Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1992
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1993
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1994
 

Những Lời Tiên Tri

Lc 21, 25-36

Bài Phúc Âm hôm nay là những lời tiên tri. Ðại khái Chúa Giêsu cho chúng ta thấy trước sẽ đến một thời xảy ra nhiều sự việc có tính cách dấu chỉ của một sự tàn phá con người. Lúc ấy, nhiều dân tộc sẽ lo buồn. Lúc ấy, nhiều dân tộc sẽ sợ hãi. Và nguy cơ tàn phá con người cũng sẽ xảy đến cho các môn đệ Chúa. Xảy đến một cách đột ngột. Xảy đến một cách bất ngờ. Ðể đối phó với nguy cơ ấy, Chúa đã răn các môn đệ: Ðừng có mê mãi những sự phù phiếm, nhưng hãy tập trung vào sự tỉnh thức và cầu nguyện, nhờ đó mà có thể đứng vững trước mặt con người và tránh được những nguy cơ tàn phá con người.

Thoạt khi nghe những lời tiên tri đây, tôi có cảm tưởng Chúa Giêsu là người bi quan và hơi tiêu cực. Nhưng khi suy nghĩ lại, tôi thấy, khi nói ra những lời tiên tri chúng ta vừa nghe, Chúa đã tỏ ra Người là Ðấng yêu thương, khôn ngoan vô cùng. Vì thấy trước những nguy cơ sẽ làm hại con người, nên Chúa cho biết trước những dấu chỉ. Ðó là yêu thương. Và vì biết trước cách để đối phó, nên Chúa đã dặn dò, nhắn nhủ. Như thế, Chúa mới là Ðấng cứu độ.

Tôi nghĩ rằng, những lời tiên tri Chúa nói với các tông đồ xưa, không phải chỉ dành cho các tông đồ lúc ấy, mà cũng dành cho chúng ta hôm nay. Tôi có cảm tưởng rằng: Những lời trong bài Phúc Âm hôm nay, là Chúa nói với tôi, nói với các linh mục, nói với đồng bào địa phương, nói với các anh chị em giáo dân, nói với Hội Thánh chúng ta hôm nay, tại Ðất Nước Việt Nam này. Tôi có cảm tưởng rằng: Chính lúc này, đang có nhiều nguy cơ là dấu chỉ về sự tàn phá con người, tàn phá về vật chất, về tinh thần, về phần rỗi.

Tại nhiều nơi tôi đi, và qua những thông tin trên màn ảnh, trên báo chí và qua tiếp xúc, tôi thấy biết bao nhiêu nguy cơ tàn phá con người chúng ta, nhất là các trẻ em. Bởi vì tôi thấy, con người không được chăm sóc đủ về của ăn, về áo mặc, về nhà ở, về thuốc thang. Con người không được chăm sóc đủ về mặt giáo dục, không có trường học, không có thầy cô, không có những phương tiện tối thiểu cho con người sống ra con người. Tôi thấy con người đang bị tàn phá vì thiếu những phương tiện tối thiểu và những nhân sự tối thiểu, để giúp họ huấn luyện lương tâm, giữ gìn đạo đức, biết cái gì là phải, cái gì là trái, cái gì là tốt, cái gì là xấu.

Cái nguy cơ lớn nhất mà tôi sợ cho tôi, cho anh chị em, cho Giáo Hội ta, cho Ðất Nước ta, chính là: Nhiều người không nhận thức được những nguy cơ tàn phá con người. Cái mà tôi sợ nhất bây giờ là không những không nhận thức được những nguy cơ tàn phá con người, mà hơn nữa, chính mình lại tích cực cộng tác vào những nguy cơ tàn phá ấy.

Tuy nhiên, trước những nguy cơ đáng lo ngại này, tôi đã nhận thấy rất nhiều người thiện chí, rất nhiều người có lòng tốt đã làm hết sức của mình để dấn thân, giúp cho con người sống ra người, và giúp cản ngăn những nguy cơ đang tàn phá con người.

Trong những người tốt ấy, tôi nhận thấy trong anh chị em, có những người tuy ở trong những hoàn cảnh rất là eo hẹp, nhưng vẫn sống vững niềm tin, vẫn có lòng quảng đại vì lợi ích chung, vì lợi ích cho mọi người, không phân biệt tôn giáo, cố gắng làm hết cách để nâng con người lên, ít ra về mặt lương tâm, về mặt đạo đức tinh thần.

Trong số những người tốt ấy, tôi đang nhìn thấy những linh mục của tôi, các tu sĩ, những người dấn thân, đi vào những vùng sâu để giúp đỡ, nâng đời sống con người lên, và cản ngăn phần nào những nguy cơ tàn phá con người. Chúng tôi biết giới hạn của chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn cương quyết rằng: Sẽ làm hết sức của mình để bớt được phần nào khổ đau cho đồng bào mình, cho Ðất Nước mình, và làm hết sức của mình để giữ cho niềm tin được sống động, và nhất là để cho dân tộc mình, để cho Hội Thánh mình trở nên một mối hy vọng cho thế hệ tương lai.

Khi bước vào khu vực họ đạo này, tôi nhìn thấy cái giếng nước, và giếng nước này gợi ý cho tôi nhớ lại một lời Ðức Thánh Cha Gioan XXIII. Ngài nói rằng: “Cha mong muốn mỗi họ đạo phải trở thành một giếng nước ngọt cho địa phương mình”. Ðây là một hình ảnh đơn sơ, nhưng đầy ý nghĩa. Nếu mỗi họ đạo, mỗi cộng đoàn đức tin, mỗi nhà thờ của chúng ta, về mặt tinh thần đạo đức, trở nên một giếng nước cho địa phương, thì chắc chắn Nước Trời đã gần đến. Nước ngọt ở trong họ đạo chúng ta, về mặt thiêng liêng, đó là nền đạo đức, tâm hồn có sự sống của Thiên Chúa chan hoà ra, bằng niềm tin vững vàng cương quyết, bằng lòng cậy sắt đá, và bằng đức mến chan hoà.

Khi theo dõi lịch sử họ đạo này tôi thấy: Họ đạo chúng ta tuy bé nhỏ, nghèo hèn, nhưng đang là một giếng nước ngọt cho con em mình, cho địa phương mình. Chúa biết điều đó. Và chúng ta cũng đang ghi nhận sự phát triển đó.

Trong lễ hôm nay, chúng ta tạ ơn Chúa, vì họ đạo chúng ta, trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, vẫn là một giếng nước ngọt cho chính chúng ta, cho địa phương chúng ta.

Chúng ta cầu xin Chúa, cho giếng nước ngọt họ đạo chúng ta, luôn luôn ngọt mãi, luôn luôn nhiều nước tốt, để giúp cho những người chung quanh, cũng có những hy vọng: Hy vọng về Nước Trời, hy vọng về hạnh phúc đích thực, và hy vọng nhất là về thân phận con người, đúng là hình ảnh Thiên Chúa, có khả năng cản ngăn được phần nào, những nguy cơ đang tàn phá con người.

Lạy Chúa Thánh Linh, xin nhìn đến chúng con, Chúng con hết lòng cậy trông sự phù giúp hướng dẫn của Chúa Thánh Linh. Người là tình yêu, Người là giếng nước ngọt, xin hãy đổ tràn nước tình yêu xuống trên chúng con. Amen.

Lễ Thêm Sức, Minh Châu ngày 18/12/1992