Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1992
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1993
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1994
 

Những Ðức Tính Nhân Bản

Lần này tới đây, tôi nhận thấy có nhiều cái mới đẹp nơi giáo xứ Kitô Vua của anh chị em: Thí dụ như cổng nhà thờ, mái nhà thờ. Những cái mới đẹp này đã góp phần làm đẹp bề ngoài của giáo xứ. Thêm vào đó, hôm nay, chúng ta khởi công tu sửa phần còn lại của thánh đường, tức là mặt tiền và cây tháp. Ðây là những cố gắng mới, mang theo những hứa hẹn mới. Tôi nghĩ rằng: Bên cạnh những cái đang làm đẹp bộ mặt bề ngoài của giáo xứ, anh chị em cũng đang thực hiện nhiều việc có tính cách làm đẹp linh hồn giáo xứ nói chung, và làm đẹp linh hồn mình nói riêng.

Ðề cập tới những việc như vậy, tôi đã nghĩ tới các nhân đức siêu nhiên. Nhưng tự nhiên tôi bị thúc đẩy cần nói với anh chị em về một số đức tính nhân bản có khả năng làm đẹp linh hồn giáo xứ nói chung, và làm đẹp linh hồn mình nói riêng. Những đức tính ấy không cao siêu, không siêu nhiên, mà chính là những đức tính căn bản của con người.

Theo tôi, thì hiện nay, người ta để ý rất nhiều đến những đức tính nhân bản. Và những người có đức tính nhân bản, thực tế, đã làm được nhiều việc tốt lành trong xã hội, kể cả trong vấn đề đổi mới con người, đổi mới xã hội, thậm chí cả trong việc truyền giáo.

Ðức tính thứ nhất thuộc về đức tính nhân bản mà hiện nay đang được đề cao: Ðó là tinh thần trách nhiệm.

Tôi nhìn thấy gương tinh thần trách nhiệm nơi thánh Giuse.

Kinh Thánh đã nói rõ, khi Thiên Thần dạy Ngài: Hãy đem Mẹ, Con sang Ai Cập, thì lập tức Ngài chỗi dậy và lên đường. Trong hai, ba trường hợp như vậy, Phúc Âm đều nói: “Lập tức Ngài thi hành”.

Thánh Giuse là người có tinh thần trách nhiệm. Khi biết Chúa trao cho mình một trách nhiệm nào, Ngài làm ngay, không trì hoãn, làm đúng việc, làm đúng lúc, làm đúng cách, gọn ghẽ, rõ ràng và chu toàn tốt đẹp. Ðây là một đức tính rất cần cho người tín hữu. Bởi vì, nếu chúng ta thiếu tinh thần trách nhiệm, dù trong những công việc thường ngày, tại gia đình, tại sở, tại giáo xứ, trong xã hội, thì chúng ta không thể nào làm chứng được cho đức tin là một giá trị siêu nhiên.

Ðức tính nhân bản thứ hai, mà tôi cho là rất cần trong cuộc sống hiện tại bây giờ, đó là sự biết dấn thân cho những giá trị cứu độ.

Tôi nhìn thấy gương của đức tính dấn thân này nơi các mục đồng và Ba Vua. Khi các Ngài nhận thấy có một người đã sinh ra, người ấy là Ðấng Cứu Ðộ, đem lại niềm vui, và hy vọng cho mình, cho nhân loại, thì lập tức các vị ấy lên đường dấn thân, chịu thương, chịu khó, để gặp được Ðấng Cứu Ðộ của mình. Sự dấn thân vì những giá trị cứu độ, cũng đang là một đức tính nhân bản, có sức lôi kéo rất nhiều người, từng triệu người hiện nay.

Khi đọc báo, khi xem đài, tôi thấy người ta thường nêu lên những mẫu người dấn thân. Thí dụ tối hôm kia, đài truyền hình Cần Thơ phát đi một chương trình nhỏ, nêu gương một người, tôi không biết tôn giáo nào, đã dấn thân nuôi các trẻ mồ côi quận 8, thành phố Hồ Chí Minh. Khuôn mặt dấn thân ấy, đã cứu các em nghèo khổ, đã gây xúc động, đã làm chứng cho Phúc Âm, biết đâu còn hơn là những lễ nghi tôn giáo của chúng ta. Nó có sức khơi dậy trong lương tâm từng triệu con người Việt Nam. Bởi vì người ta đã dấn thân, đã quên mình, để phục vụ cho những giá trị cứu độ.

Ðức tính nhân bản thứ ba mà tôi cho là rất cần cho thế giới hiện nay, và cũng là một đức tính có khả năng làm chứng cho Phúc Âm, đó là tinh thần liên đới.

Tôi nhận thấy gương tinh thần liên đới nơi Ðức Mẹ.

Ðọc Phúc Âm, tôi không thấy thiên thần bảo Ðức Mẹ phải đi viếng bà Isave. Thiên thần chỉ gợi ý, nói xa, nhưng Ðức Mẹ cảm thấy mình có trách nhiệm phải đi thăm bà Isave. Ðức Mẹ bị thôi thúc bởi tinh thần liên đới.

Rồi lần dự tiệc cưới. Có ai bắt buộc Ðức Mẹ phải lên tiếng xin Chúa Giêsu làm phép lạ cho nước trở nên rượu đâu. Nhưng Ðức Mẹ lên tiếng yêu cầu, vì Ðức Mẹ có tinh thần liên đới. Thấy một người trong hoàn cảnh khó khăn, thấy một người trong hoàn cảnh bế tắc, Ðức Mẹ cảm thấy như chính mình có trách nhiệm. Ðó là tinh thần liên đới.

Hằng ngày, đọc báo, nghe đài, tôi cũng thấy nhan nhản những người đang thực hiện những việc do tinh thần liên đới: Thấy những người nghèo khổ, dốt nát người ta không ngại mở những lớp tình thương. Thấy những trẻ mồ côi, không cha, không mẹ, không nơi nương tựa, nhiều người đã cảm thấy không thể an tâm, ngồi yên nên phải ra đi, làm một việc gì cho những em đó. Tinh thần liên đới là một tinh thần, có tính cách Phúc Âm.

Ðọc Phúc Âm, đoạn Chúa Giêsu phán xét, phân biệt kẻ dữ, người lành, tôi thấy Chúa Giêsu căn cứ vào tinh thần liên đới. Ai làm sự lành cho kẻ khác, thì Chúa kể là làm cho chính mình Chúa, tức là Chúa để ý đến tinh thần liên đới: Kẻ đói được ăn, kẻ khát được uống, kẻ rách rưới được ăn mặc, kẻ tù đày được thăm viếng, kẻ dốt nát được dạy dỗ. Ai làm những việc lành, tuy nhỏ mọn cho những đối tượng ấy, thì được kể như làm cho chính Chúa, và Chúa kể là những việc đáng lên thiên đàng. Ðó là tinh thần liên đới.

Rồi cũng trong Phúc Âm, Chúa phạt người phú hộ vì đã sống ích kỷ, khộng chia sẻ của cải, bữa ăn cho người ăn mày Lagiarô, khi chết người phú hộ phải xuống hỏa ngục. Bởi vì không có tinh thần liên đới.

Liên đới chỉ là một đức tính nhân bản, nhưng rất quan trọng, kể cả đối với phần rỗi linh hồn.

Rồi một đức tính khác thuộc về nhân bản, cũng rất quan trọng trong cuộc sống hôm nay, đó là sự chân thật, trong sáng.

Tôi nhìn thấy gương cư xử của Thánh Gia và các người tại hang đá Bêlem đã làm nổi bật các đức tính nhân bản đó: Các ngài cư xử với nhau bằng tấm lòng chân thành, bằng trái tim đầy nhựa sống, mến Chúa hết lòng, yêu thương người khác như chính mình. Các ngài đối xử với nhau, mục đồng với Ðức Mẹ, Ðức Mẹ với mục đồng, Ba Vua với Chúa Kitô, đối xử rất đơn sơ, không dựa trên những công thức, không dựa trên những lễ nghi trống rỗng, mà trao đổi cho nhau tình thương chân thành. Tất cả đều trong sáng.

Tôi vừa chia sẻ với anh chị em một vài đức tính nhân bản, có khả năng làm đẹp linh hồn giáo xứ chúng ta nói chung, và làm đẹp linh hồn cá nhân mỗi người chúng ta nói riêng.

Trong việc truyền giáo hiện nay, tôi có kinh nghiệm này là cần phải lồng những đức tính siêu nhiên vào những đức tính nhân bản, thì mới lôi kéo được con người hôm nay.

Con người hôm nay không đánh giá chúng ta qua đức tin, đức cậy, đức mến, mà đánh giá chúng ta qua các đức tính nhân bản.

Ðấy là một điều chúng ta cần phải nhớ. Và theo kinh nghiệm ấy, thì khi xây cất những thánh đường, những cây tháp, chúng ta đừng bao giờ quên rằng: Xây dựng những cơ sở ấy chỉ là chuẩn bị những phương tiện, chỉ là xây dựng những dấu chỉ, những biểu tượng. Còn cái chính phải xây dựng, đó là con người.

Tôi cho rằng: Làm người, là đẹp lắm rồi. Làm người cho đúng làm người là đẹp lắm rồi. Vì thế, Chúa mới xuống thế làm người. Tiếc là chúng ta không làm người cho xứng là người, thành ra mới xấu. Chứ còn làm người cho đúng là người, với những đức tính nhân bản, thì đó là một hình ảnh đẹp đẽ, phản ánh Chúa Ba Ngôi. Rồi, nếu thêm vào đó, chúng ta có những đức tính siêu nhiên, tin, cậy, kính mến, thì sức mạnh của con người chúng ta, của giáo xứ chúng ta, của Hội Thánh chúng ta, sẽ tuyệt vời.

Trong năm mới này, tôi cầu chúc cho giáo xứ anh chị em nói chung và từng anh chị em nói riêng, hãy là người với những đức tính căn bản thuộc về con người, cho thực cao, cho thực sâu, cho thực đẹp, giống như lời kinh đã nói về Chúa Kitô: “Ngài xuống thế làm người”. Amen.

Lễ Ðặt Viên Ðá tu sửa nhà thờ Kitô Vua (kinh A2) ngày 7/01/1993