Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1992
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1993
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1994
 

Cảm Tưởng Về Người Truyền Giáo

Lc 1,46-56

Bài Phúc Âm hôm nay nói về sự Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người.

Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, chính là vị truyền giáo đầu tiên. Ðể truyền giáo, Ngài đã ra đi, đi từ trời xuống đất, đi rất xa và đến giữa nhân loại, ở giữa nhân loại. Chia sẻ cuộc sống với con người và đón nhận những gì con người tặng cho Ngài. Những điều mà Ngôi Hai Thiên Chúa đã làm trong sự xuống thế làm người, gợi ý cho tôi mấy cảm tưởng, và tôi muốn chia sẻ vắn tắt ở đây:

Cảm tưởng thứ nhất của tôi là: Người truyền giáo khi biết ra đi đến với lương dân, chia sẻ cái tốt của mình cho anh chị em, và biết đón nhận những cái tốt của anh chị em mình, thì đã có những bước đầu rất tốt.

Cảm tưởng trên đây của tôi là dựa theo lịch sử của họ đạo Thứ Mười.

Thực vậy, theo những tài liệu để lại, thì năm 1942, cha Lê Uy Phuông và thầy Phêlix từ Rạch Giá và Thứ Chín xuống Thứ Mười này. Ngài đã gặp một số người lương dân, trong đó có ông Chánh Bái. Như chúng ta mới nghe, ông Chánh Bái là một người khác tín ngưỡng. Sau nhiều tiếp xúc thân mật, ông Chánh Bái đã mời thầy Phêlix đến nhà, để nhờ thầy dạy chữ cho hai đứa con nhỏ của ông. Sau một thời gian, ông Chánh Bái nhận thấy, thầy Phêlix là một người có lợi có ích cho gia đình, nên nhiều người chung quanh đã gởi con em đến để nhờ thầy dạy học. Vì không có đủ chỗ trong nhà ông, ông đã nhường một mảnh đất trong vườn ông để cất một ngôi trường nhỏ, hầu có thể để dạy các con em vùng này. Sau đó, là một số người theo đạo Công Giáo. Ông Chánh Bái có lòng tốt, lại hiến thêm một mảnh đất nữa trong vườn, để làm nhà thờ và chính là chỗ này, trước đây.

Sự kiện trên đây, chứng tỏ rằng người truyền giáo biết ra đi, biết có những trao đổi thân tình với những người lương dân, và nhất là biết đón nhận lòng tốt của những anh chị em lương dân của mình, thì Chúa sẽ làm tiếp công việc truyền giáo. Những người mình tiếp xúc, luôn mang trong mình những mầm non tốt, có sẵn trước khi mình đến. Người truyền giáo chỉ là người khơi dậy, còn Chúa Thánh Linh mới là người chủ động trong việc rao giảng Tin Mừng.

Cảm tưởng thứ hai của tôi, đó là: Người truyền giáo, khi biết theo gương Chúa Kitô, biết đem đức tin hội nhập vào nền văn hóa địa phương, trong đó có nền đạo đức truyền thống, thì sẽ dễ gây được sự cảm thông giữa kẻ mới đến và kẻ ở đó sẵn.

Cảm tưởng trên đây của tôi, cũng dựa theo lịch sử của họ đạo chúng ta.

Trước khi các vị truyền giáo đến, đồng bào địa phương chúng ta đã có một nền đạo đức vững mạnh. Thí dụ như lòng hiếu thảo trong gia đình, tình nghĩa xóm làng, sự chân thành, sự công bình, tình tương thân tương ái đối với nhau. Khi người truyền giáo đến, không những họ không phá đổ, hay thay đổi giá trị truyền thống ấy, mà các Ngài còn kính trọng và phát triển thêm những giá trị truyền thống và đạo đức ấy, và do đó, chính đồng bào địa phương, dựa theo nền đạo đức truyền thống của mình, lại nâng đỡ họ đạo, lại nâng đỡ chính vị truyền giáo.

Tôi thấy ngay ở họ đạo này, anh chị em khác tín ngưỡng, nhất là anh chị em Cao Ðài và những anh chị em không có tín ngưỡng, vì nền đạo đức truyền thống của mình, nên đã nâng đỡ họ đạo chúng ta, giúp sự phát triển của họ đạo chúng ta. Cụ thể, tôi biết mấy ngày hôm nay, biết bao nhiêu người không phải Công Giáo đã có những nâng đỡ trong cuộc lễ, trong nhà thờ này. Những nâng đỡ chân thành, những nâng đỡ tích cực.

Cảm nghĩ thứ ba của tôi là: Người truyền giáo khi theo gương Ðức Kitô, luôn làm sao để nên nhân chứng về Cha trên trời, giàu lòng thương xót. Ðức Kitô đã không giảng nhiều bằng lời nói, nhưng đã làm chứng bằng đời sống, bằng việc làm, bằng những việc làm bác ái nhưng không, cho đi mà không cần để ai biết đến, cho đi mà không trông chờ sự đền đáp lại, để làm chứng rằng: Cha trên trời là Cha chung mọi người, đầy lòng thương xót.

Khi một người truyền giáo sống như vậy, thì sẽ có một thái độ cầu nguyện trong nội tâm mình, sẽ có một thái độ gắn bó với một Ðấng vô hình bên cạnh mình, và sẽ có một thái độ trọng kính đối với tất cả những người chung quanh, không phân biệt tín ngưỡng hay không tín ngưỡng, tín ngưỡng này hay tín ngưỡng nọ.

Anh chị em thân mến,

Nhà thờ này được thành hình, là do những vị truyền giáo, là nhờ những vị ân nhân, và nhờ những người tại địa phương này. Tôi phải nói: Ðó cũng là những vị ân nhân của họ đạo chúng ta. Thánh đường này sẽ chôn tại đây. Nó không có chân để đi được, nhưng cái quan trọng mà người truyền giáo nhắm tới không phải là nhà thờ, mà là con người, những con người trở thành đền thờ biết đi, những con người trở thành đền thánh biết ca ngợi vinh quang Ðấng tối cao, những con người trở thành những tình thương, để chói ra ánh sáng công bình và sự ấm áp của tình yêu thương. Ðấy mới là quan trọng, và đấy mới là mục tiêu của sự truyền giáo. Nhà thờ thì đẹp, nhưng đấy chỉ là phương tiện chứ không phải là cứu cánh. Cứu cánh là chính con người, là hạnh phúc của mỗi người, là phần rỗi của tất cả chúng ta.

Vì thế, trong thánh lễ này, tôi cùng anh chị em cầu nguyện cho tất cả mọi người ân nhân xa gần, và đặc biệt, tôi cầu nguyện cho tất cả đồng bào địa phương, tín ngưỡng hay không tín ngưỡng, tín ngưỡng này hay tín ngưỡng nọ, đã nâng đỡ họ đạo chúng ta và nhất là tôi cầu nguyện để mỗi người chúng ta gặp được Ðấng tối cao toàn năng đầy lòng thương xót. Chính Người, sau cùng, sẽ đón chúng ta ở cuối đường đời. Và khi gặp được Ngài, chúng ta sẽ thấy một cái đền thờ đầy vinh quang, đầy yêu thương, đón nhận tất cả những người thiện chí. Ðó là Nước Trời, và Nước Trời chính là Ðức Kitô đang đến với chúng ta.

Xin Chúa Thánh Thần đến với chúng ta và giúp cho chúng ta hôm nay đón nhận được Tin Mừng. Amen.

Lễ Thêm Sức, nhà thờ Thứ Mười ngày 17/12/1992