Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1986
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1987
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1988
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1989
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1990
 

Ăn Năn Hối Cải

Trong bài Phúc Âm hôm nay (CN 3C, Mùa chay), Chúa Giêsu nói tới một vấn đề rất quan trọng, đó là ăn năn hối cải. Chúa dùng những lời lẽ rất mạnh để khuyên răn sám hối. Ngài nói: "Nếu chúng con không ăn năn hối cải chúng con sẽ bị hủy diệt".

Khi đọc bài Phúc Âm này, tôi tự hỏi mình rằng: Chúa nói mạnh như thế đó, nhưng có phải vì thế mà mọi người nghe lời Chúa đều sẽ ăn năn sám hối không? Tôi phải thành thực trả lời là không. Ngay bây giờ, nếu tôi hỏi từng người anh em có mặt đây thử nói lại một vài ý của lời Chúa vừa nghe, thì chưa chắc gì nhiều người đã nói lại được. Có nghĩa là nhiều người chỉ nghe qua, chứ không quan tâm tiếp thu ý Chúa. Chỉ một chi tiết như vậy cũng đủ chứng tỏ rằng: Sự ăn năn hối cải, tuy là vấn đề rất quan trọng, nhưng không dễ thực hiện chút nào. Ðó là một kinh nghiệm mà mỗi người đều có thể thấy nơi gia đình mình, nơi tôn giáo mình, nơi thế hệ mình, nhất là nơi chính bản thân mình.

Chúng ta khó ăn năn hối cải lắm, vì rất nhiều lý do rất phức tạp. Ở đây, tôi chỉ đề cập tới một lý do này mà thôi, đó là sự khó khăn của nhận thức.

Khi nghe khuyên bảo: Phải ăn năn hối cải thì ai cũng tự suy nghĩ: Phải ăn năn cái gì, cái gì là cái mình phải sám hối, cụ thể cái gì là cái mình phải sửa lại.

Tất nhiên cái phải ăn năn, phải sám hối, phải sửa lại, chính là cái xấu, là tội lỗi, là điều sai trái. Thế nhưng điều cụ thể đó là tội. Nếu xấu thì xấu đối với ai, nếu sai trái thì sai trái tới mức độ nào. Ðó là những câu hỏi, mà các câu trả lời không luôn luôn có đủ sức thuyết phục.

Xưa kia, chính Chúa Giêsu là chân lý bằng xương bằng thịt, đã sống giữa dân Do Thái 33 năm, đã giảng dạy, đã làm bao phép lạ, nhưng kết quả thuyết phục của Ngài cũng rất giới hạn. Chỉ có một số nhỏ chịu suy nghĩ như Ngài. Còn phần đông, nhất là giới lãnh đạo tôn giáo thời đó vẫn khăng khăng cho những cái sai của mình là đúng, vẫn không ngừng chống đối Chúa Giêsu.

Cũng như ngày nay, các Giáo Hội cùng tôn thờ Thiên Chúa, như Chính Thống, Tin Lành, Anh Giáo, Công Giáo, vẫn tha thiết cầu xin ơn hiệp nhất. Nhưng đã mấy trăm năm rồi, bên nào cũng nhất định cho mình là phải, còn bên kia sai lầm. Nhận thức đúng sai đâu có dễ đâu!

Cách suy nghĩ và phán đoán của mỗi người, là cái gì rất thiêng liêng, chịu ảnh hưởng của tính tình, của tri thức và tiềm thức, của gia đình bè bạn, của nhà trường xã hội, của các niềm tin và các tình yêu, của nền văn minh và các biến cố đời sống. Nó phức tạp chứ không đơn giản. Thay đổi một nhận thức, một cách suy nghĩ, một cách phán đoán là cả một công trình khó khăn.

Những điều vắn tắt tôi nói trên đây cho ta thấy rằng: Nếu các chân lý đạo đức rất khó nhìn thấy rõ, bao người uy tín vẫn chưa nhất trí được với nhau trong các nhận định về đạo đức, thì điều chắc chắn và rõ rệt nhất ta cần phải nhận định, đó là bản thân ta phải rất khiêm tốn. Khiêm tốn với lương tâm mình, khiêm tốn với người khác, khiêm tốn đối với Chúa.

Tôi nghĩ khiêm tốn là nhận thức cần thiết nhất cho sự ăn năn sám hối. Bởi vì theo tôi, thì cốt yếu của sự ăn năn sám hối, mà Chúa kêu gọi, chính là sự trở về với những tình yêu cụ thể, đó là tình yêu Chúa, và tình yêu con người, chứ không phải cốt yếu là trở về với một cái gì trừu tượng lý thuyết, như lề luật và nguyên tắc. Mà để được Chúa thương để được con người thương, thì nhân tố có sức mạnh lôi kéo nhất chính là sự khiêm nhường.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin ban cho con ơn khiêm nhường, để dù với những lỗi lầm yếu đuối của con, con đáng được tiếp nhận tình thương bao dung của Chúa, cũng như tiếp nhận được tình thương rộng lượng của những người xung quanh.

Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa.

Lễ Thêm sức, Cần Thay ngày 02/3/1986