Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1992
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1993
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1994
 

Ðặc Ðiểm Của Ðời Tu

Cách đây một tháng, trong dịp dâng lễ tạ ơn tại kênh Ð2, tôi thấy có treo ở cuối nhà thờ một tấm vải mang hàng chữ “Phụng sự Chúa trong mọi người”. Khi đọc hàng chữ ấy tôi thấy ngay rằng: Ðây có thể là một lý tưởng cho con người tu, dâng hiến đời mình cho Chúa.

Nhưng theo tôi, lý tưởng này tuy rất đẹp, nhưng vẫn còn trống, vẫn còn chung chung, nó chưa nói lên được cái đặc điểm, cái nét riêng của người tu sĩ. Tôi vẫn thắc mắc điều đó. Sáng hôm nay tôi đọc cuốn “A la suite de Jésus” (Ði theo Ðức Giêsu) của cha Voillaume, thì thắc mắc của tôi được giải quyết.

Cha Voillaume là đấng sáng lập hình thức Dòng tu theo chân cha Charles de Foucauld. Trong những cuốn sách của ngài viết, mà nhất là cuốn sách tôi vừa nói, cha cho tôi thấy nét riêng của người tu sĩ:

- Ðặc điểm của người đi tu là theo Ðức Kitô cứu độ, Ðấng đã gắn liền con người cứu độ với thánh giá.

- Ðặc điểm của người tu là bắt chước Ðức Kitô cứu độ, Ðấng không bao giờ tách rời sự cứu độ ra khỏi thánh giá.

Nét đẹp của người tu là sống mật thiết với Ðức Kitô cứu độ, Ðấng đồng hóa sự cứu độ với thánh giá.

Ðọc Phúc Âm chúng ta thấy rõ điều cha Voillaume đã nêu lên: Sự cứu độ của Ðức Kitô đã được ngài xác định một cách rất rõ, một cách quyết liệt bằng lời nói, bằng việc làm. Chúng ta thấy Chúa Giêsu bằng nhiều cách, nhiều nơi, đã cho chúng ta thấy rằng: Ðời cứu độ của Ngài là phải từ bỏ, là phải chịu nhục nhã, là phải chịu bắt bớ, là phải chịu đóng đinh trên thánh giá. Con đường cứu độ của Ngài là con đường bi thảm, bi thảm đến nỗi thánh Phêrô, con người gần gũi Ðức Kitô, khi nghe những lời đó đã can Thầy: “Thưa Thầy, Thầy đừng đi con đường đó!”. Nhưng Ðức Kitô đã trách mắng thánh Phêrô: “Satan, hãy lui ra! Ta phải vâng phục thánh ý Chúa Cha!”.

Ngoài những lời xác quyết của Ðức Kitô, Ngài còn chứng minh con đường của Ngài là con đường Thánh Giá, bằng cách Ngài đã thực sự đi vào con đường thánh giá: Sinh ra tại Bêlem, trốn sang Ai Cập, 30 năm sống âm thầm, ẩn dật, đơn sơ, rồi đi giảng, sống nghèo, nay đây mai đó, sau cùng bị bắt và chết trên cây thánh giá tất tưởi. Con đường cứu độ của Ðức Kitô đầy hy sinh, bây giờ vẫn còn nhắc nhở chúng ta nhớ là chặng đường thánh giá đầy những khổ đau, Thánh Giá Chúa chịu nạn đầy những vết máu, thánh lễ trên bàn thờ với Ðức Kitô bé nhỏ trong hình bánh đầy sự khiêm tốn.

Phần Ðức Kitô, con đường cứu độ nó là như vậy. Còn phần các môn đệ Chúa, những người tu sĩ hôm nay thì thế nào?

Chúa phán: “Môn đệ không trọng hơn Thầy”. Chúa nói đến chén đắng. Có một lần môn đệ hỏi Chúa: Ai ngồi trên, ai ngồi dưới? Chúa Giêsu không trả lời mà chỉ hỏi rằng: “Con có uống được chén đắng Cha trao cho con không?”.

Rồi một lần khác, Chúa nói với những người Chúa gọi: “Nếu không từ bỏ mình, không vác thánh giá mình, thì không đáng gọi là môn đệ của Ta!”.

Và lúc nãy, trong Phúc Âm Chúa trả lời thánh Phêrô: Kẻ theo Chúa bây giờ sẽ được nhiều lắm, cộng với sự bắt bớ ở đời này.

Vậy, ta đã thấy rõ đặc điểm của người được Chúa gọi là phải cộng tác với Ðức Kitô trong con đường cứu độ, tức thánh giá. Tôi nói điều này để cho chính tôi, cho các Linh mục, các tu sĩ và giáo dân nhận thức rõ về đặc điểm người Chúa gọi để hiến thân.

Về điểm này, lý thuyết thì chúng ta biết, nhưng lý thuyết ấy nhiều khi không nội-tâm-hóa được: Nó trôi qua mà không nhập tâm, bởi vì nó bi đát, nó khó nghe, nó khó hiểu! Chính các tông đồ đến phút chót, mà vẫn không hiểu! Cho nên cần phải có một sự sống nội tâm, năng cầu nguyện, năng suy gẫm, có lòng khiêm tốn, đón nhận những sứ điệp Chúa gửi đến cho mình, thì mới hiểu được các đặc điểm đời tu, và hiểu ơn Chúa gọi nó là thế nào?

Hiện nay, cái tinh thần tục hóa đang tràn lan khắp nơi, và cái tinh thần tục hóa ấy, cũng đang tràn lan vào các nhà tu, để làm mờ đi cái đặc điểm cao nhất của đời tu, để thay vào tinh thần cứu độ của Ðức Kitô bằng những cái màu sắc lòe loẹt khác. Ðây cũng là lúc ta cần phải làm sáng lên đặc điểm của người Chúa gọi.

Riêng Dòng chúng ta, quá khứ đã được chứng minh, bằng sự Chúa chọn chúng ta cộng tác với Ngài trên con đường cứu độ, bằng thánh giá với những mất mát, với những khổ đau, với những hy sinh tâm hồn và thể xác. Chúng ta đừng coi đó là một sự bất hạnh, mà hãy coi đó là một hồng ân, và nhìn về phía trước, chúng ta vẫn đón nhận những ơn Chúa ban cho, qua những may mắn và qua những thánh giá hy sinh sẽ xảy đến cho toàn thể và cho từng cá nhân. Hãy biết tạ ơn Chúa vì những thánh giá. Hãy biết cầu xin để khi thánh giá tới, chúng ta biết đón nhận như một ơn gọi quí giá.

Bởi vì càng ngày càng có nhiều tổ chức làm việc từ thiện, làm việc bác ái: Hòa Hảo cũng làm, Tin Lành cũng làm, Giáo Phái cũng làm, Công Giáo cũng làm, Cộng Sản cũng làm. Do đó, nếu chỉ làm việc từ thiện, bác ái, phụng sự mọi người, thì chưa chắc đã là đặc điểm của người môn đệ Chúa. Một người phụng sự Chúa trong mọi người, vẫn từ bỏ, vẫn khiêm tốn, vẫn chôn mình trong lặng lẽ, để làm chứng con đường cứu độ, không tách rời khỏi thánh giá Chúa Kitô, thì quả thật, ơn cứu độ đang dẫn tới Nước Trời, thứ hạnh phúc thật, chứ không phải thứ hạnh phúc tạm đời này.

Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau được thấu hiểu, và được trung thành với ơn gọi sống mật thiết với Ðức Giêsu Ðấng Cứu Ðộ, không tách rời con đường cứu độ ra khỏi thánh giá, và hãy nguyện xin cuộc đời chúng ta trở thành một thánh lễ kéo dài, với những hy sinh, với những lời ca tụng không ngừng.

Dù hoàn cảnh có xảy ra thế nào đi nữa, đời con vẫn là Thánh Lễ kéo dài. Amen!

Lễ Khấn Dòng, tu viện Thánh Gia ngày 14/02/1993