Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1992
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1993
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1994
 

Xứng Ðáng Là Biết Mình Bất Xứng

Một trong những mục đích của thánh lễ hôm nay là tái-huấn-luyện tâm hồn tông đồ của các linh mục chúng tôi.

Trong mục đích này có việc các linh mục tuyên hứa lại một số điều quan trọng.

Cũng trong mục đích này có sự các linh mục tham gia vào việc làm phép các dầu sẽ được dùng trong một số bí tích.

Và cũng trong mục đích này có sự cộng đoàn cầu nguyện đặc biệt cho các linh mục chúng tôi.

Những việc trên đây đều rất nhẹ nhàng, chẳng thấm gì với những cách huấn luyện mà Chúa Giêsu đã thực hiện đối với các tông đồ thuở xưa.

Ðể huấn luyện các tông đồ, Chúa Giêsu thường dùng những việc cụ thể, đặc biệt là để giúp các tông đồ nhận biết sự hèn kém của mình, từ bỏ cái tôi của mình, hầu dễ trở thành dụng cụ cứu độ trong tay Chúa.

Ðể có một ý niệm về đường hướng huấn luyện của Chúa Giêsu, tôi xin nêu lên ở đây trường hợp thánh Phêrô trong chính buổi chiều Ngài được thụ phong. Ðó là chiều thứ năm Tuần Thánh.

Chiều ấy, Chúa Giêsu phong Ngài lên chức Giám mục, để rồi sẽ là vị Giáo Hoàng đầu tiên của Hội Thánh Công Giáo.

Nhưng cùng với việc phong chức thánh cho Phêrô, Chúa Giêsu đã vạch ra cho Phêrô thấy 4 cái kém cỏi của chính Phêrô.

Cái kém cỏi thứ nhất mà Chúa Giêsu vạch ra cho Phêrô thấy là trình độ hiểu biết của Phêrô còn rất thấp.

Thực vậy, khi thấy Chúa Giêsu quỳ xuống rửa chân cho mình, Phêrô tỏ ra rất lúng túng, không hiểu gì cả. Chúa Giêsu nói: “Việc Thầy làm cho con lúc này, con không hiểu. Nhưng rồi đây con sẽ hiểu”.

Với lời nói trên đây, Chúa Giêsu cho Phêrô thấy rõ trình độ hiểu biết của mình không khá đâu. Một việc cụ thể, đơn sơ như thế mà phải đợi sau này mới hiểu được ý nghĩa, thì phương chi các mầu nhiệm phức tạp. Thấy được cái kém cỏi của mình về hiểu biết, Phêrô sẽ bước xuống được một bước của chiếc thang khiêm nhường.

Cái kém cỏi thứ hai mà Chúa Giêsu vạch ra cho Phêrô thấy, là mức độ tín nhiệm Chúa dành cho Phêrô chưa cao.

Thực vậy, khi Phêrô muốn hỏi Chúa Giêsu xem ai sẽ phản bội Thầy, thì Phêrô không dám hỏi trực tiếp, mà phải nhờ Gioan. Bởi vì ai cũng biết Gioan được Thầy thương yêu nhất, được tín nhiệm nhất. Và trong bữa tiệc ly, Gioan được ngồi cạnh bên Thầy. Thấy được cái thua kém của mình về sự tín nhiệm, Phêrô sẽ bước xuống thêm một bước nữa của chiếc thang khiêm nhường.

Cái kém cỏi thứ ba mà Chúa Giêsu vạch ra cho Phêrô thấy, là tình trạng cầu nguyện và tỉnh thức của Phêrô còn quá yếu.

Thực vậy, trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu bảo các môn đệ hãy chịu khó tỉnh thức và cầu nguyện. Các Ngài xin vâng. Nhưng chỉ ít phút sau, các Ngài quay ra ngủ. Chính Phêrô là đầu nhóm, cũng không hơn gì các người khác. Ngủ đang khi Thầy cầu nguyện. Vô lo đang khi Thầy lo buồn đến đổ mồ hôi máu ra. Sự kiện đó thực là thê thảm. Thấy được cái kém cỏi của mình về sự tỉnh thức và cầu nguyện, Phêrô lại bước xuống thêm một bước nữa của chiếc thang khiêm nhường.

Cái kém cỏi thứ bốn mà Chúa Giêsu vạch ra cho Phêrô thấy, là lời hứa của Phêrô không đáng giá bao nhiêu.

Thực vậy, Phêrô đã thề hứa là dù mọi người bỏ Thầy, Ngài cũng sẽ không bao giờ bỏ Thầy. Thế nhưng, chỉ vài giờ sau Phêrô đã thất hứa. Ngài đã chối Thầy một cách quyết liệt. Chối đến ba lần. Sự kiện này là một nhục nhã ê chề, là một yếu đuối rất nặng nề. Thấy được cái kém cỏi của mình về sự trung tín, Phêrô lại bước xuống thêm một bước nữa của chiếc thang khiêm nhường.

Như vậy, Chúa Giêsu đã bắt Phêrô phải bước xuống nhiều bậc của chiếc thang khiêm nhường. Mỗi bậc bước xuống là mỗi bậc từ bỏ mình, để có thể đón nhận thêm ơn cứu độ. Và cứ thế, người tông đồ Phêrô sẽ hiểu rằng mình được lãnh nhận chức thánh là để ra đi làm chứng về tin mừng Chúa thương yêu mình là kẻ tội lỗi, làm chứng về tin mừng Chúa cứu độ mình là kẻ bất xứng.

Những sự trên đây xảy ra cho thánh Phêrô khiến tôi nghĩ rằng, khi huấn luyện các tông đồ, Chúa Giêsu chú trọng đặc biệt đến đức khiêm nhường. Ngài coi đức khiêm nhường như là điều kiện căn bản để được thụ phong. Như thể, để xứng đáng chịu chức, thì phải thành thực nhận biết mình bất xứng.

Tôi có cảm tưởng là hiện nay, trong mục đích tái-huấn-luyện tâm hồn tông đồ của các linh mục, Chúa cũng rất muốn chúng tôi để ý nhiều hơn đến đức khiêm nhường. Khi hiểu như vậy, tôi sẽ không lấy làm lạ trước những gì xảy ra khiến chúng tôi phải bước xuống các bậc thang khiêm nhường. Tôi tin rằng đức khiêm nhường là một bề sâu tâm linh, mà Chúa muốn, và đa số con người Việt Nam vốn trân trọng, vốn mộ mến, vốn tìm kiếm. Cái bề sâu tâm linh của các linh mục sẽ là một dấu chỉ của chức thánh và cũng sẽ là một vẻ đẹp của Nước Trời đang đến.

Tôi xin anh chị em cầu nguyện cho chúng tôi được biết làm chứng Tin Mừng Cứu Ðộ qua đức khiêm nhường là dấu chỉ của Hội Thánh thời đại hôm nay.

Lễ Truyền Dầu, Trung Thành ngày 6/4/1993