Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1992
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1993
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1994
 

Ðạo Ðức Nhân Bản Truyền Thống

Mt 2,13-15. 19-23 (Lễ Thánh Gia)

Bài Phúc Âm hôm nay thuật lại truyện Thánh Gia trốn sang Ai Cập. Trong truyện này có một điều đáng chúng ta suy nghĩ, đó là, để tìm lại sự yên ổn cho Thánh Gia, Thánh Gia đã bỏ một nước có đạo, để trốn sang một nước ngoại đạo, để tránh cho Chúa Hài Ðồng khỏi bị bách hại. Thiên Thần đã truyền cho Ðức Mẹ và thánh Giuse bỏ cộng đoàn có đạo, để đi tìm trú ngụ nơi những cộng đoàn không có đạo. Và thực sự, tại Ai Cập là một nước không có đạo, Thánh Gia đã tìm được sự yên ổn.

Theo tôi thấy, sự yên ổn mà Thánh Gia đã tìm được ở Ai Cập, nước ngoại đạo, một phần là do lòng tốt những người lương, những người ngoại đạo. Họ không loại trừ những người khác đạo. Họ không khinh miệt những người không cùng tín ngưỡng. Hơn nữa, họ đã vui lòng chấp nhận Thánh Gia là người có đạo Do Thái, và họ đã nâng đỡ Thánh Gia trong những năm tháng Thánh Gia ở giữa họ.

Trên đây là một thái độ đạo đức. Thái độ đạo đức này thuộc nền đạo đức nhân bản, đạo đức truyền thống. Và đây là những giá trị, mà theo tôi hiểu, đã do chính Chúa Thánh Thần ban cho họ. Họ đã biết đón nhận những giá trị đạo đức nhân bản truyền thống và cũng là căn bản của Phúc Âm. Và đã biết bảo trì những giá trị ấy, và đã biết thực hiện những giá trị ấy. Thánh Gia hôm nay đã chọn nơi trú ẩn trong một nước ngoại đạo. Ðó là dấu Chúa ban phép lành cho những nền đạo đức căn bản truyền thống của những người không có đạo. Những giá trị đạo đức tại đây của những người ngoại đạo không những được làm chứng trong những năm tháng Ai Cập đón nhận Thánh Gia, mà còn thấy thực hiện đó đây, ngay trên Quê Hương Việt Nam chúng ta hôm nay. Tôi nghĩ rằng anh chị em, qua những giao tiếp với người lương, đã có nhiều kinh nghiệm. Chính bản thân tôi cũng có một số kinh nghiệm.

Ðầu tháng này tôi làm lễ ở họ đạo Núi Sam, thuộc tỉnh An Giang. Trong số những người tham dự ở ghế hàng đầu, tôi thấy có bốn vị thượng tọa, đại đức, và một số phật tử. Tôi biết các vị ấy là những người bạn tốt của họ đạo Núi Sam, năng lui tới, năng nâng đỡ, năng khích lệ những người Công Giáo.

Cũng trong tháng này, tôi làm lễ phong chức linh mục tại tu viện Phanxicô, ở Cù Lao Giêng. Trong thánh lễ này, cũng ghế hàng đầu, tôi thấy hai vị tăng ni tham dự. Ðây cũng là những vị sư sãi, bạn tốt của nhà dòng, của cộng đồng đức tin Công Giáo tại địa phương.

Cũng tuần trước đây, tôi làm lễ ở một nhà thờ, trong vùng U Minh Thượng, tôi thấy trong số những người tham dự, có những anh chị em Cao Ðài, thuộc hai thánh thất. Các anh chị em Cao Ðài ấy là những người bạn tốt của người Công Giáo địa phương, không những hôm ấy đến tham dự thánh lễ, mà trước đó vẫn thường lui tới, góp công, góp của vào việc xây dựng thánh đường Công Giáo.

Và tháng trước đây, khi tôi làm lễ ở các nhà thờ huyện Hà Tiên, Hòn Ðất, tôi thấy nhiều người phật tử đã rất tích cực trong vấn đề giúp các cha, các họ đạo làm các việc thuộc về Công Giáo. Có lúc, tôi tưởng ông ấy, bà ấy là trong hội đồng giáo xứ, nhưng không phải, họ là những người phật tử, nhưng có lòng tốt đối với anh chị em Công Giáo tại địa phương. Và nếu không có sự giúp đỡ của họ, sự tồn tại của những cộng đoàn đức tin Công Giáo ấy sẽ bị nguy cơ.

Cách đây mấy tháng, ở hạt Chợ Mới, một linh mục ban chiều đi honda, có một xách tay, trong đó có nhiều đô la, dành để mua vật liệu xây nhà thờ, chẳng may, đường xấu, xách tay rớt, chỉ sáng hôm sau, Ủy Ban Nhân Dân xã đến trao cho linh mục xách tay đó, nguyên vẹn số tiền, giấy tờ. Người lượm được là một người ngoài Công Giáo. Họ lượm được và họ đem nạp, để gởi về linh mục.

Ðây chỉ là một số trường hợp điển hình của một số danh “Người tốt, việc tốt” mà chúng ta có thể kiểm chứng được thường ngày trong đời sống tiếp cận của chúng ta. Những đức tính nhân bản như: Sự chân thành, đời sống lương thiện, tính bao dung, kính trọng kẻ khác, thương người, giúp đỡ nhau. Ðó là những đức tính mà dân Ai Cập đã thực hiện đối với Thánh Gia, trong khi Thánh Gia trốn ở giữa họ. Tôi thấy, đây là những đức tính cần để những người Công Giáo chúng ta hôm nay nhớ lại. Tôi nghĩ rằng, trong những lớp giáo lý của chúng ta, nhiều khi chúng ta quá nhấn mạnh đến những gì cao sâu mầu nhiệm, mà không để ý đủ đến những nhân đức căn bản, nhân bản, những cái đạo đức làm người, những cái đức của nền đạo đức truyền thống.

Ðôi khi ngồi lại, trao đổi với các cha, các giáo dân trong địa phận Long Xuyên và nhiều nơi khác, tôi nghe có nhiều vị nói với tôi rằng: Xét về nền đạo đức nhân bản, có nhiều người Công Giáo Việt Nam, kém những người lương: Thiếu chân thành, thiếu lương thiện, thiếu bao dung, thiếu kính trọng người khác, thiếu bác ái, thiếu nâng đỡ nhau. Nếu đúng như vậy là một sự đáng buồn cho chính chúng ta, và là một điều cho chính chúng ta phải suy nghĩ, để chỉnh đốn lại đời sống đạo của chúng ta.

Mới rồi, tôi đọc một tạp chí chuyên về gia đình tại Pháp. Trong số báo đó, có đăng một bài phát biểu vắn tắt của đôi hôn nhân. Người con trai, sau lễ hôn phối, đã phát biểu trước cộng đoàn nhà thờ rằng, đại khái: Người phụ nữ mà tôi chọn làm vợ hôm nay, sẽ là sức mạnh nhất trong mọi nỗi bão táp đời tôi. Chúng tôi sẽ đón nhận con cái Chúa ban và sẽ dạy chúng biết bao dung và kính trọng người khác. Chúng tôi sẽ không còn là chúng tôi nếu chúng tôi không nương tựa vào các bạn. Các bạn là những người Công Giáo. Các bạn là những người Tin Lành. Các bạn là những người không tín ngưỡng. Chúng tôi nương tựa vào các bạn.

Khi đọc lời phát biểu trên đây của người con trai, sau lễ hôn phối, tôi thấy rằng: Họ để ý nhiều đến những nhân đức căn bản của đạo làm người: Biết bao dung, biết trung tín, biết kính trọng nhau, biết đón nhận sự nương dựa của kẻ khác.

Do đọc bài báo đó, tôi liên tưởng những lời chúc mừng và những lời hứa trong các lễ Thêm Sức mà tôi vẫn nghe. Tôi nghe biết bao nhiêu điều tuyên hứa to lớn: Nào là sẽ nên chiến sĩ Phúc Âm, rao giảng Tin Mừng khắp thế gian này. Nào là sẽ làm chứng cho Nước Trời.v.v... Ðó là những lời tuyên hứa to lớn. Cái đó hay, cái đó đẹp. Nhưng tôi cũng muốn rằng: Mỗi lần Thêm Sức, chúng ta quyết tâm làm những việc nhỏ, những việc cụ thể, thí dụ như: Sống lương thiện, sống chân thành, sống bao dung, sống kính trọng người khác. Nếu chúng ta chỉ tuyên hứa như vậy và làm được như vậy, thì thiết tưởng, chúng ta sẽ có một vốn liếng cụ thể, có tính chất Phúc Âm, để có thể đối thoại với dân tộc Việt Nam hôm nay, mà đa số không phải là người Công Giáo.

Thánh Gia tìm nương tựa nơi những người không có đạo. Ðây là một tin mừng, gởi đến những người lương và đây cũng là một bài học, gởi cho những người có đạo, để chúng ta biết khiêm tốn và để chúng ta biết học hỏi những người khác tín ngưỡng với ta.

Nếu chúng ta nghe Chúa Thánh Thần đánh động lương tâm, để chúng ta có một tầm nhìn mở rộng, sống khoan dung, biết cho đi và đồng thời cũng biết lãnh nhận, biết sự thật về mình và đồng thời cũng trân trọng sự đạo đức của người khác, thì Tin Mừng Phúc Âm sẽ trở nên một dây nối hòa bình, đạo đức, bình an cho Quê Hương Ðất Nước chúng ta, một Quê Hương đã đau khổ nhiều vì chia rẽ, vì chiến tranh, vì nghèo đói và vì biết bao nhiêu nghi kỵ.

Hãy biết bao dung như Thánh Gia giữa những người dân ngoại hôm nay, biết đón nhận những cái hay, cái tốt của đồng bào mình. Hãy biết chia sẻ đức tin một cách khiêm tốn, hiền hòa và bác ái. Chỉ thế thôi, thì Chúa Thánh Linh có thể giúp chúng ta làm những việc đạo đức cao hơn mà chúng ta vẫn tuyên hứa trong những lễ Thêm Sức. Amen.

Lễ Thêm Sức, Antôn (kênh 1A) ngày 27/12/1992