Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1986
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1987
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1988
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1989
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1990
 

Kẻ Không Nhà

Ðối với tôi, hình ảnh xúc động nhất của Chúa Giêsu giáng sinh nằm trong hang đá là hình ảnh một kẻ không nhà.

Cái hang đá giữa cánh đồng đó không thể gọi được là căn nhà. Nó cũng không ở trên đất của gia đình Ðức Mẹ và thánh Giuse, nghĩa là nó không phải là của nhà. Nó không là thổ cư. Nó ở xa nhà. Nó không phải là chỗ ở của con người. Thế mà Chúa Giêsu đã chọn ngã đó để đi vào đời.

Chúa Giêsu nằm trong máng cỏ là hình ảnh của những kẻ không có địa chỉ, nếu không muốn gọi địa chỉ của họ là gầm cầu, ven đường, xó chợ.

Hang đá Bêlem cũng gợi nhớ tới những căn nhà không đáng gọi là nhà, bởi vì thiếu những điều kiện an toàn và vệ sinh tối thiểu.

Chúa Giêsu sinh ra trong hang đá giữa cánh đồng cô quạnh còn là hình ảnh của những kẻ bị chối từ không được vào nhà, nhưng sau cùng đã gặp được những tấm lòng tốt như những người chăn chiên trên cánh đồng Bêlem đêm Noel. Tình người và niềm tin chân thành của các mục tử ấy cùng với tình thương và niềm tin của Ðức Mẹ và thánh Giuse đã trở thành căn nhà vô hình ấm áp cho Chúa Giêsu. Ðang khi đó, chính tình yêu và niềm tinh của Chúa Cứu Thế dành cho Thiên Chúa Cha và nhân loại cũng đã là một căn nhà ổn định cho lẽ sống của con người ngay từ giây phút đầu tiên.

Hình ảnh Chúa Giêsu trong hang đá Bêlem như tôi vừa thấy đã giúp tôi để ý đến sự thực này: Có những người dù ở trong những căn nhà vật chất đầy đủ vững chắc, nhưng vẫn cảm thấy lạnh lẽo bơ vơ bất ổn như kẻ không nhà. Ðang khi đó, có những người, dù phải sống trong những điều kiện vật chất rất thiếu thốn của kẻ không nhà, nhưng lại cảm được một sự thanh thản bình an, ổn định trong tâm hồn, như thể họ ở trong một căn nhà vô hình rất vững, rất đẹp nào đó, luôn che chở họ và làm cho đời họ tươi mát.

Theo tôi, căn nhà vô hình như thế chính là lòng tốt của mình, là lòng tốt của người khác, là lòng tốt của Thiên Chúa.

Ðể tấm lòng mình trở thành căn nhà ổn định tươi mát cho mình, nó cần phải thực sự sống mạnh mẽ với nhiều tình thương và niềm tin.

Lương thực tự nhiên của lòng ta là tình thương. Nên bất cứ một sự ghen ghét hận thù nào ta để trong lòng cũng đều sẽ sản sinh ra bóng tối và khí độc làm hại tâm hồn ta.

Lòng ta là một dòng sức sống không ngừng khao khát vươn lên những giá trị cao hơn chính con người. Nên bất cứ một sự hẹp hòi ích kỷ ti tiện nào ta nuôi trong lòng cũng sẽ kéo căn nhà lòng ta xuống thấp và nhỏ bé lại.

Lòng ta là một động lực cho hành trình cuộc sống đi về một cùng đích hứa hẹn hạnh phúc siêu việt trường tồn. Vì thế, bất cứ một sự sụp đổ nào của niềm tin vào các hứa hẹn nâng đỡ cuộc đời cũng sẽ làm cho căn nhà tâm hồn trở thành bất ổn vì chuyến đi cuộc đời phải mất phương hướng.

Căn nhà tâm hồn là nơi đón tiếp để lãnh nhận và để cho đi. Nó sống với nhiều liên hệ. Nó sống cho nhiều liên hệ. Nếu những liên hệ ấy có sự êm đềm của tình thương, có sự vươn lên của tinh thần quảng đại, có niềm tin vào những lý tưởng cao đẹp và những trái tim đáng tin đáng mến, thì một căn nhà tấm lòng đã vững sẽ càng thêm vững, hoặc nếu tự mình chưa vững thì sẽ được giúp cho vững.

Thực là buồn, nếu một người sống mà không có căn nhà vật chất tương đối tốt để ở.

Thực là buồn, nếu một người sống giữa bao người lại không gặp được những tấm lòng tốt che chở họ như một căn nhà tình nghĩa.

Thực là buồn, nếu lòng ta do thiếu những vẻ đẹp cần thiết đã không thể trở thành căn nhà tinh thần cho những người dù dễ tính nhất.

Thực là buồn, nếu chính tâm hồn của mình cũng không trở thành căn nhà ổn định tươi mát cho chính bản thân con người của mình.

Thời Chúa Giêsu giáng sinh, tình trạng kẻ không nhà đã là một vấn đề. Qua gần 20 thế kỷ, tình hình những kẻ không nhà vẫn còn là một vấn đề rất lớn. Do đó, Liên-Hiệp-Quốc đã đặt tên cho năm 1987 này là năm quốc tế lo cho những kẻ không nhà. Một tổ chức quốc tế của Liên-Hiệp-Quốc lo cho vấn đề này đã được thành lập, đặt trụ sở tại Nairobi nước Kenya. Theo ước lượng của tổ chức quốc tế này, thì hiện nay trên thế giới có khoảng một trăm triệu người không có nhà ở. Nhà ở nói đây là nhà ở vật chất. Chứ hiểu theo những ý nghĩa mà tôi vừa gợi ý, thì số người không nhà trên thế giới hiện nay có thể sẽ là một con số khủng khiếp, làm cho lương tâm mọi người thiện chí phải ray rứt.

Vấn đề kẻ không nhà mà Chúa Giêsu giáng sinh trong hang đá Bêlem đã gợi lên, đòi chúng ta phải suy nghĩ thêm về các trách nhiệm trong việc giải quyết vấn đề này. Trách nhiệm đó bao trùm từ cá nhân đến tập thể xóm làng, địa phương, quốc gia và quốc tế. Thiết tưởng cá nhân mỗi người chúng ta, ai cũng có trách nhiệm và cũng có khả năng phần nào kiến tạo căn nhà cho chính mình và cho những người chung quanh. Nếu chưa có được những căn nhà vật chất tốt, thì ít ra cũng phải cố gắng, có được những căn nhà tinh thần tương đối khả quan.

Tôi nghĩ rằng, ý thức được trách nhiệm trước vấn đề kẻ không nhà và cố gắng góp phần giải quyết trách nhiệm đó chính là một cách thiết thực và thích hợp để mừng lễ Chúa Cứu Thế giáng sinh trong năm 1987 là năm quốc tế lo cho kẻ không nhà. Amen.

Lễ Giáng Sinh, Long Xuyên ngày 25/12/1987