Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1986
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1987
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1988
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1989
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1990
 

Quảng Ðại

Trên đường từ nhà xứ Thánh Gia kênh 7 đến đây, đò của tôi đã dừng lại 2 nhà thờ họ nhánh. Tại mỗi nơi tôi ghé lại, các cha, các nam nữ tu sĩ và giáo dân già trẻ đều tỏ ra hết sức hân hoan. Ai cũng muốn tôi nán lại lâu hơn chút. Chính tôi cũng rất muốn kéo dài thêm thời gian thăm hỏi. Nhưng rồi, ai cũng nhìn xa hơn, để thấy không nên vì mình mà những nơi khác bị thiệt, ai cũng biết đặt lợi ích chung trên lợi ích riêng. Nhờ đó mà thánh lễ tại đây đang được diễn tiến đúng chương trình qui định một cách trang nghiêm sốt sắng.

Sự kiện trên đây là một dấu chỉ tốt của sự trưởng thành trong nếp sống đạo. Nó cho thấy tình mến Chúa yêu người tại địa phương này đang trên đà phát triển đúng hướng.

Tình yêu nào cũng có lúc giằng co giữa cái lợi của riêng mình và cái lợi của kẻ khác. Ðể giải quyết một cách hợp lý, thì cần nhìn lên những lợi ích cao hơn, đó là lợi ích của Chúa, của Hội Thánh, của địa phận, của xã hội, của chung Ðất Nước. Lợi ích chung và cao đó không phải chỉ là lợi ích vắn vỏi của ngày hôm nay, mà là lợi ích lâu dài của những năm tháng sau này của một tương lai xa.

Lợi ích chung và cao đó không phải là khó nhận ra, nếu chúng ta thực sự có lòng khiêm tốn và thực sự có lòng mến Chúa thương người. Nếu chúng ta quá quan-trọng-hoá chính mình, thì cái tôi quá lớn của ta sẽ làm ta mù quáng, thấy một mà chẳng thấy mười, để rồi cái lợi mà mình tưởng nắm được riêng cho mình cũng bị tiêu tan.

Tôi nghĩ là bản năng hầu hết chúng ta không tự nhiên quảng đại, không tự nhiên dễ dàng nhận ra đúng tầm quan trọng của lợi ích chung, và nhất là không tự nhiên sẵn sàng đặt lợi ích riêng trong lợi ích chung. Quảng đại là một nhân đức, mà nhân đức là một thói quen, phải tập đi tập lại mới thành.

Mỗi ngày có vô số việc Chúa kêu gọi ta quảng đại. Thí dụ, trường hợp những đụng chạm, Chúa thúc giục lòng ta: Con hãy nhịn nhục. Nếu ta biết noi gương Ðức Mẹ mà nói lời “Xin Vâng”, rồi ráng sống lời “Xin Vâng” ấy, thì lòng ta sẽ thêm quảng đại, và Chúa sẽ thương chúng ta nhiều lắm. Trường hợp khác, có những cám dỗ kéo ta bám vào những thói tục hủ lậu, lỗi thời, đã trở thành tệ đoan xã hội, Chúa thúc giục lòng ta: Con đừng cố bám vào những cái có hại cho con, cho con cháu con, cho họ đạo con, cho Ðất Nước con. Nếu ta biết noi gương Ðức Mẹ mà nói lời “Xin Vâng”, rồi cố gắng thực hiện lời “Xin Vâng” ấy, thì lòng ta sẽ thêm quảng đại, và Chúa sẽ thương chúng ta nhiều lắm. Trường hợp khác, có những bất đồng ý kiến và tranh chấp quyền lợi, Chúa kêu gọi ta: Con hãy hết sức ăn ở hiền lành, khiêm nhường, rồi con sẽ thấy sự hợp nhất xuất phát từ đó. Nếu ta biết noi gương Ðức Mẹ mà nói lời “Xin Vâng”, rồi thực tình sống đúng lời Xin Vâng ấy, thì lòng ta sẽ thêm quảng đại và Chúa sẽ thương ta nhiều lắm.

Ðược Chúa yêu thương, đó là một hạnh phúc cao quí, giá trị vô cùng. Trong mỗi ngày có rất nhiều dịp để ta nói với Chúa những lời “Xin Vâng” nho nhỏ, những lời “Xin Vâng” nho nhỏ ấy có thể coi như những đồng tiền nhỏ. Nhưng nếu ta có được những đồng tiền nhỏ như vậy, Chúa sẽ ban cho ta những phần thưởng lớn gấp bội, có lợi rất lớn cho ta, đời này và đời sau vô cùng.

Tôi hy vọng anh chị em hiểu lời tôi, và sẽ thực hiện lời tôi. Anh chị em quá biết: Tôi chỉ chuyển đạt ý Chúa mà thôi.

Lễ Thêm sức, tại Kênh 8b ngày 8/6/1987