Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1986
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1987
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1988
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1989
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1990
 

Linh Mục Việt Nam Hôm Nay

Thánh lễ hôm nay tưởng nhớ đến việc lập chức linh mục. Dịp này, tôi nhớ đến những linh mục đầu tiên xưa là các tông đồ, rồi tôi nhìn các linh mục Việt Nam hôm nay. Tôi thấy giữa hai thế hệ có một khoảng cách bao la về thời gian và không gian. Có nhiều điều khác nhau lắm, nhưng cũng có nhiều điều giống hệt như nhau. Ở đây, tôi muốn nêu lên vài điểm trong số những điểm giống nhau đó.

 Ðiểm thứ nhất là nhiều linh mục Việt Nam hôm nay cũng như các linh mục đầu tiên xưa đều cố gắng sống quảng đại sứ mạng kẻ được sai đi

Ðược sai đi không phải một lần, mà là nhiều lần. Kẻ sẵn sàng để được sai đi phải sẵn sàng từ bỏ những cuộc sống đã quen, để đi đến với những cuộc sống chưa quen, phải sẵn sàng từ bỏ những cuộc sống ổn định để bước vào những cuộc sống không ổn định, để rồi trong sự thay đổi như thế, kẻ được sai đi có thể nói một cách chắc chắn rằng: Ðúng thực có Chúa ở với tôi, trong mọi hoàn cảnh, mặc dầu nhiều khi tôi không nhận ra Ngài.

Nhiều khi không nhận ra Chúa, có nghĩa là đã có những lúc cô đơn tăm tối, đã có những lúc lo âu sự sệt, đã có những lúc ray rức giày vò. Cũng như hoàn cảnh thánh Phêrô buồn phiền lủi thủi trốn ra khỏi thành Rôma, cũng như hoàn cảnh của thánh Phaolô ngao ngán muốn được trút khỏi thân phận yếu đuối lênh đênh chìm nổi.

Nhưng dù được sai đến những hoàn cảnh như thế, kẻ được sai đi vốn phấn đấu để trung thành gắn bó với Ðấng đã sai mình. Ðó là một sự hiệp thông có giá trị cứu rỗi mà linh mục xưa và nay đều cố gắng thực hiện.

 Ðiểm thứ hai là nhiều linh mục Việt Nam hôm nay cũng như các linh mục đầu tiên đều cố gắng xây dựng một Giáo Hội tiên tri hơn là một Giáo Hội quyền lực

Giáo Hội quyền lực được nhận ra nhờ những cơ chế vững mạnh. Còn Giáo Hội tiên tri được nhận ra nhờ tinh thần yêu thương huynh đệ chân thành thắm thiết. Tinh thần yêu thương này là dấu chỉ cuộc sống đời sau trên thiên đàng. Ðó cũng là đặc điểm mà Chúa Giêsu dạy sẽ căn cứ vào để nhìn nhận ai là môn đệ của Người: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy là chúng con yêu thương nhau”. Yêu thương nói đây, không chỉ hiểu đơn thuần là bác ái cho đi, mà còn là khiêm tốn đón nhận bất cứ sự gì là tốt lành, không phân biệt những giá trị ấy phát xuất từ tín ngưỡng hay không tín ngưỡng, do đạo mình hay đạo khác.

Tình thương yêu như thế tất nhiên sẽ cởi mở và thích ứng sát với hiện thực cuộc sống. Vì thế, nhiều linh mục Việt Nam hôm nay muốn mình là người Samaritanô tốt lành trong dụ ngôn Phúc Âm, dám dừng lại lo cho một người lạ bị rủi ro bên đường, hơn là người thầy cả đạo cũ trong dụ ngôn đó, nghiêm trang lo đi thẳng nhìn thẳng, đúng hình thức luật đạo đức bề ngoài. Cũng nhờ đó mà Giáo Hội sẽ là một biển cả hiệp thông sống động, hơn là một núi đá, với khuôn khổ cứng đờ.

Phải nói thật rằng: Ðiều tôi vừa phát hoạ hiện nay chưa lan rộng đều khắp. Nhưng chắc chắn rồi đây sẽ thực hiện, vì sứ mạng hiệp thông của Giáo Hội chính là một đặc tính rất quan trọng, rất căn bản cho Giáo Hội, mà thần học sau Công đồng Vatican II đã phát huy, để đưa Giáo Hội về với chính mình.

 Ðiểm thứ ba là nhiều linh mục Việt Nam hôm nay cũng như các linh mục đầu tiên xưa, đều cố gắng đổi mới và góp phần đổi mới Giáo Hội của mình

Ðổi mới khởi đi từ nhận thức khiêm tốn chân thành về mình, và về Giáo Hội mình. Bản thân mình vốn là kẻ yếu đuối, ngày nào cũng đọc kinh Cáo Mình: “Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót”. Còn Giáo Hội mình, tuy có nhiều ánh sáng, nhưng cũng có nhiều bóng tối. Phải đổi mới lại, không phải chỉ một lần, mà là từng ngày. Bằng sự thống hối, bằng sự khiêm tốn lắng nghe Lời Chúa, bằng sự hiệp thông với ơn Chúa Thánh Thần.

Ðổi mới không phải chỉ là xa lìa tội lỗi mà còn là thích ứng một cách nhạy bén và đúng đắn với giòng lịch sử mỗi ngày mỗi chuyển biến phức tạp và mau lẹ. Các tông đồ xưa đã làm việc đó. Nhiều linh mục Việt Nam hôm nay cũng đang tích cực làm việc đó.

Anh chị em thân mến,

Giờ đây, tôi sẽ làm phép các dầu mà linh mục sẽ dùng trong nhiều bí tích. Xin anh chị em hiệp ý với tôi cầu nguyện cho mọi người sẽ lãnh nhận các dầu này. Cách riêng ta cầu nguyện cho các linh mục. Cũng như tinh dầu, tuy lượng rất nhỏ, nhưng công dụng lớn, thì các linh mục, tuy số lượng nhỏ, nhưng hy vọng sẽ là những người có ích rất nhiều cho đạo, cho đời, cho nội bộ Giáo Hội cũng như cho Tổ Quốc thân yêu.

Lạy Chúa, con tin cậy ở Chúa. Xin Chúa luôn ở với các linh mục của chúng con. Amen.

Lễ Truyền Dầu, Long Xuyên ngày 5/4/1987