Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1986
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1987
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1988
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1989
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1990
 

Ðem Lại Niềm Vui

Tất cả chúng ta có mặt trong thánh lễ này đều đang hân hoan. Sự vui mừng của chúng ta phát xuất từ tâm tình tự nhiên, và cũng từ đức tin siêu nhiên. Có thể nói niềm vui của chúng ta lúc này vừa là một bông hoa nở tự tấm lòng, vừa là một hương thơm bay từ trời xuống. Tôi coi niềm vui như thế này là yếu tố bổ ích cho cuộc sống, nhất là khi cuộc sống đã trở thành nặng nề mệt mỏi. Hơn nữa, tạo cho mình và cho kẻ khác những niềm vui chính đáng, đó cũng là một cách sống đạo tốt, nhằm trình bày tính cách lạc quan của đức tin và niềm hy vọng vào hạnh phúc trường sinh trên trời.

Trong đức tin ta gắn bó một cách tuyệt đối và lạc quan vào Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Trong đức cậy, ta phó thác một cách tuyệt đối và lạc quan vào công nghiệp vô cùng của Chúa Giêsu là Ðấng cứu chuộc ta. Trong đức mến, ta chọn Chúa một cách tuyệt đối và lạc quan, vì Chúa là sự sống hoan lạc đời đời của ta. Khi quen sống đức tin, đức cậy, đức mến như vậy, ta sẽ thấy rằng những việc đạo đức bi quan ủ rũ, không những không thích hợp mà còn có hại nhiều mặt cho việc sống đạo và truyền đạo.

Tuy nhiên, không phải lúc nào ta cũng vui được và cũng được vui, cũng như không phải bất cứ cái gì vui cũng đều là tốt cả, cũng như không phải mọi cái vui của ta đều là cái vui thích hợp cho kẻ khác. Những điều ấy, thiết tưởng mọi người tế nhị nào cũng có thể thấy.

Ðiều tôi muốn nhấn mạnh ở đây hôm nay, là mỗi người chúng ta phải noi gương Ðức Mẹ cố gắng là nguyên do vui mừng cho những người chung quanh. Hội Thánh gọi Ðức Mẹ “là Mẹ nhân lành làm cho chúng con được sống được vui”. Quả thật, Ðức Mẹ đã là nguồn vui. Phúc Âm chỉ ghi lại một lần Ðức Mẹ đi thăm viếng bà Isave. Phúc Âm cũng chỉ ghi lại một lần Ðức Mẹ đã xin Chúa Giêsu làm phép lạ biến nước thành rượu cho một gia đình đang ăn cưới. Tất nhiên, những việc ấy đã đem lại những niềm vui lớn lao cho bao người. Nhưng theo tôi, Ðức Mẹ đã gây được niềm vui thường xuyên cho người khác, không do các việc Ðức Mẹ làm và các lời Ðức Mẹ nói, cho bằng chính con người dễ thương của Ðức Mẹ. Dù Ðức Mẹ không làm gì giúp đỡ được người khác, dù Ðức Mẹ không nói lời gì an ủi soi sáng cho ai, nhưng chính con người Ðức Mẹ với vô số những đức tính tốt tỏ ra qua nét mặt và thái độ sống, cũng đủ làm cho những người chung quanh cảm thấy có một cái gì dịu dàng tươi mát đến nâng tâm hồn mình lên. Hình như chỉ cần nhìn thấy Ðức Mẹ, chỉ cần gặp được Ðức Mẹ, người ta tự nhiên đã cảm thấy vui rồi, một niềm vui sâu lắng như loan báo có một sự sống vô cùng tốt đẹp, khác hẳn sự sống đời này.

Tất nhiên, anh chị em cũng như tôi, ai cũng rất muốn trở thành con người dễ thương như Ðức Mẹ. Nhưng muốn mà không được. Con người của Ðức Mẹ thì vẹn toàn mọi mặt, còn con người của ta thì bất toàn nhiều mặt: Hầu hết chúng ta cũng đã làm hết sức mình để nên tốt hơn. Nhưng thực tế cho thấy, nhiều khi cái xấu này của ta chưa dứt hẳn thì những dại dột, vụng về, yếu đuối khác lại nảy sinh trong ta, đến nỗi không lúc nào ta bước ra được khỏi chỗ đứng của người phải sám hối: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”.

Nhưng cái thái độ khiêm tốn biết mình như thế lại là một vẻ đẹp dễ thương, dễ mến. Sự khiêm tốn tự hạ không những làm vui lòng Chúa, mà cũng là cách thành công nhất trong mục đích làm vui lòng hết mọi người vì động lực đức ái Phúc Âm. Theo tôi, thì đó là một dấu chỉ của sự trưởng thành nội tâm, và cũng là cách hữu hiệu nhất đem lại niềm vui êm đềm trong trẻo cho chính bản thân mình.

Xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta biết sống đạo một cách lạc quan vui vẻ.

Lễ Thêm sức, Thanh Hải kinh D2 ngày 22/8/1987