Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1992
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1993
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1994
 

Tuân Giữ Ðiều Chúa Dạy

Bài Phúc Âm hôm nay gồm toàn những lời tâm tình mà Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ của Người trong bữa Tiệc Ly.

Tôi có cảm tưởng là Chúa Giêsu không chỉ nói những lời ấy cho các môn đệ hôm đó, mà cũng muốn nói những lời ấy cho chúng ta hôm nay. Người đang nói riêng với tôi. Người đang nói riêng với từng người chúng ta. Trong những lời quí báu của bài Phúc Âm hôm nay, có một câu làm tôi suy nghĩ, câu đó là: “Nếu các con tuân giữ những điều Thầy dạy, thì các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy”.

Khi đọc câu đó xong, tôi đã hỏi Chúa Giêsu rằng: Lạy Chúa, thế nào là tuân giữ những điều Chúa dạy. Bởi vì thực sự, con không hiểu nó.

Tôi cầu nguyện và đột nhiên, Chúa trả lời cho tôi bằng sự gợi ý cho tôi tìm lại một đoạn văn mà Ðức Thánh Cha mới gửi cho Hội Thánh. Ðoạn văn ấy giải thích về sự cần phải tuân giữ những điều Chúa dạy.

Ðể tuân giữ những điều Chúa dạy, thì Ðức Thánh Cha nói cần 2 điều kiện sau đây:

Ðiều kiện thứ nhất là phải có thiện chí muốn những điều Chúa muốn.

Chúa muốn cho tôi làm việc gì, làm việc đó ở đâu, làm việc đó cách nào, thì tôi phải có thiện chí muốn đúng như vậy. Thí dụ: Thánh ý Chúa muốn hôm nay là tôi đến xứ đạo anh chị em. Và việc Chúa muốn tôi làm hôm nay ở đây là dâng thánh lễ, là giảng dạy. Và thánh ý Chúa muốn cho tôi làm việc đó một cách tốt nhất.

Tôi cần phải có thiện chí muốn đúng điều Chúa muốn, muốn đúng nơi Chúa muốn, muốn đúng cách Chúa muốn. Ðấy là điều kiện thứ nhất.

Ðiều kiện thứ hai là phải có khả năng thực hiện những điều Chúa muốn.

Chẳng hạn, để làm tốt điều Chúa muốn hôm nay, tôi cần phải chuẩn bị, cần phải suy nghĩ, cần phải sắp xếp, cần phải cầu nguyện, để cho việc dâng lễ, để cho bài giảng... tất cả những việc tôi làm được tốt hết sức, theo khả năng của mình và theo ý nguyện của Chúa.

Hai điều kiện trên đây làm sáng tỏ việc tuân giữ những điều Chúa dạy. Nhưng chúng ta biết rõ, để tuân giữ những điều Chúa dạy theo hai điều kiện ấy, thì không dễ dàng đâu.

Không phải tự nhiên mà chúng ta làm được những việc ấy. Không phải tự nhiên mà chúng ta có đủ thiện chí muốn đúng điều Chúa muốn. Bởi vì nhiều khi, Chúa muốn những điều ta tự nhiên không muốn. Cũng không phải tự nhiên chúng ta làm được những điều như Chúa muốn. Có nghĩa là, để có thiện chí muốn những điều Chúa muốn, để có khả năng làm tốt những điều Chúa muốn, thì cần phải được huấn luyện, cần phải được đào tạo.

Về điểm này, Ðức Thánh Cha đưa ra ba vấn đề cần phải huấn luyện:

Vấn đề thứ nhất là phải huấn luyện về đạo đức.

Huấn luyện về đạo đức là thế nào? Thưa vắn tắt là: Học giáo lý, học kinh, học cầu nguyện, học cách dâng lễ, học cách rước lễ, học cách từ bỏ mình, học cách dâng mình cho Chúa, học cách chấp nhận thánh ý Chúa. Cái quá trình đào tạo về mặt đạo đức như vậy, nó thúc đẩy chúng ta trở về với một lương tâm mới, lương tâm của người con Thiên Chúa và trở về với giới răn mới là giới luật yêu thương.

Rồi trở về với một mô hình mới, đó là Ðức Kitô có một cái nhìn mới, có một tâm hồn mới, để mình có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà Ðức Kitô sống trong tôi”. Vắn tắt, đó là huấn luyện về đạo đức.

Việc huấn luyện thứ hai Ðức Thánh Cha vừa nêu là phải huấn luyện về văn hoá.

Huấn luyện về văn hoá là gì? Thưa vắn tắt là đào tạo mình, để có những kiến thức rộng, kiến thức sâu về đạo, về đời, giúp cho mình có những khả năng phán đoán thông minh, có những lựa chọn khôn ngoan để chứng minh rằng: Người con Thiên Chúa là người con phát triển theo nhu cầu của con người văn hoá.

Việc thứ ba Ðức Thánh Cha gợi lên để huấn luyện, đó là huấn luyện nhân bản.

Huấn luyện nhân bản là gì? Thưa vắn tắt là rèn luyện mình để có tư cách, để có phẩm chất, làm sao cho bản thân mình được kính trọng, được đáng tin, được có một chỗ đứng trong cộng đồng xã hội, để có một giá trị phục vụ những người chung quanh.

Cách huấn luyện ba mặt trên đây: Ðạo đức, văn hoá, nhân bản, đều là những cách đòi hỏi nhiều thời gian và đòi hỏi nhiều kiên trì, nhất là trong thời điểm hôm nay.

Anh chị em thân mến, mấy tối vừa qua, tôi theo dõi cuộc đua xe đạp từ Hà Nội về thành phố Hồ Chí Minh. Tôi thấy các tay đua có những trình độ rất giỏi: Có người trình độ rất cao. Có người trình độ vừa phải. Có người trình độ hơi kém. Nhưng tất cả, những tay đua ấy đều đã được qua những trường huấn luyện.

Sự kiện trên đây gợi ý cho tôi nghĩ rằng: Tại Việt Nam hôm nay và sau này, cuộc sống sẽ là một cuộc chạy đua, cạnh tranh về ba mặt: Mặt đạo đức, mặt văn hoá, mặt nhân bản.

Người nào đã được đào luyện có trình độ, người đó sẽ thành công, và sẽ có khả năng xây dựng Hội Thánh, xây dựng hạnh phúc cho bản thân mình, cho con em, cho gia đình. Những ai không chuẩn bị, những ai không chịu huấn luyện đào tạo mình, những ai không đầu tư ngay từ bây giờ vào việc đào luyện văn hoá, đào luyện nhân bản, đào luyện đạo đức, thì tôi e rằng sau này những người ấy sẽ tự loại mình, và sẽ bị xã hội loại trừ.

Lúc nãy, tôi đến đây, tôi nhìn thoáng qua, bộ mặt vật chất và bộ mặt tinh thần của giáo xứ anh chị em. Tôi có cảm tưởng, đây là một trường huấn luyện, đây là một trường đào tạo về ba mặt: Ðạo đức, văn hoá và nhân bản. Tôi cũng đã nhận thấy những kết quả tương đối, và cũng đã nhìn thấy tương lai có hứa hẹn. Tôi mong rằng anh chị em hãy biết nhìn xa, hãy biết nghe tiếng Chúa gọi hôm nay: Vâng giữ Lời Chúa dạy bằng cách đào luyện mình, huấn luyện con em của mình về ba mặt, để có thể muốn những điều Chúa muốn.

Ðược như vậy, con em chúng ta và chính chúng ta sẽ được ở trong tình yêu của Ðức Kitô, như Lời Chúa hứa hôm nay.

Lạy Chúa Thánh Thần, Chúa sắp đến với chúng con, xin Chúa đổi mới tâm hồn chúng con, để chúng con nhìn thấy tiếng Chúa gọi trong hôm nay, biết chấp nhận những gì Chúa muốn nơi chúng con, cảm nghiệm những đau đớn Chúa gởi đến, để huấn luyện chúng con. Xin Chúa giúp đỡ chúng con, nhất là giúp con em chúng con, biết đi vào con đường huấn luyện của Chúa, để sau này, chúng con, con em chúng con, trở nên những người biết tuân giữ những điều Chúa dạy, hầu được ở mãi trong tình yêu của Chúa. Amen.

Lễ Thêm Sức, tại Kinh A1 ngày 13/5/1993