Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1986
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1987
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1988
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1989
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1990
 

Sống Tích Cực
Với Lịch Sử Hôm Nay

Theo bài Phúc Âm hôm nay (CN 3 PS/A), thì hai môn đệ Chúa từ Giêrusalem trở về Emmaus đã nói chuyện dài với nhau về cái chết của Chúa Giêsu. Cái chết của Chúa Giêsu là một biến cố mới xảy ra. Nó đụng mạnh vào lịch sử đương thời của đạo lúc ấy. Hai người hành hương kia biết biến cố đó. Họ không dửng dưng. Trái lại, họ sống mãnh liệt với biến cố đó của lịch sử. Họ suy nghĩ, họ đặt câu hỏi, họ tìm hiểu dưới ánh sáng lời Chúa. Họ thực sự thao thức dưới những vấn đề mà biến cố lịch sử đặt ra. Họ thực sự chia sẻ tâm tư của dân tộc họ và tôn giáo họ. Chính khi họ đang đi trong hoàn cảnh như thế thì Chúa Giêsu đã đến với họ, để đồng hành với họ, để chia sẻ với họ, để soi sáng cho họ.

Từ cái nội dung trên đây của Phúc Âm, tôi rút ra bài học này: Người môn đệ Chúa cần phải biết sống tích cực với lịch sử hôm nay của Ðất Nước và của Hội Thánh. Ðồng thời, họ rất cần mời Chúa Giêsu cùng đi với mình trong hành trình tâm hồn đầy những thao thức triền miên.

Tôi vừa nói đến bổn phận phải sống với lịch sử hôm nay. Lịch sử hôm nay là những gì đang xảy ra cho Ðạo, cho Ðời, ngay trước mắt ta, ngay tại Ðất Nước và địa phương ta, ngay trong những năm tháng ta hiện sống. Thí dụ hiện tình có vô số những người nghèo túng, thiếu dinh dưỡng, thiếu văn hoá, thiếu lương tâm, thiếu niềm tin. Nếu ta dửng dưng với những hiện tình này, coi mình như không có trách nhiệm gì, hoặc nếu ta chỉ biết than trách, chỉ trích, đổ lỗi cho người khác, thì đó không phải là thái độ đúng đắn của người môn đệ Chúa. Người môn đệ Chúa phải có tinh thần của Chúa Cứu Thế, một tinh thần hiệp thông, một tinh thần chia sẻ, một tinh thần cứu độ, quảng đại biết sống cho người khác, cho lợi ích chung. Có nghĩa là người môn đệ Chúa phải sống tích cực với những vấn đề lịch sử đương thời, tích cực với những thao thức, và với những cống hiến thiết thực, hợp thời và có hiệu năng.

Muốn được như vậy, tôi vẫn nghĩ rằng: Người có đức tin nên mời Chúa đồng hành với mình trong mọi suy nghĩ giải quyết. Bài Phúc Âm hôm nay cho thấy: Nhờ có Chúa Giêsu đồng hành với mình, mà hai môn đệ kia đã nhận ra sự khôn ngoan tuyệt vời của Thánh giá. Thánh giá là sự khiêm tốn, là sự tự hạ, là sự quên mình. Thánh giá là sự quảng đại, là bác ái yêu thương. Ðó là chìa khoá mở cửa phục sinh cứu độ. Chúa phán: “Ðức Kitô phải chịu đau khổ rồi mới được vinh quang”. Tôi coi lời Chúa dạy trên đây là một chân lý của mọi phát triển. Chấp nhận cái đau, cái khổ ở đây không phải là đề cao ý chí kiên cường, đề cao cái dũng mà chủ nghĩa duy ý chí thường làm, nhưng là khiêm tốn nhận biết con người của mình có rất nhiều giới hạn, nên cần phải luôn tìm tòi, học hỏi và nhờ đến sự giúp đỡ đa dạng của kẻ khác, nhất là của Ðấng thiêng liêng đời đời hằng sống, trong những vấn đề vượt ngoài thẩm quyền khoa học. Việc làm như thế là việc làm vừa có cái dũng, vừa có cái trí, và vừa có đạo đức.

Lễ Thêm Sức hôm nay cũng là một biến cố nhỏ của lịch sử họ đạo. Tôi xin mỗi người trong họ đạo hãy tự hỏi mình xem: Tôi có biết sống tích cực với lịch sử này không. Tôi có thực sự đồng hành với Chúa trong những thăng trầm của địa phận và của địa phương không?. Hãy tự hỏi và tự phê phán mình trước mặt Chúa.

Xin Chúa Thánh Thần giúp ta tìm thấy ý Chúa và làm theo ý Chúa. Amen.

Lễ Thêm Sức, Long Xuyên ngày 3/5/1987