Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1992
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1993
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1994
 

Hình Thức Mới Của Tân Phúc Âm Hoá

Ga 15,12-17

Giáo xứ Trinh Vương hôm nay đang mừng những kỷ niệm lớn. Kỷ niệm 37 năm thành lập giáo xứ, kỷ niệm hôn nhân của gần 200 gia đình, và nhất là kỷ niệm 25 năm linh mục của cha chánh xứ.

Những kỷ niệm này đang được mừng một cách trang trọng và sốt sắng trong một khung cảnh có nhiều xây cất mới, có nhiều sắp xếp mới. Thực là đẹp. Ðẹp về hình thức. Ðẹp về tinh thần. Nhìn qua vẻ đẹp bề ngoài, đầu tiên, tôi có cảm tưởng rằng: Giáo xứ Trinh Vương đang tiến triển trong một chiều hướng có vẻ ổn định. Ổn định về trật tự. Ổn định về cách nhìn. Ổn định về nếp sống.

Nhưng sau khi suy nghĩ, tôi lại có cảm tưởng hơi ngược lại. Tôi có cảm tưởng là tình trạng có thể ổn định, nay đang sang tình trạng chuyển biến. Chắc rồi đây, theo tôi nghĩ, những cái gì ta cho là ổn định, sẽ không còn mãi ổn định: Lương tâm con người sẽ thay đổi, cái nhìn của con người cũng sẽ đổi thay. Và nếp sống đạo, cách sống đạo, cũng sẽ đổi thay. Sẽ có những thay đổi đáng ngại, và sẽ có những thay đổi đáng mừng. Ở đây, tôi chỉ muốn nói tới những thay đổi đáng mừng đang thấy xuất hiện ở nhiều nơi, trong đó có giáo xứ chúng ta. Những thay đổi ấy, đó là những hình thức mới để đáp lại ơn Chúa gọi.

Ơn gọi, về căn bản, vẫn là Lời Chúa, mà chúng ta vừa nghe trong bài Phúc Âm hôm nay: “Chính Thầy sai các con đi, để các con đem lại hoa trái và hoa trái các con tồn tại”.

Căn bản ơn gọi vẫn luôn luôn là như thế, nhưng cách đáp ứng lại ơn gọi đó sẽ có những hình thức khác nhau, nhất là trong thời điểm hôm nay.

Chính Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng đã gợi ý đến những hình thức mới để đáp lại ơn gọi trong thời điểm bây giờ và tương lai năm 2000. Tất cả những hình thức mới ấy được Ðức Thánh Cha gói gọn lại trong từ Tân-Phúc Âm-hóa. Riêng trong giáo xứ Trinh Vương này, tôi nhận thấy đang xuất hiện vài hình thức mới của Tân-Phúc-Âm-hóa.

Hình thức mới nhất là làm đẹp và trong sạch hóa môi trường.

Vấn đề này đã được Ðức Thánh Cha nêu lên nhiều lần, và đặc biệt, là trong mùa Chay vừa qua. Theo Ngài, làm đẹp môi trường và trong-sạch-hóa môi trường, đó là bổn phận về công bình, về bác ái, đối với xã hội, đối với sức khỏe tinh thần và thể xác của tha nhân.

Tôi thấy anh chị em ở đây, đang đáp ứng lời kêu gọi của Ðức Thánh Cha về điểm này, trong chương trình Tân-Phúc-Âm-hóa. Chỉ nhìn qua con đường của kênh, nhìn qua công viên, nhìn qua xung quanh thánh đường, nhìn qua khu nhà văn hóa mới xây, tôi có cảm tưởng là cha xứ và anh chị em đã bén nhạy nắm bắt được nhu cầu đáp ứng lại lời Ðức Thánh Cha kêu gọi về Tân-Phúc-Âm-hóa.

Hình thức mới thứ hai của Tân-Phúc-Âm-hóa mà tôi nhận thấy đang thiết thực ở đây, đó là: Mục vụ gia đình.

Mục vụ gia đình cũng đã được Ðức Thánh Cha của chúng ta nêu lên và nhấn mạnh, nhất là trong thông tư về huấn luyện giáo dân. Ở đây, tôi đã nhận thấy khá nhiều dấu về mục vụ gia đình: Ðặc biệt như hôm nay, lễ mừng kỷ niệm hôn nhân của 200 gia đình. Chiều hôm nay, khi làm lễ, tôi nghe các em, đọc một kinh cầu nguyện riêng cho cha mẹ, làm tôi nghĩ tới sự anh chị em, đã đáp ứng một cách nhạy bén lời kêu gọi của Ðức Thánh Cha kêu gọi về Tân-Phúc-Âm-hóa.

Mục vụ gia đình là rất quan trọng. Một Hội Thánh tốt, một xã hội tốt, phần lớn là do có những gia đình tốt.

Hình thức mới thứ ba về Tân-Phúc-Âm-hóa mà tôi nhận thấy xuất hiện ở đây, đó là trở về với Ðức Kitô và Phúc Âm của Người.

Sáng nay, tôi đọc lại một văn thư của Ðức Thánh Cha. Ngài nhấn mạnh rất nhiều lần đến sự cần thiết phải trở về với Ðức Kitô. Ngài nói rằng: Muốn Tân-Phúc-Âm-hóa chính mình, giáo xứ của mình, thì cần phải biết trở về với Ðức Kitô, biết đón nhận Ngài vào con người của mình, vào đời sống của mình là biết gặp gỡ Ngài,biết sống thân mật với Ngài, biết tin vào lời Ngài, biết hiểu lời Ngài, và nhất là biết theo gương Ngài.

Rồi trở về Phúc Âm căn bản là biết trở về với giới luật mà chúng ta vừa nghe trong Phúc Âm (thứ VI vọng Phục sinh) “Thầy ban cho chúng con một điều răn mới là chúng con thương yêu nhau”.

Hãy trở về với Phúc Âm là hãy tham gia tích cực vào công cuộc truyền giáo.

Anh chị em ở đây đã thực hiện được phần nào cái hình thức quan trọng ấy: Trở về với Ðức Kitô và trở về với Phúc Âm của Ngài.

Tôi mới đọc một tờ báo có một bài mang tựa đề “Thời điểm của sự trống rỗng” có nghĩa là tại nhiều nơi hôm nay, tại nhiều người hôm nay, sau cái bề ngoài hoạt động, thì trong lòng trống rỗng, một sự trống rỗng hoang dã, một sự trống rỗng nặng nề, một sự trống rỗng đáng sợ. Vì thế, chỉ có cách là hãy trở về với Ðức Kitô, không phải là chỉ học Lời Ngài học giáo lý của Ngài, mà là gặp gỡ Ngài, và sống thân mật với Ngài, và để cho Ngài chuyển biến tâm hồn, biến đổi lương tâm, biến đổi cái nhìn, biến đổi đời sống chúng ta.

Cách đây mấy ngày, tôi tham dự lễ kỷ niệm Ngân Khánh Linh Mục của một Linh Mục bạn. Tôi đang cầu nguyện thì đàng xa vọng lại bên tai tôi một bài hát, mà bài hát đó có vẻ không nhập cuộc vào hoàn cảnh mừng lễ Ngân Khánh. Bài đó là “Hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro, một mai người sẽ trở về bụi tro”. Chung quanh tôi bấy giờ là cảnh nhộp nhịp kèn trống, áo quần. Nhưng khi nghe bài hát ấy, tự nhiên tôi trở về với chính mình. Tôi gặp lại được sự bình an sâu lắng. Tôi nghe lại được tiếng Chúa trong lòng. Rồi tôi nhớ lại một hình thức mới về Tân-Phúc-Âm-hóa bây giờ, đang xuất hiện ở nhiều nơi, đó là: Sống âm thầm, quên mình, vùi mình vào quên lãng, để hiền lành, khiêm tốn, sám hối theo lời gọi của Phúc Âm.

Lúc nãy, nghe cha chánh xứ phát biểu, tôi có cảm tưởng là Ngài cũng đang thực hiện cái hình thức về Tân-Phúc-Âm-hóa, sống sám hối, sống khiêm nhường, nhớ mình là bụi tro.

Cách đây mấy hôm, tôi đọc một cuốn sách gồm hai tập, dày hơn 700 trang, in tại Hoa Kỳ. Nội dung là những lời phê phán Hội Thánh Công Giáo chúng ta, trong đó có Hội Thánh Công Giáo tại Việt Nam. Những lời phê phán rất gay gắt, những lời phê phán nhiều khi làm tôi sửng sốt. Phê phán là vì nhiều đấng bậc trong Hội Thánh Việt Nam đã mất tính chất Phúc Âm, đã đánh mất tính chất dân tộc. Khi đọc những trang đó, tôi đã nghĩ rằng: Nếu tôi không tự mình nhớ mình là bụi tro, trở về với thân phận khiêm tốn của bụi tro, thì sau này sẽ có những áp lực của dư luận, của quần chúng, để bắt mình cũng phải trở về khiêm tốn trong thân phận bụi tro của mình.

Anh chị em thân mến, tôi nghĩ rằng, nếu bản thân chúng ta chỉ giống như chiếc xe cũ kỹ, rẻ tiền, và con đường lịch sử của Quê Hương, của Giáo Hội chúng ta hôm nay cũng có nhiều chỗ khó như các đường lộ ngoài kia và các đường trong kinh, thế mà chúng ta đã tới được một trạm nghỉ, có nhiều kết quả như hôm nay, thì đó là một điều rất đáng mừng, một điều đáng tạ ơn Chúa, và rất đáng chia sẻ với nhau.

Tôi đến đây cũng để cùng anh chị em, nhất là để cùng cha xứ, cảm tạ Thiên Chúa, vì qua 25 năm chúng ta đã tới được chỗ đáng ngợi khen.

Trước mặt tôi là cây nến cháy, là những bông hoa tươi. Cây nến này rồi sẽ tắt. Những bông hoa tươi này rồi sẽ tàn. Nhưng tôi nhìn các Linh Mục, nhất là các Linh Mục của tôi trước mặt Chúa, sẽ là những bông tươi không bao giờ tàn, sẽ là những cây nến cháy không bao giờ tắt. Càng thêm tuổi và càng sống mầu nhiệm thánh giá, những bông hoa tâm hồn này càng tươi thắm, những cây nến cháy này càng sáng thêm.

Ðó là điều tôi cầu chúc cho cha sở hôm nay, cho tất cả anh chị em giáo xứ hôm nay.

Lạy Chúa Kitô, xin ngự giữa chúng con.

Lạy Chúa Kitô xin nhậm lời chúng con. Amen.

Ngân Khánh Linh Mục Cha Phêrô Nguyễn-Văn-Vũ,
kênh A1 ngày 14/5/1993