Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1992
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1993
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1994
 

Ðạo Ðức Của Ðức Kitô

Mt 2, 13-18

Nếu tôi là người chủ trương đối kháng và chủ trương phô trương, thì bài Phúc Âm hôm nay sẽ là một bài tiêu cực. Bởi vì Hêrôđê là một người ác độc, áp bức dân chúng, toan tính sát hại Hài Nhi Giêsu và các trẻ em. Chúa biết điều đó. Chúa biết trước và biết rõ từng chi tiết câu chuyện đó sẽ xảy ra. Thế nhưng Chúa lại sai Thiên Thần báo tin cho Giuse phải trốn đi. Trốn đi âm thầm, trốn đi ban đêm. Trốn đi là một việc của kẻ yếu. Trốn đi là một hành vi coi như là hèn nhát. Trốn đi là một việc tiêu cực.

Nếu là như thế, thì trong câu chuyện này, nhiều vị sẽ là tiêu cực: Thánh Giuse đi trốn là người tiêu cực. Thiên Thần bảo đi trốn cũng là tiêu cực. Và tiêu cực ấy đáng phải kết án. Bởi vì cách suy nghĩ thông thường của chúng ta bây giờ, khi ai biết người nào đó đang toan tính một việc ác độc, làm hại kẻ khác mà không ngăn cản, không tố cáo, thì kể như đồng lõa với tội ác ấy.

Ðấy là cách suy nghĩ thông thường hiện nay. Và cách suy nghĩ này được coi như là đạo đức. Thế nhưng, chúng ta thấy Chúa đã không đi theo cái suy nghĩ đạo đức thông thường mà tôi vừa diễn tả.

Thực tế là Chúa bảo thánh Giuse phải trốn đi: Trốn đi âm thầm. Trốn đi ban đêm, như một người yếu, như một người hèn, như một người tiêu cực.

Sự Chúa đã chọn, đã làm hôm nay, tất nhiên là một việc tốt. Mà cái tốt ấy tôi không dám đưa ra cái suy đoán để cắt nghĩa. Nhưng tôi thấy có mốt điều rất chắc để cắt nghĩa sự thánh Giuse đi trốn, là bài Phúc Âm hôm nay.

Bài Phúc Âm hôm nay nói rằng: Sự thánh Giuse đi trốn sang Ai Cập với Ðức Mẹ và Hài Nhi Giêsu, đó là việc nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, mà tiên tri đã nói từ ngàn xưa. Như vậy, cái chi tiết đi trốn của thánh Giuse hôm nay phải hiểu trong toàn bộ lịch sử cứu độ. Ý nghĩa của nó chỉ được sáng tỏ khi nhìn toàn bộ lịch sử cứu độ của Thiên Chúa.

Toàn bộ lịch sử cứu độ của Thiên Chúa bao giờ cũng có hai phần: Một bên là bóng tối, một bên là ánh sáng. Bên bóng tối là tội lỗi, lầm lỗi, yếu đuối, những ác độc của con người. Bên ánh sáng là tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Những thời gian đầu, tình yêu cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện qua các tiên tri, bằng lời rao giảng, bằng những phép lạ, bằng những lời răn đe. Ðến thời Con Thiên Chúa giáng trần, thì chính Ðức Kitô gánh tội cho nhân loại. Ngài như của lễ đền tội thay cho loài người.

Vì thế, sự Thánh gia đi trốn tại Ai Cập, bề ngoài coi như một hành động yếu, tiêu cực, nhưng phải hiểu đó là chi tiết của Chúa Kitô cứu chuộc, trong toàn bộ chương trình của Ngài. Ngài chịu đau khổ, Ngài chịu nhục nhã để gánh lấy tội nhân loại, để đền tội nhân loại.

Khi chúng ta hiểu như vậy, chúng ta mới thấy cái đạo đức của Ðức Kitô rất khác cái đạo đức thông thường mà chúng ta hay suy nghĩ.

Tôi thiết tưởng, nếu bây giờ tôi không giảng đạo đức của Ðức Kitô hiền lành, khiêm tốn, nhịn nhục, bao dung. Mà trái lại, tôi giảng đạo đức thông thường của loài người, nghĩa là thấy ai làm điều gì bất chính, phải tố cáo. Thấy ai làm điều gì sai trái, phải đấu tranh cách này, cách khác. Bất cứ người đó là ai. Nếu người làm trái là người nhà nước, phải tố cáo. Nếu người làm trái là người trong đạo, Ðức Cha, cha xứ, cũng phải lên tiếng tố cáo. Nếu trong gia đình, cha mẹ mình làm sai, con cái phải tố cáo. Nếu tôi giảng cái thứ đạo đức ấy cho anh chị em, thì sẽ có các thứ địa ngục ở trên thế gian này.

Một họ đạo, cha tố cáo con, con tố cáo cha, người nọ tố cáo người kia. Tất cả sẽ trở thành địa ngục.

Một Hội Thánh mà bề dưới tố cáo bề trên, bề trên trả thù người dưới. Tất cả sẽ trở thành địa ngục.

Một đất nước, người nọ tố cáo người kia, tranh đấu nhau bằng mưu mô xảo quyệt. Tất cả sẽ trở thành địa ngục.

Và nhất là trong gia đình, con cái, cha mẹ tố cáo nhau. Tất cả sẽ trở thành địa ngục.

Và địa ngục sẽ ngay từ trong tâm hồn mỗi người. Nếu bây giờ tôi nghĩ rằng: Có người đang rình rập tố cáo tôi, và tôi cũng phải trả đũa bằng sự tố cáo người khác, thì chính tôi cũng trở nên một địa ngục.

Ðó, cái địa ngục ngay ở trần gian này đã đáng sợ rồi, phương chi là cái địa ngục sau này, khi chúng ta chết. Nếu chúng ta theo đạo đức thông thường của loài người, ăn thua đủ với nhau, miếng trả miếng, tố cáo nhau, đấu tranh với nhau bằng mưu mô xảo quyệt, mà không theo đạo lý, đạo đức của Ðức Kitô trong Tám Mối Phúc Thật, và trong cái gương thánh Giuse, Thánh Gia hôm nay, nhịn nhục thì tôi sợ rằng: Ðời này là địa ngục mà đời sau cũng đúng là địa ngục trước mặt Chúa.

Nhiều khi đọc bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta hay đặt mình vào địa vị của thánh Giuse, Ðức Mẹ và Hài Nhi Giêsu. Chúng ta tự cho mình là người bị bắt bớ, bị oan uổng. Nhưng không biết chừng, trước mặt Chúa, chúng ta cũng là Hêrôđê cách nào đó. Bởi vì, trong chúng ta, cũng còn cái máu ích kỷ của Hêrôđê, cũng có cái máu đa nghi của Hêrôđê, cũng có cái máu phô trương quyền lực của Hêrôđê, và nhất là cũng có cái máu trả thù lạm dụng quyền bính của Hêrôđê. Nếu chúng ta bình tĩnh, xét mình trước mặt Chúa, chúng ta thấy, chính chúng ta nhiều khi cũng là một thứ Hêrôđê, làm hại Hội Thánh, làm hại người lành, làm hại ích chung.

Chính vì vậy, mà khi đọc bài Phúc Âm hôm nay, tôi đã âm thầm cầu xin với Chúa: Xin Chúa cứu con. Xin Chúa là tình yêu hãy đối xử với con như một người tội lỗi, như một người cần phải cứu do tình thương Chúa, chứ không phải là một người để trừng phạt do sự công bình của Chúa.

Thánh lễ hôm nay, tôi cũng cầu xin như vậy cho tất cả anh chị em, nhất là cho giới trẻ, cho con em chúng ta, để suốt đời biết sống đạo đức, thứ đạo đức của Ðức Kitô: Hiền lành, khiêm tốn, bao dung, nhịn nhục và đầy bác ái, sẵn sàng tha thứ.

Chúng ta đừng tưởng rằng: Thứ đạo đức như vậy, sẽ làm hại Hội Thánh, sẽ làm hại ích chung. Không phải thế đâu. Hêrôđê rồi cũng sẽ chết, và đã chết theo chương trình của Thiên Chúa. Mặc dầu Giuse không làm gì: Không chống đối, không đối kháng, không tố cáo, nhưng đến giờ, chương trình của Chúa, kẻ áp bức sẽ chết. Cho nên, tôi vẫn tin rằng: Nếu chúng ta sống đạo đức, theo kiểu đạo đức của Ðức Kitô, thì chính Chúa là Ðấng làm lịch sử của Hội Thánh, của địa phận, của họ đạo, của gia đình, của bản thân mỗi người, sẽ xem xét mọi sự cho êm đẹp, đời này, đời sau. Chúng ta chỉ là những dụng cụ bé nhỏ. Cứ theo Ðức Kitô mà sống, thì lương tâm chúng ta sẽ được an bình.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin thương đến trong tâm hồn chúng con và ban cho chúng con ơn lành là luôn luôn vâng phục thánh ý Chúa, do mọi sự Chúa dùng để soi sáng chúng con, như Thiên Thần đã soi sáng thánh Giuse, và thánh Giuse đã biết vâng phục Thiên Thần. Vì đó là thánh ý Chúa. Amen.

Lễ Thêm Sức, Hiệp Tâm (Kênh Zéro) ngày 28/12/1992