Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1992
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1993
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1994
 

Thánh Ý Chúa Cha

Ga 5,17-30

Nghe xong bài Phúc Âm hôm nay, tôi cảm thấy lo sợ. Lý do lo sợ là vì tôi thấy: Tôi và nhiều người thuộc về tôi, nhiều khi đã không sống đúng theo gương mẫu của Ðức Kitô, trong việc thi hành Thánh ý Chúa Cha.

Phúc Âm hôm nay nói lên sự Chúa Kitô luôn luôn thao thức về Thánh ý Chúa Cha. Thánh ý Chúa Cha, đó là động lực khiến Ngài bỏ trời xuống thế gian. Thánh ý Chúa Cha, đó là lương thực hằng ngày của Ðức Kitô. Thánh ý Chúa Cha, đó là cách để Ðức Kitô đã làm sáng danh Thiên Chúa. Thánh ý Chúa Cha, đó là lý do tại sao Ðức Kitô phó mình chịu nạn, chịu chết. Ðức Kitô làm gì, đi đâu, nói gì đều qui hướng vào Thánh ý Chúa Cha.

Còn chúng ta thì sao?

Phải nói thực rằng, những thao thức thường xuyên, nhất là những thao thức lớn nhất chiếm đoạt tâm hồn ta, nhiều khi không phải là tìm Thánh ý Chúa Cha. Cả khi chúng ta nói rằng: Tôi làm theo ý Thiên Chúa, thì nhiều khi cũng chỉ là nói theo công thức, nói theo thói quen, chứ Chúa Cha không hề được chúng ta hỏi ý kiến. Mà thực sự, Thánh ý Chúa rất khác với ý của ta.

Tôi lo sợ, vì nếu chúng ta cứ tiếp tục sống và hoạt động theo một hướng khác, ngoài Thánh ý Chúa, thì sớm hay muộn Giáo Hội địa phương chúng ta sẽ không tránh được một tương lai bi thảm. Và sớm hay muộn giáo hội địa phương chúng ta, sẽ còn phải trải qua một thời kỳ thanh luyện đau đớn, cho đến khi nào chúng ta thực sự trở về với Thánh ý Chúa Cha.

Riêng Giáo Hội địa phương chúng ta thì sao?

Tôi nhận định chưa rõ lắm, nhưng cảm tưởng của tôi tương đối lạc quan. Sự lạc quan của tôi dựa trên một số dữ kiện mà tôi nhận thấy:

Dấu chỉ lạc quan thứ nhất mà tôi nhận thấy trong Giáo Hội địa phương chúng ta, là nhiều người hiện nay đã quan tâm đến sự cầu nguyện, để tìm Thánh ý Chúa Cha.

Thánh ý Chúa thì rất chung chung: Chúng ta biết rằng, Thiên Chúa sẽ đến cứu dân Người. Nhưng cứu ngày nào, cứu qua biến cố nào, cứu từ đâu, thì không có sách nào trong đạo đã vạch ra rõ. Chẳng hạn, nếu chúng ta mở Cựu Ước ra, thì chúng ta không thấy trang nào báo trước rằng, đến ngày 25 tháng 3 năm thứ nhất. Chúa sẽ sai Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel đến truyền tin cho Ðức Mẹ. Biến cố truyền tin, là một biến cố xảy ra bất ngờ. Chúa đến với nhân loại qua con đường không được vạch trước. Chỉ có những ai tỉnh thức và cầu nguyện như Ðức Mẹ thì mới nhận ra ý Chúa, và có thể đón nhận Thiên Chúa đến với mình.

Rồi chúng ta cũng chỉ biết chung chung là Ðức Mẹ rất thương Hội Thánh của Người. Nhưng tất cả các sách giáo luật, giáo lý ra từ trước, đâu có trang nào báo trước rằng ngày 25 tháng 3 năm 1958, Ðức Mẹ sẽ hiện ra ở Lộ Ðức, để xưng tên mình là Ðấng Vô Nhiễm Nguyên Tội. Biến cố là một biến cố bất ngờ và Chúa đã đi trên con đường không vạch trước, để đến với nhân loại. Chỉ có những người tỉnh thức và cầu nguyện, mới nhận ra ý Chúa, và mới nhận được sự viếng thăm của Ðức Mẹ.

Chẳng hạn, lễ hôm nay, chúng ta chỉ biết chung chung Thánh ý Chúa là Ðấng thương yêu chúng ta, Ngài đến với chúng ta. Nhưng mà để biết cụ thể, chúng ta phải tổ chức lễ này thế nào, phải trao đổi với nhau đề tài nào, nội dung ra sao, hát những bài nào, đọc những bài nào cho hợp Thánh ý Chúa, thì chúng ta chỉ phải hỏi ý kiến của Ngài. Phải gặp Chúa, phải hỏi Chúa, phải bàn định với Chúa thì mới biết được Thánh ý Ngài thế nào, trong các việc cụ thể.

Ðiều tôi mừng hiện nay, là chúng ta bắt đầu cầu nguyện, cầu nguyện trong nội tâm mình. Tôi thấy nhiều người hiện nay say mê cầu nguyện. Cầu nguyện có nghĩa là gặp gỡ Thiên Chúa trong nội tâm mình. Cầu nguyện có nghĩa là lắng nghe Chúa nói với mình, hơn là mình nói với Chúa. Cầu nguyện có nghĩa là sống mật thiết với Chúa như lời Chúa dạy: “Cha là thân cây nho, chúng con là cành”. Cầu nguyện có nghĩa là thờ phượng tạ ơn Thiên Chúa là tình yêu.

Kinh nghiệm về cầu nguyện hiện nay thì rất nhiều, trong vô số linh hồn bé nhỏ thầm lặng đi tìm Chúa. Ðấy là một dấu chỉ lạc quan đối với tôi.

Dấu chỉ lạc quan thứ hai, đó là tôi thấy, nhiều người trong địa phương chúng ta, quan tâm nhiều hơn đến lời Chúa. Và qua lời Chúa, người ta tìm thấy Thánh ý Chúa một cách cụ thể.

Tôi vẫn tin rằng: Lời Ðức Mẹ, lời các thánh, lời các Ðức Giáo Hoàng, lời các vị đạo đức đều rất đáng kính. Nhưng chỉ có lời Chúa mới mang lại sự sống. Tôi vẫn cảm nghiệm điều này: Khi tôi đọc một lời Chúa, thì chính lời Chúa ban sự sống cho tôi. Ðiều quan trọng nhất mà tôi đề cao và tập trung vào khi rao giảng là giới thiệu dung mạo Ðức Kitô là tình yêu cứu độ.

Dung mạo này, tôi không tìm được ở các sách tín lý, ở các sách luân lý, ở các sách giáo luật, ở các sách giáo lý, ở các sách phụng vụ, mà tôi chỉ tìm được ở Phúc Âm.

Ðọc Phúc Âm, tôi cảm thấy Chúa thương yêu chúng ta thế nào: Chúa thương yêu chúng ta trước khi chúng ta biết Người. Chúa thương yêu chúng ta từ khi chúng ta còn trong tội lỗi. Chúa dành tình yêu cho những người bé mọn, bị loại trừ. Chỉ khi đọc Phúc Âm, chia sẻ lời Chúa, ta mới hiểu được Tin Mừng lớn nhất mà Chúa muốn chúng ta rao giảng trong thế giới hôm nay, và để đáp lại khát vọng của nhân loại hôm nay, đó là dung mạo Thiên Chúa tình yêu. Phải tìm trong Phúc Âm, phải suy gẫm Phúc Âm.

Hiện nay, tôi thấy số người mến mộ lời Chúa rất đông.

Ðầu năm nay, sau thánh lễ đầu năm, tôi thấy ở Long Xuyên có tặng mỗi gia đình một câu lời Chúa. Và kết quả thật bất ngờ: Các gia đình đều đem câu lời Chúa về nhà mình, mở ra đọc chung với nhau, rồi dán ở một nơi trang trọng nhất, để suốt năm suy gẫm và sống theo lời Chúa. Có rất nhiều người đã chia sẻ cảm tưởng với tôi rằng: “Khi chúng con nhận được câu lời Chúa tặng chúng con, như món quà đầu xuân, chúng con cảm thấy: Ðúng là một lá thư Chúa gửi riêng cho gia đình chúng con”.

Không biết tại sao câu ấy rất đúng với hoàn cảnh mỗi người chúng con, và chúng con cảm thấy lời Chúa là sự sống hiện diện trong gia đình chúng con.

Tôi cũng vừa mới đi thăm một xứ đạo ở vùng sâu. Tại đây, tôi thấy thanh thiếu niên có thói quen vào thứ sáu, họp nhau lại từng nhóm, để học Phúc Âm, để chia sẻ lời Chúa, không có Linh mục. Kết quả là sự chia sẻ lời Chúa như vậy đã biến đổi được tâm hồn thanh thiếu niên, là cho họ trở nên rất tốt, là cho tất cả họ đạo trở nên như một cánh đồng hoa xuân, tươi đẹp, sốt sắng, thương yêu nhau.

Kính trọng, mến mộ lời Chúa, đó là một dấu chỉ lạc quan báo hiệu Nước Trời gần đến.

Dấu chỉ lạc quan thứ ba, đó là tôi thấy nhiều người hiện nay quan tâm đến những dấu chỉ thời đại.

Chúng ta vừa nghe trong bài đọc sách thánh. Trước khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, thì các tông đồ nghe như có tiếng gió thổi, có một cái gì lay động mạnh, có một làn gió lạ thổi vào trong phòng mình.

Bernadette ở Lộ Ðức cũng cảm thấy như vậy: Trước khi nhìn thấy Ðức Mẹ, thì cô Bernadette cảm thấy như có một luồng gió bão thổi mạnh làm lắc lư chung quanh.

Hiện nay cũng đang thấy đang có những luồng gió thiêng liêng đang thổi vào Hội Thánh: Những luồng gió ấy là những lớp người đang làm chứng cho Tin Mừng: Họ không rao giảng. Họ nói rất ít. Họ là những người bé mọn, những giáo dân bình thường. Họ là những người sống ân thầm. Họ là những linh mục già yếu. Họ chỉ chuyên làm chứng cho Chúa mà thôi: Làm chứng bằng một đời sống thầm lặng cầu nguyện. Làm chứng nhất là bằng đời sống dấn thân, quên mình, lo cho kẻ khác. Sự làm chứng cho Chúa trong thời đại này, tôi coi là một luồng gió, mà Chúa Thánh Linh đang thổi vào thế giới, để chuẩn bị Chúa đến.

Hiện nay có rất nhiều người làm chứng cho Chúa như vậy ở khắp nơi, ở ngoại quốc, ở Việt Nam. Khi tôi gặp những người như vậy, tôi cảm thấy nội tâm của họ có một bề sâu thăm thẳm. Họ mang trong mình thao thức về Nước Trời, về sự cứu độ. Tôi cảm thấy một tình thương vô biên. Tôi cảm thấy một trái tim tươi mát sẵn sàng dấn thân. Tôi cảm thấy một trái tim luôn lắng nghe lời Chúa và sẵn sàng ra đi theo tiếng gọi, tiếng sai của Chúa. Làm chứng âm thầm. Làm chứng mà không cần phải nói.

Thánh ý của Chúa Cha là muốn cho chúng ta đón nhận Nước Trời. Chúa không buộc chúng ta xây dựng Nước Trời, mà Chúa muốn chúng ta đón nhận Nước Trời. Nước Trời sẽ đến trong lòng chúng ta, khi nào chúng ta chuẩn bị xứng đáng: Chuẩn bị tỉnh thức cầu nguyện, bằng sự suy gẫm lời Chúa, bằng sự làm chứng cho Chúa qua những việc lành, qua đời sống bình thường của mình.

Hôm nay, tôi cầu xin Chúa Thánh Linh soi sáng và thúc đẩy chúng ta, biết thao thức tìm kiếm Thánh ý Chúa Cha, can đảm thực thi Thánh ý Chúa Cha.

Nếu chúng ta biết khiêm tốn, biết lắng nghe, biết từ bỏ mình và biết luôn luôn sống như Chúa, như Ðức Mẹ, thì chúng ta sẽ thấy được Thánh ý Chúa rất rõ nơi bản thân ta, nơi xã hội ta.

Chúng ta tạ ơn Chúa vì hôm nay Chúa đã chia sẻ với chúng ta Thánh ý của Ngài. Amen.

Lễ Thêm Sức, Hòa Hưng ngày 24/3/93