sống cộng đoàn. Và việc đó dẫn đưa tới chỗ là thu vén tiền bạc, là đi tới những nguy hiểm mà đồng tiền thường gây nên cho Hội Thánh khắp nơi. Sau đó, tác giả lại viết: “Nếu cứ đà này, có lẽ, Giáo Hội Việt Nam sẽ mất đi tình cảm của những người ngoài Công Giáo. Và có lẽ, Giáo Hội Việt Nam sẽ tự đặt mình ra ngoài lề xã hội Việt Nam”.

Tất cả những ý kiến trên đây đã làm tôi suy nghĩ, đã làm tôi nhức nhối.

Riêng tôi, tôi nghĩ rằng: Khi các cha, khi Hội đồng giáo xứ, khi một họ đạo tiến hành xây cất, tu sửa nhà thờ, tháp chuông, tượng đài, thì chắc chắn đã có những cân nhắc cẩn thận, chắc chắn đã có một tâm hồn chấp nhận hy sinh: Hy sinh sức khỏe, hy sinh tiền bạc, và nhiều khi hy sinh đến cả uy tín của mình. Nhất là, khi tiến hành làm những việc xây cất ấy, các cha cũng như anh chị em đã có một ý muốn sớm chấm dứt những công trình ấy, để có thể tiếp tục chương trình huấn luyện con người về đức tin. Tất cả những điều trên đây, tôi đang thấy nơi giáo xứ anh chị em.

Tôi biết là anh chị em, trước khi làm những công việc xây cất, đã cân nhắc đắn đo, đã suy nghĩ thật kỹ, và cũng đã sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh. Nhất là cũng đã cố gắng để mau chấm dứt cái giai đoạn xây cất các cơ sở vật chất, hầu có thể tập trung tiềm năng tinh thần, vật chất, vào việc đào tạo đức tin.

Vì thế, hôm nay, tôi coi như một ngày lễ Vượt Qua. Chúng ta đã vượt qua được cái giai đoạn chúng ta đã đặt ra, để rồi chúng ta bước vào một giai đoạn mới: Giai đoạn huấn luyện đào tạo đức tin, mà chương trình được Chúa Kitô phát họa trong bài Phúc Âm hôm nay.

Như chúng ta vừa nghe, khi Chúa Giêsu huấn luyện đức tin hai môn đệ trên đường về làng Emaus, Ngài đã dùng nhiều cách khác nhau:

- Việc thứ nhất là Chúa Giêsu giúp cho các môn đệ chịu đựng những thất bại, chịu đựng những đau buồn nhục nhã.

Thật vậy, hai môn đệ cảm thấy mình thất vọng, cảm thấy mình phải nhục nhã ê chề, cảm thấy sự trông đợi của mình trở nên mong manh. Họ vừa đi vừa nói với nhau về sự thất bại của Thầy mình, cảm thấy mình đau khổ, cảm thấy mình thất bại yếu đuối. Ðó là những việc Chúa không bao giờ miễn trừ cho các người tin Chúa. Việc huấn luyện đức tin bao giờ cũng phải trải qua những thất vọng, phải biết nội tâm hóa những đau buồn nhục nhã, để nên giống Chúa Kitô. Ðó là việc thứ nhất.

- Việc thứ hai mà Chúa đã phác họa ra trong chương trình huấn luyện đức tin hôm nay, là hướng dẫn theo Thánh Kinh.

Phúc Âm kể lại: Chúa Giêsu cắt nghĩa Thánh Kinh cho hai môn đệ từ các tiên tri, cho đến sau này. Có nghĩa là hai môn đệ ấy đã thuộc Thánh Kinh, còn Ðức Kitô đến là để cắt nghĩa thêm. Học hỏi Thánh Kinh. Ðào sâu Thánh Kinh. Ðó là con đường tất yếu bó buộc trong vấn đề huấn luyện đức tin. Kinh Thánh không phải là giáo lý. Giáo lý không phải là Kinh Thánh. Hay là nói đúng hơn: Giáo lý không phải là tất cả Kinh Thánh. Muốn huấn luyện đức tin, phải tập trung vào sự học hỏi Kinh Thánh.

- Việc thứ ba mà Chúa Giêsu đã phác họa trong chương trình huấn luyện đức tin hôm nay, là Ngài đốt lên trong tâm hồn hai môn đệ trên đường Emaus cái hứng khởi lắng nghe Lời Chúa và cái hứng khởi được hiểu Lời Chúa.

Cái việc này chỉ có thể đạt được bằng sự cầu nguyện. Còn bình thường chúng ta không làm được, không đốt lên được ngọn lửa ấy, nếu không có Chúa Thánh Linh.

- Việc thứ tư mà chúng ta thấy Chúa Giêsu đã làm hôm nay trong chương trình huấn luyện đức tin cho hai môn đệ trên đường Emaus, là cho các Ngài tham dự tích cực vào sự hiệp thông với Thầy và sống bác ái với kẻ khác, trong thái độ bẻ bánh chia cho nhau.

Ðức tin phải được huấn luyện, không phải chỉ qua bí tích Thánh Thể, nghi thức, mà còn qua cuộc lễ trong cuộc đời mình: Hiệp thông với Chúa, chia sẻ hợp nhất với nhau.

Và sau cùng, một việc Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ để huấn luyện đức tin hôm nay, là biết trở về với Ðức Kitô, là biết từ bỏ những gì mình muốn dự tính, không hợp với Chúa Kitô, để đi chia sẻ Tin Mừng cho những người chung quanh.

Chương trình huấn luyện đức tin là một chương trình rất phức tạp. Nó cần nhiều nghị lực tâm linh như chúng ta vừa thấy. Nó đòi từ bỏ chính mình, từ bỏ những ý riêng mình.

Cũng như bài Phúc Âm hôm nay cho thấy: Hai môn đệ nhìn thấy chính Ðức Kitô hiện hình, đứng bên mình, ngồi bên mình, nói chuyện với mình, mà mình không nhận ra Ngài. Phương chi chúng ta, nếu chỉ nhìn cây tháp, chỉ nhìn thánh đường làm sao nhận ra Chúa được, nếu không có một sức mạnh thiêng liêng trong tâm hồn mình?

Vì thế, khi tôi nhìn anh chị em trong lễ hôm nay, tôi thấy tâm hồn anh chị em đang nhìn vào một số hình ảnh: Hình ảnh cuộc lễ, hình ảnh thánh đường, hình ảnh tháp chuông. Những cái đó là rất tự nhiên, nhưng theo sự huấn luyện đức tin, chúng ta phải vượt qua những hình ảnh ấy để gặp được Ðức Kitô trong mình ta, để nhận ra Ðức Kitô là Ðấng Cứu Ðộ đã chết và sống lại trong đời của ta. Chỉ khi chúng ta vượt qua những hình ảnh mong manh, phù du, để gặp được Ðức Kitô, để sống trọn vẹn với Ngài, để dấn thân với Ngài, thì đó mới là sống đức tin. Cuộc sống hôm nay có rất nhiều thử thách: Việt Nam càng mở rộng ra, chúng ta càng gặp rất nhiều thử thách cho đức tin. Khi đó chỉ có một đức tin mạnh, sâu, đó là gặp được Ðức Kitô, thì chúng ta mới vững, và chúng ta mới thực là những Kitô hữu có Ðức Kitô trong mình.

Ðây là nguyện vọng của tôi. Ðây là lời cầu nguyện của tôi hôm nay. Mong rằng, sau cuộc lễ này, những hình ảnh cuộc lễ hôm nay tuy còn đó, nhưng chỉ là một dấu chỉ để chúng ta gặp được Ðức Kitô trong chính đời sống chúng ta. Ðó mới là sự sống lại của Ðức Kitô trong chính chúng ta. Amen.

Lễ Làm Phép chuông, kinh Rivêra ngày 14/4/1993