Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1992
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1993
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1994
 

Ơn Gọi Trở Về

Ga 10,22-30

Cho đến Chúa nhật vừa qua, tôi vẫn cứ băn khoăn, không biết sẽ phải nói gì với một cử toạ gồm nhiều thành phần khác nhau, gồm nhiều tuổi khác nhau, trong một cuộc họp mặt bất thường như hôm nay? Tôi đã chạy đến bên Chúa và tôi đã cầu xin Chúa giúp đỡ tôi. Rồi tôi mở sách lễ đọc bài Tông đồ công vụ và bài Phúc Âm hôm nay (thứ ba sau CN V PS). Ðọc xong, tôi nghe Chúa nói trong lòng tôi rằng: Sách Tông đồ công vụ hôm nay nói: Phaolô và Barnaba đã thuật lại cho cộng đoàn, những gì Chúa đã làm cho các Ngài. Vậy con cũng hãy làm như vậy cho cộng đoàn nghe con hôm nay. Có nghĩa là Chúa muốn tôi thuật lại cho anh chị em, những gì Chúa đã làm cho tôi trên đường sống ơn gọi.

Nói về mình, đó là một điều thiết tưởng không tế nhị đối với anh chị em, và càng không tế nhị chút nào đối với cha Ðaminh Thảo, người mời tôi đến đây. Nhưng tôi xin báo trước rằng, những gì tôi thuật lại về sự Chúa làm cho tôi, cũng sẽ là những gì Chúa đã làm cho anh chị em.

Thưa anh chị em thân mến,

Tất cả những gì Chúa đã làm cho tôi, đều có thể tóm tắt lại trong một câu vắn tắt thế này: “Chúa huấn luyện tôi nên kẻ trở về. Chúa đào luyện tôi nên kẻ trở về”. Ơn gọi của tôi là ơn gọi trở về. Suốt đời của tôi, 60 năm dài, 38 năm linh mục, 18 năm Giám Mục, đều là một trường Chúa huấn luyện tôi , để tôi sống tốt ơn gọi trở về.

Vậy Chúa đã đưa tôi trở về những điểm nào?

Ðiểm thứ nhất mà Chúa đưa tôi trở về, chính là một lương tâm mới: Tôi trở về với một lương tâm người con Thiên Chúa.

Thực vậy, khi tôi còn nhỏ, khi tôi còn trẻ và lớn lên, tôi hay xét mình, hay ăn năn tội theo lương tâm tự nhiên. Tôi nhận biết mình tội lỗi. Tôi ray rứt vì mình yếu đuối. Nhưng dần dần, qua Kinh Thánh, qua chuyện các thánh và qua kinh nghiệm tu đức, Chúa đưa tôi tới một lương tâm mới. Lương tâm đó là một lương tâm ăn thông với lương tâm Ðức Kitô, một lương tâm kết hợp mật thiết với lương tâm Ðức Kitô. Ðức Kitô là Con Thiên Chúa hằng sống, là Ðấng đẹp lòng Chúa Cha mọi đàng, là Ðấng đã vâng phục Chúa Cha cho đến chết, để đền tội cho tôi, là Ðấng đã luôn luôn cầu bầu cho tôi trước mặt Chúa Cha, là Ðấng hoàn toàn trọn lành, luôn hướng về Chúa Cha.

Khi tôi hiệp thông với lương tâm Ðức Kitô, thì lương tâm của tôi trở nên mới. Có thể nói, lương tâm ấy là lương tâm người con Thiên Chúa. Bởi vì lương tâm của tôi bấy giờ gắn chặt vào và hiệp thông vào lương tâm của Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.

Nói đúng ra, lương tâm ấy là chút lương tâm Ðức Kitô trao ban cho tôi. Tôi đón nhận lương tâm ấy bằng đức tin. Tôi càng tin thì lương tâm ấy càng lớn lên.

Với lương tâm mới này, tôi không nhìn tôi cho bằng nhìn Thiên Chúa hằng sống. Hơn nữa, với lương tâm mới này, tôi nhìn thân phận tội lỗi yếu đuối của tôi, với một con mắt cảm tạ yêu mến Chúa. Bởi vì tôi thấy, chính khi mình được yêu thương, trong khi mình còn tội lỗi, thì tôi mới hiểu được lời thánh Phaolô nói về tình yêu chan hoà vô biên của Thiên Chúa. Và khi mình được tha thứ, trong khi mình bất xứng, thì mình mới hiểu thế nào là trái tim người cha giàu lòng thương xót.

Tôi nghĩ rằng, lương tâm mới này, ai cũng có ít nhiều ở trong dạng hạt giống tốt, ở trong dạng kho báu tiềm tàng. Nhiều khi hạt giống ấy bị chôn vùi trong trái tim ta, như là bị chôn vùi trong đồng ruộng. Ðó là một kho báu, nhưng mà kho báu ấy, theo Ðức Kitô nói, nó chìm trong ruộng. Thí dụ nơi thánh Madeleine, nơi người trộm lành, nơi thánh Phêrô.

Cây lương tâm mới này, nó bừng sáng lên, nó rực sáng lên và nó xuất hiện một cách tươi tốt.

Còn chung chung nơi chúng ta, thì lương tâm mới này, nó dần dần được thành hình và lớn lên. Nó trở thành trung tâm.

Lúc nãy, trước khi huấn đức, tôi quỳ đây, tôi cầu nguyện và tôi hỏi Chúa Kitô trong Nhà Tạm xem: Con, những người nghe con hôm nay, đến đây, được hướng dẫn bởi lương tâm tự nhiên, hay bởi lương tâm người con Thiên Chúa. Và Chúa trả lời tôi: Hầu hết là có lương tâm tự nhiên tốt, và đa số là có lương tâm người con Thiên Chúa tốt. Nhưng mức độ tốt không giống nhau: Có người rực sáng, có người mờ nhạt. Ðó, cho chúng ta hiểu, sự trở về một lương tâm tốt, lương tâm mới, lương tâm người con Thiên Chúa, là điều phải làm mãi mãi, hoài hoài, không bao giờ dừng, và đấy là một ơn gọi, để rồi nhờ đó Chúa sẽ gọi thêm.

Ðiểm thứ hai mà Chúa đưa tôi trở về, đó là một cái nhìn mới: Tôi trở về với cái nhìn mới của tuổi trẻ.

Thực vậy, khi còn nhỏ, khi còn thanh niên, tôi nhìn phía trước tôi, đầy những hình ảnh vĩ nhân, đầy những lý tưởng anh hùng thánh thiện. Và tôi tưởng, một ngày nào đó, tôi sẽ vươn tới mô hình như vậy. Nhưng dần dần, Chúa đưa tôi tới một mô hình mới, một mô hình mà Ngài đã nói trong Phúc Âm: “Nếu các con không trở nên giống như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời”. Ðó là sự trở về của tôi, trở về với mô hình trẻ nhỏ Phúc Âm. Và khi trở về với trẻ nhỏ Phúc Âm, đó là trở về với cái nhìn mới.

Với cái nhìn mới của trẻ nhỏ trong Phúc Âm, tôi nhìn mình, một cái gì mới lắm: Tôi chẳng là gì. Tôi chẳng có gì. Tôi chẳng làm gì đáng công đáng giá. Tất cả đều do Cha trên trời. Tất cả đều do Chúa Kitô.

Với cái nhìn mới của trẻ nhỏ trong Phúc Âm, tôi nhìn tôi, luôn luôn là một tâm hồn cần phải học thêm. Tuổi nhỏ là tuổi đi học. Tôi cũng vậy. Dù bao tuổi đời, dù bao tuổi tu, trẻ thơ vẫn là trẻ phải đi học thêm. Và khi mình đi học như vậy, thì mình mở lòng mình ra, nhưng người đứng giữ cửa lòng mình là Ðức Kitô. Cần phải có nhiều sáng kiến khi học hành, nhưng người duyệt xét các sáng kiến ấy là Ðức Kitô.

Chính vì thế, mà tôi tưởng rằng những người đã sống tinh thần thơ ấu Phúc Âm sẽ hiểu: Thơ ấu Phúc Âm không phải chỉ là phó thác, đợi chờ, mà là một sự học hỏi sáng kiến trong một không gian tự do, được duyệt xét, được chăm sóc bởi Thiên Chúa.

Và nhất là, với cái nhìn của tuổi thơ, tôi tin vào Ðức Kitô như là một trẻ nhỏ tin vào lời cha mẹ nói. Ðối với tôi, niềm tin vào lời Ðức Kitô, là một hạnh phúc tuyệt vời.

Bài Phúc Âm hôm nay có nói: “Cha nói trước cho các con biết, để khi sự việc xảy ra, các con sẽ tin”.

Ðối với tôi, Chúa cũng dạy như vậy, cũng huấn luyện tôi như một đứa nhỏ như vậy. Nhiều khi Chúa báo cho tôi trước những việc xảy ra một cách nào đó, để khi sự việc xảy ra tôi tin vào lời Chúa phán.

Một việc cụ thể tôi xin kể: Tôi thụ phong Linh Mục ngày 2 tháng 7 năm 1955 tại Hồng Kông. Hồi đó, mồng 2 tháng 7 vẫn còn là lễ Ðức Mẹ đi viếng bà thánh Isave. Trong lễ, khi vừa nghe đọc bài đọc 1, tôi tự nhiên nhớ ngay bài đọc này tôi đã nghe 4 năm về trước tại Nam Ðịnh, trong ngày bế mạc cấm phòng. Lúc ấy, Chúa cho tôi có linh cảm bài Cựu Ước ấy áp dụng cho tôi. Nó là một sứ điệp Chúa gửi riêng cho tôi. Lúc ấy, tôi chưa hiểu lắm, chỉ biết rằng, nó là một sứ điệp riêng cho tôi.

Khi tôi chịu chức trong ngày đó, nghe lại bài Cựu Ước đó, tôi hiểu ngay lời Ðức Kitô nói: Cha đã nói trước cho con, để khi sự việc xảy ra, con sẽ tin vào Cha.

Tôi có nhiều trường hợp như vậy. Cho nên tôi vừa nói, tôi tin vào Ðức Kitô, và coi niềm tin ấy là niềm vui tuyệt vời.

Tháng 5 vừa qua, tôi sang Pháp, đến Lisieux viếng thánh nữ Têrêxa. Tôi vào thăm dòng Kín, gặp bà Bề Trên. Lúc từ giã, Mẹ Bề Trên tặng tôi một chút quà. Mà anh chị em có đoán được món quà đó là món quà gì không? Thưa là một sợi tóc của thánh nữ Têrêxa, khi tôi nhận sợi tóc của thánh nữ Têrêxa, tôi có cảm tưởng là trên trời, Têrêxa đang mỉm cười, vì hiểu rằng Têrêxa gửi gấm rất nhiều điều trong sợi tóc ấy. và tôi cũng hiểu rằng, tôi đang nhận rất nhiều tâm tình của Têrêxa qua sợi tóc ấy.

Những chuyện nho nhỏ như vậy, gợi ý cho tôi hiểu rằng: Ðối với Chúa, cái quan trọng của tinh thần thơ ấu là tình yêu, là trái tim, chứ không phải những việc to lớn bề ngoài. Làm một việc bây giờ, hôm nay, do tất cả lòng mình. Ðó là những bông hoa tốt nhất, ta dâng lên cho Thiên Chúa: Trở về với tâm tình trẻ nhỏ.

Ðiều thứ ba mà Chúa đưa tôi trở về, đó là trở về với một giới luật mới: Tôi trở về với giới luật yêu thương.

Thực vậy, khi còn nhỏ và cả khi lên trường LaTinh, trường Lý đoán, tức là Ðại chủng viện, tôi thường coi trọng tất cả mọi lề luật: Luật đọc kinh chiều hôm ban sáng, luật đọc sách thiêng liêng, luật giữ thinh lặng. Nhưng dần dần, Chúa đưa tôi đến một giới răn mới để tôi tập trung lòng trí lại: Giới răn ấy là giới luật yêu thương: “Thầy ban cho chúng con một điều răn mới là chúng con thương yêu nhau”.

Khi tôi chọn khẩu hiệu ấy cho đời Giám Mục của tôi, tôi chỉ muốn đây là một dấu chỉ của sự trở lại Phúc Âm. Nhưng dần dần tôi mới thấy rằng: Giới luật yêu thương đang là một tiếng gọi khẩn cấp cho mục vụ hôm nay, nhất là tại Việt Nam bây giờ.

Các tôn giáo bây giờ đều thi nhau làm việc từ thiện bác ái, để qua đó mà khẳng định niềm tin của mình. Ðức tin dịch ra đức ái.

Tối hôm qua, tôi đọc một bài báo của Pháp, có tựa đề “Le Boudhisme en France” (đạo Phật tại Pháp hôm nay). Tác giả đưa ra hiện tượng Phật giáo tại Pháp bây giờ đang phát triển và có một nhận xét này: “Phật giáo đến với Giáo Hội Công Giáo Pháp, nêu gương từ bi thương xót và thanh luyện nội tâm”. Cái nhận xét của tác giả trên đây cũng là cái nhận xét của tôi, đối với một số tín hữu, tu sĩ. Và cái nhận xét trên đây, cũng là một gợi ý để cho tôi nhớ rằng: Sống bác ái bây giờ, cần phải có một nội tâm được thanh luyện.

Khi tôi làm việc từ thiện bác ái, những việc ấy, cần phải được thúc đẩy, bởi một nội tâm được thanh luyện.

Một nội tâm được thanh luyện tức là một nội tâm biết từ bỏ mình, biết để cho Ðức Kitô sống trong mình, và để cho Ðức Kitô trao tặng tình yêu của Người qua những việc bé nhỏ từ thiện của ta.

Ðọc truyện các Ðấng lập dòng, tôi thấy thế này: Các Ðấng lập dòng thường nắm bắt những tình hình khẩn cấp của Hội Thánh. Chẳng hạn như: Francois Xavier nghe được tiếng gọi khẩn cấp của dân Ðông Phương, hay Vincent de Paul nghe được tiếng gọi khẩn cấp nơi những người nghèo nằm ở vệ đường Paris. Hôm nay mẹ Têrêxa cũng nghe được tiếng gọi khẩn cấp của Ðức Kitô nơi những người nghèo hấp hối trên những đường phố Calcutta. Jean Vanier cũng nghe được tiếng gọi khẩn cấp của Ðức Kitô nơi những người nghèo, và vì thế ông sáng lập Communauté de L'arche. Những người ấy, sở dĩ đã nghe được tiếng gọi khẩn cấp của Ðức Kitô trong một số tình hình, chính vì họ có một nội tâm được thanh luyện. Chứ cảnh nghèo thì nó sờ sờ tại trước mắt, bao nhiêu là triệu người, nhưng chỉ có một số người nắm bắt được tiếng gọi khẩn cấp ấy.

Vì thế, khi tôi nghĩ rằng: Khi nói, “trở về với giới luật yêu thương để làm việc bác ái”, tôi không nên quên trở về với một nội tâm chấp nhận được thanh luyện.

Cũng tháng 5 vừa qua, tôi sang Lộ Ðức để cầu xin với Ðức Mẹ. Hôm đó trời mưa, tôi cầu nguyện trước hang đá Lộ Ðức. Dân chúng bắt đầu giải tán. Tôi còn đứng lại và đột nhiên, một người phụ nữ ẳm con đến bên tôi, nói nhỏ: “Xin bố thí cho tôi chút tiền để nuôi con”. Tự nhiên tôi mường tượng là Ðức Mẹ, qua hình người ăn mày đó đến với tôi, để dạy tôi rằng: Con đi vào đời sống nội tâm, nhưng con cũng đừng quên đi ra dấn thân cho kẻ nghèo. Ðấy là hai đường hướng của đời tu: Ði vào nội tâm, thanh luyện bằng lời cầu nguyện hy sinh, nhưng đừng quên đi ra, dấn thân giúp đỡ những người cùng khổ.

Việc sau cùng mà Chúa đưa tôi trở về, đó là trở về với Adong mới: Tôi trở về với chính Ðức Kitô.

Cũng khi còn nhỏ, và cả trong hai chủng viện tôi đã qua, tôi thích đọc truyện các thánh lắm, nhất là chuyện thánh Têrêxa, và tôi có lòng sùng kính Ðức Mẹ lắm. Nhưng dần dần, các vị ấy đưa tôi tới Ðức Kitô, rồi chính các Ngài lùi vào âm thầm, để Ðức Kitô trở thành trung tâm, như mặt trời, trong tâm khảm của tôi, trong đời sống của tôi. Bầu khí tâm linh của tôi lúc nào cũng chỉ còn là Ðức Kitô. Thao thức của Ðức Kitô, tâm tình của Ðức Kitô luôn luôn ở trong nội tâm của mình, để Ðức Kitô Kitô-hóa-tôi.

Trong chương trình Kitô-hóa-tôi, nếu phân tích, có ba việc này quan trọng, mà tôi tưởng trong nhà dòng, trong chủng viện, và cả những lớp huấn luyện tông đồ giáo dân cũng hay nhắc tới.

Việc thứ nhất để Kitô-hóa mình là biết đón nhận Ðức Kitô vào con người của mình, vào đời sống của mình, giữ Ngài lại trong mình, và sống thân mật với Ngài, như cành với cây.

Biết đón nhận Ðức Kitô, chúng ta cứ tưởng là phải vào nhà thờ, đọc kinh, viếng Mình Thánh, rước lễ, xưng tội. Ðúng, nhưng không phải chỉ có thế.

Ðức Kitô đến với chúng ta, nhiều khi qua những tuyến đường Ngài không báo trước:

Chẳng hạn như bây giờ đây, nếu chúng ta có con mắt đức tin, chúng ta sẽ nhìn xuyên qua hình ảnh của nhau, để nhìn thấy Ðức Kitô đang đến với lòng ta, đang thăm viếng ta, đang trao cho ta một số vốn thiêng liêng. Ăn thua là biết đón nhận Ngài. “Cha đứng ngoài cửa mà gõ, ai mở, Cha sẽ vào”.

Việc thứ hai trong chương trình Kitô-hóa là biết đón nhận kế hoạch cứu độ mà Ðức Kitô dành cho mỗi người chúng ta.

Chúng ta thường phổ-quát-hóa lịch sử cứu độ. Nhưng không đơn giản như vậy. Chúa cứu độ mỗi người bằng một kế hoạch riêng: Chúa có một kế hoạch riêng để cứu độ tôi. Tôi cần phải biết đón nhận trong một sự bén nhạy khôn ngoan của Phúc Âm. Và với sự cộng tác thường xuyên.

Cũng như hôm nay, tôi biết rằng kế hoạch cứu độ của Chúa dành cho tôi hôm nay, là đến thăm viếng anh chị em. Tôi làm. Ðó là kế hoạch của Ðức Kitô. Nhưng tôi cộng tác thế nào đây cho việc đó trở nên tốt nhất. Tôi phải suy nghĩ, phải cầu nguyện, phải đắn đo, chọn đề tài, chọn tư tưởng, bố trí. Tất cả những cái đó là cách để cộng tác vào kế hoạch cứu độ mà Ðức Kitô dành cho mỗi người chúng ta.

Việc sau cùng trong chương trình Kitô-hóa đó là đón nhận kế hoạch cứu độ mà Ðức Kitô dành cho nhân loại nói chung, và cho từng cộng đoàn và xã hội nói riêng trong từng thời điểm.

Tôi thí dụ, bây giờ chẳng hạn, Ðức Kitô có một kế hoạch cứu độ dân tộc Việt Nam. Ðức Kitô có một kế hoạch riêng, để cứu độ Giáo Hội Việt Nam, và trong Giáo Hội Việt Nam, Ðức Kitô có những kế hoạch riêng để cứu độ từng xứ một, từng dòng một. Tôi cần phải đón nhận kế hoạch cứu độ ấy, và cần phải cộng tác vào kế hoạch đó. Như vậy, mới là Kitô-hóa được. Nghĩa là hoàn toàn ở trong kế hoạch Ðức Kitô.

Anh chị em thân mến,

Tôi nói cũng khá dài rồi, tôi muốn kết.

Sáng nay, tôi mới nhìn lại một cuốn sách. Ðây là một cuốn sách mà một người bạn Pháp đã tặng tôi. Cuốn sách này nó chỉ lớn hơn cái đốt ngón tay cái. Nó có 82 trang, và gồm 17 điều, in rất rõ, in rất đẹp.

Ðây là một nội dung quan trọng mà tôi thường giữ trong mình. Khi nhìn cuốn sách nhỏ này, tôi nói với Chúa rằng: Chớ chi bản thân con, đời con, cũng chỉ là một cuốn sách nhỏ như thế này thôi. Và trong đó chỉ ghi có một lời vắn tắt “Hãy trở về”. Vắn tắt thế thôi. Và nếu được như vậy, thì đó là một hồng ân Chúa ban cho tôi.

Lúc nãy, khi tôi cầu nguyện, tôi nghe tiếng hát trên loa: “Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro, một mai người sẽ trở về bụi tro”. Hãy trở về. Tôi đã nhớ tới một ngày mình trở về bụi tro. Và tôi đã nhớ tới những người đã trở về bụi tro, trong đó có cha cố của cha Ðaminh, ông cố của cha Ðaminh, những thân nhân, những người đi trước đã trở về bụi tro, nhưng qua bụi tro ấy đã trở về Ðức Kitô. Tôi cũng cầu nguyện cho tất cả những người đã làm gương sáng về sự trở về, và cũng đang cầu nguyện cho chính tôi được sống ơn trở về.

Tôi nghĩ rằng: Trong một tiếng đồng hồ, khi tôi thuật lại những gì Chúa làm cho tôi, Chúa đã huấn luyện tôi, để tôi nên kẻ trở về, thì anh chị em cũng đã nhận thấy phần nào ơn gọi Chúa dành cho anh chị em biết sống ơn trở về.

Xin cám ơn anh chị em.

Lễ Ngân Khánh Cha Ðôminicô Trần-Xuân-Thảo,
giáo xứ Hà Nội ngày 11/5/1993