Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1986
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1987
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1988
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1989
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1990
 

Mẹ Hằng Cứu Giúp

Mỗi khi xe tôi chạy qua đây, bao giờ tôi cũng nhìn vào nhà thờ Láng Sen này. Và một điều tất nhiên phải có, đó là cái nhìn của tôi gặp thấy tượng Ðức Mẹ nhân từ đứng đợi trước nhà thờ. Hình tượng vốn là hình tượng. Nhưng khi mắt tôi nhìn hình tượng Ðức Mẹ, thì tâm trí tôi không dừng lại ở hình tượng, mà nghĩ ngay đến chính Ðức Mẹ đang có mặt một cách thiêng liêng gần cạnh tôi. Tôi chào Người. Tôi tâm sự với Người. Tôi cầu nguyện và ý thức mạnh mẽ mình đang sống trong tình thương của Người.

Tôi nghĩ rằng: Chắc chắn anh chị em ở đây quen cầu nguyện với Ðức Mẹ bằng những tâm tình cậy trông khẩn khoản của người con luôn nhìn Ðức Mẹ là Mẹ Hằng Cứu Giúp, như hàng chữ đã ghi đậm nét dưới tượng Ðức Mẹ ngoài kia. Vì thế, hôm nay tôi muốn chia sẻ với anh chị em đôi chút kinh nghiệm về Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Thú thực là không phải hễ lần nào tôi đến với Ðức Mẹ tôi cũng cầu xin ơn này ơn nọ. Nhưng cũng không phải là tôi ít cầu xin sự giúp đỡ của Ðức Mẹ. Phải nói là tôi đã cầu xin nhiều lắm, và tôi đã được ơn nhiều lắm. Trong khi tôi quan tâm đến Ðức Mẹ như vậy, dần dần tôi đã nhận ra một điều lạ, đó là chính Ðức Mẹ đã nhiều lần ngỏ ý muốn tôi giúp Ðức Mẹ việc này việc nọ. Ðúng ra thì Ðức Mẹ luôn luôn phải là người đứng ở địa vị ban ơn giúp đỡ. Còn chúng ta luôn luôn phải đứng ở địa vị những người cầu xin giúp đỡ. Thế mà, không thiếu trường hợp chính Ðức Mẹ lại ngỏ ý muốn ta giúp Ðức Mẹ. Cho nên tôi gọi điều đó là điều lạ.

Tôi vừa nói là không thiếu trường hợp chính Ðức Mẹ ngỏ ý muốn ta giúp Ðức Mẹ. Bởi vì, những trường hợp như vậy đã thực sự xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Thí dụ: Có khi Ðức Mẹ thúc giục ta thay Ðức Mẹ đến an ủi một người đang cơn đau khổ. Thí dụ có khi Ðức Mẹ ban cho ta một sự may mắn tinh thần vật chất nào đó, rồi soi sáng lòng ta hãy thay Ðức Mẹ dùng sự may mắn đó mà giúp đỡ người này người nọ đang cơn khốn khó. Thí dụ, có khi Ðức Mẹ sắp xếp đun đẩy ta đến một ngành nghề, một chức vụ, một công tác, rồi gợi cho ta hãy thay Ðức Mẹ mà đem Tin Mừng cứu độ vào những môi trường ấy. Những trường hợp đó, tôi gọi là những trường hợp Ðức Mẹ ngỏ ý muốn ta giúp đỡ Ðức Mẹ. Khi ta giúp đỡ Ðức Mẹ như thế, chính là lúc ta được Ðức Mẹ giúp, để ta nên người tốt, có công đáng thưởng.

Ai trong chúng ta cũng có những kinh nghiệm tương tự. Chẳng hạn, người mẹ bảo đứa con nhỏ của mình: Con cầm cái kia lại đây giùm mẹ. Con cầm tờ giấy bạc này đưa cho người ăn mày ngồi đó giúp mẹ. Con mang tấm bánh này lại cho bà ngoại giùm mẹ. Khi người mẹ bảo con mình hãy làm những việc đó giúp mẹ, không phải vì người mẹ không thể trực tiếp làm những việc ấy, nhưng chính là để khi con mình làm những việc ấy, con mình sẽ tập luyện đức hiếu thảo, đức vâng lời, đức thương yêu. Chính khi con giúp mẹ những việc nhỏ là lúc mẹ giúp con những việc lớn, nghĩa là giúp con nên người có đức hạnh, dễ thương trước mặt Chúa và trước mặt người ta.

Ðến đây, chúng ta đã thấy có một sợi giây liên hệ giữa sự Ðức Mẹ giúp ta và sự ta giúp Ðức Mẹ. Ðiều mà ta rút ra ở đây như một kết luận thực hành, đó là từ nay ta sẽ coi sự ta giúp Ðức Mẹ là một ân huệ, là một vinh dự và cũng là một cách đặc biệt Ðức Mẹ giúp ta. Ta nên nhớ rằng: Bất cứ một việc bác ái nào ta làm cho người khác, cho họ đạo, cho giáo phận, đều là việc ta giúp cho Ðức Mẹ. Ðức Mẹ sẽ không bỏ sót một việc nào như thế của ta, nhất là những khi ta chịu đau đớn giúp cho Ðức Mẹ.

Ta cầu xin Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp với một tâm tình như vậy, ta sẽ gặp được Ðức Mẹ, và ta sẽ cảm nghiệm được một sự sống mới tràn sâu vào tâm hồn ta, giúp ta tin mến Chúa trên hết mọi sự và thương yêu mọi người như Chúa thương ta.

Xin Chúa Thánh Thần ban cho mọi người chúng ta sự sống của Thiên Chúa, để ta biết thế nào là thương yêu, là giúp đỡ. Amen.

Lễ Thêm sức, Láng Sen ngày 23/8/1987