Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1986
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1987
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1988
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1989
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1990
 

Sống Ðúng Tính Người

Họ đạo chúng ta đây là một cộng đoàn nghèo. Nhà thờ nghèo, nhà cha nghèo, đa số giáo dân là nghèo. Chữ nghèo ở đây nên viết hoa, để chỉ một thứ nghèo loại lớn.

Cảnh nghèo thường gây nên nhiều thua thiệt. Nhưng chúng ta biết điều này là: Thói đời hay đánh giá con người theo tiêu chuẩn giàu nghèo, còn Chúa đánh giá con người theo tiêu chuẩn thực chất con người. Thực chất con người là sống đúng tính người, sống đúng ơn kêu gọi làm người, đó là sống sự sống Thiên Chúa là tình yêu thương.

Người này kẻ nọ có đúng thương người hay không: đó là tiêu chuẩn Chúa căn cứ vào để đánh giá một người xem họ có sống đúng với tình người hay không, để rồi cũng theo đó mà thưởng phạt.

Chúa Giêsu đã nhắc đi nhắc lại điều đó. Trong bài giảng về ngày phán xét, Chúa cho thấy kẻ thương người sẽ được thưởng, kẻ không thương người sẽ bị phạt. Trong chuyện người phú hộ và người ăn mày Lagiarô, Chúa cho thấy người ăn mày Lagiarô được lên thiên đàng vì đã có lòng khiêm tốn nhẫn nhục, trân trọng đối với người khác, còn người phú hộ bị ném vào hoả ngục, vì đã có những thái độ dửng dưng khinh miệt kẻ bệnh tật túng nghèo. Trong dụ ngôn người bị kẻ cướp đánh nằm ở vệ đường, Chúa khen người ngoại giáo đã xuống ngựa chăm sóc người bất hạnh, và Chúa kết án những người có tiếng đạo đức đã làm ngơ trước cảnh rủi ro của người khác.

Tôi nghĩ rằng: Chúa cũng đã căn cứ vào tiêu chuẩn thương người để đánh giá Ðức Mẹ, và do đó đã thưởng công vô cùng cho Ðức Mẹ. Ðọc chuyện Ðức Mẹ, tôi không hề thấy Ðức Mẹ đã có lần nào nghĩ xấu cho ai, nói xấu về ai, giận ghét ghen tương ai. Trái lại, Ðức Mẹ đã hết sức khiêm tốn nhịn nhục, tha thứ, tích cực giúp đỡ an ủi mọi người chung quanh, và luôn lo cho phần rỗi mọi người, mọi nơi.

Những điều tôi vừa nhắc lại, có thể gọi là Tin Mừng của người nghèo. Bởi vì, đó là hy vọng vô cùng lớn lao cho người nghèo. Có nghĩa là bất cứ người nghèo nào cũng có thể được chia sẻ sự sống Thiên Chúa, nếu họ cố gắng sống tính người, là có lòng thương yêu chân thành quảng đại.

Tôi vừa nói hai chữ “cố gắng” có nghĩa là sống đúng với tính người không phải là việc dễ đâu, sống trọn tình người là sống trọn tính người.

Tuy nhiên, bất cứ cố gắng nhỏ bé nào của người nghèo để thực thi ý Chúa, đều được Chúa kể là có giá trị lớn. Chỉ cần điều này là luôn luôn có thiện chí.

Ở đây, tôi phải nói lên một sự thực này là chính cảnh nghèo của họ đạo cầu số Tư, xã Vĩnh Bình này hôm nay đang dạy cho tôi nhiều bài học bổ ích về thiện chí và về tình người. Tôi tin rằng anh chị em rất đáng được Chúa thương yêu, rất đáng được Ðức Mẹ ủi an, che chở giữ gìn. Tôi tha thiết xin Chúa Thánh Thần thêm sức cho anh chị em và cho chính mình tôi, để chúng ta sống trọn Phúc Âm của người nghèo.

Lễ Thêm sức, cầu số Tư ngày 16/8/1987