Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1986
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1987
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1988
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1989
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1990
 

Khôn Ngoan Trong Việc Ðổi Mới

Sáng nay, khi làm lễ ở nhà thờ Trảng Tranh này, tôi rất vui mừng và hy vọng, tôi nhận thấy toàn thể họ đạo từ chiều qua tới giờ rất hớn hở hân hoan. Ngoài nguồn vui của lễ Thêm Sức, chúng ta còn có những niềm vui lớn khác, đó là niềm vui của lễ khánh thành nhà thờ mới này, niềm vui của lễ trọng kính Chúa Thánh Thần hiện xuống, và niềm vui của ngày khai mạc năm kính Ðức Mẹ.

Niềm vui là một khích lệ, nhất là khi những niềm vui ấy lại có liên hệ đến Chúa và Ðức Mẹ. Qua những niềm vui hôm nay, Chúa đang khích lệ khuyên nhủ chúng ta sự gì; Thưa là hãy cộng tác với Chúa trong việc đổi mới: Ðổi mới bản thân mình, đổi mới nếp sống đạo, đổi mới đời sống đồng bào.

Ðổi mới nói đây là làm cho nên tốt hơn là thanh luyện loại trừ cái xấu, cái không thích hợp; bảo vệ, phát huy và tìm ra cái tốt, cái thích hợp. Nhưng khi đưa ra những tư tưởng về đổi mới trên đây, tôi thấy một câu hỏi phải được đặt ra: Cụ thể cái xấu, cái không thích hợp hiện nay là những cái gì? Cụ thể cái tốt, cái thích hợp hiện nay là những cái gì? Cái tôi cho là tốt, là thích hợp có thể bị những người khác cho là không tốt, không thích hợp. Mọi người đâu có dễ nhất trí với nhau về cách đánh giá và nhận định.

Nhận thức trên đây dẫn tôi đến ý nghĩ này, là trong việc đổi mới, ta cần phải rất khôn ngoan, không phải là thứ khôn ngoan mà Chúa Giêsu gọi là sự khôn ngoan thế gian, nhưng là sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần. Nói chung thì đặc điểm của người khôn ngoan là biết phân biệt cái chính, cái phụ, cái hay, cái dỡ, không phải chỉ trong lý thuyết mà còn trên thực tế nữa. Xin đưa ra một thí dụ: Ði từ Giồng Riềng đến Trảng Tranh này, nếu tôi nhất định cứ đi xe ô-tô, xe honđa, thì tôi sẽ không khôn ngoan chút nào. Bởi vì, thực tế địa phương từ đó tới đây không có đường xe, chỉ có đường sông. Và nếu đi đường sông, tôi cứ nhất định đi bằng đò lớn, có mui cao, thì tôi cũng không khôn ngoan chút nào. Bởi vì thực tế con rạch huyết mạch xuyên qua ấp chúng ta là con rạch nhỏ, cứ vài chục thước lại có một chiếc cầu khỉ bắt ngang, đò lớn, mui cao không thể qua được. Và dù đò nhỏ, đôi khi người ngồi đò cũng phải khom lưng cúi đầu xuống mới luồng qua được những chiếc cầu khỉ quá thấp chặn ngang.

Tương tự cũng thế, đời ta là một chuyến đi. Mục đích chuyến đi không phải là dùng xe nào, đò nào, nhưng là đi đúng đường, và tới được đích mà mình muốn tới. Vậy, mục đích chuyến đi đời ta là phượng thờ Chúa và phục vụ đồng bào. Ðức ái là yếu tố chính của đạo ta, đức ái là con đường, là dòng sông dẫn ta đến với Chúa và đến với đồng bào. Con đường ấy, dòng sông ấy, không phải quãng nào cũng dễ dàng. Cần phải có nhiều khôn ngoan để biết dùng những phương tiện thích hợp và để vượt qua những trắc trở. Và càng phải rất khôn ngoan để khỏi phải đi lạc đường.

Tôi hay nghĩ như vậy, nên trong các ơn Chúa Thánh Thần, tôi thường để ý đến ơn khôn ngoan. Và trong kinh Cầu đức Bà, tôi hay đọc đi đọc lại câu: “Ðức Bà là Toà Ðấng khôn ngoan, cầu cho chúng con”.

Cũng vì thấy sự biết phân biệt cái chính, cái phụ là điều rất cần cho đời sống đạo hiện nay, nên trong thư gửi các linh mục giáo phận Long Xuyên dịp khai mạc năm Ðức Mẹ, tôi đã nêu lên đòi hỏi phải sống theo gương Ðức Mẹ một cách trưởng thành, nhất là bằng việc phát huy nếp sống bác ái, khiêm nhường, quảng đại.

Phải nói thiệt là nhiều người, nhiều nơi còn giữ một tinh thần sống đạo và một nếp sống đạo chưa gọi được là trưởng thành. Bề ngoài thì náo nhiệt, rầm rộ, nhưng bề trong thì rất thiếu bác ái, rất thiếu khiêm nhường, rất thiếu quảng đại. Nhiều cái phụ mà không có cái chính. Một nếp sống đạo như vậy, tất nhiên rất cần phải được đổi mới. Và như thế, mới là khôn ngoan. Amen

Khánh thành Nhà thờ Trảng Tranh, ngày 7/6/1987