Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1986
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1987
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1988
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1989
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1990
 

Khiêm Nhường Trong Ăn Năn Sám Hối

Hồi nãy, tại nhà thờ Cần Thay, tôi đã giảng về sự ăn năn hối cải, và tôi đã nói đến sự khiêm nhường như là một điều kiện quan trọng. Giờ đây tôi muốn nói tiếp về điều kiện đó, cũng dựa theo bài Phúc Âm vừa nghe.

Theo nội dung bài Phúc Âm hôm nay (CN 3C, Mùa chay), Chúa Giêsu đã nhắc đến hai sự việc đang được dư luận lúc đó bàn tán xôn xao.

Sự việc thứ nhất là chuyện một số người Galilê bị quan Philatô giết đang khi họ tế sinh. Có dư luận cho rằng họ bị giết như thế là vì họ có tội, nên Chúa phạt. Chúa Giêsu nói: Không phải thế đâu. Việc anh chị em nên làm là hãy phê phán chính bản thân mình. Hãy ăn năn hối cải, kẻo chính mình sẽ bị hủy diệt.

Sự việc thứ hai là chuyện tháp Siloe đổ đè chết 18 người. Có dư luận cho rằng những người bị tháp đè chết như vậy chắc vì có tội nên bị Chúa phạt. Chúa Giêsu nói: Không phải thế đâu. Việc anh chị em nên làm là hãy ăn năn tội mình, kẻo chính mình sẽ bị hủy diệt.

Cách Chúa nói như trên cho phép ta hình dung được cái cảnh sai trái của dư luận lúc đó. Có những người tự cho mình cái quyền được leo lên tòa phán xét, để kêu người này là xấu, chê người kia là tội lỗi. Chúa bảo họ hãy bước xuống, đừng kiêu căng. Những phán đoán của họ như thế là sai. Hãy lo phán xét chính mình.

Như thế là rõ Chúa nhấn mạnh đến sự khiêm nhường trong việc ăn năn sám hối. Và sự khiêm nhường mà Chúa nhắc tới một cách minh bạch ở đây, chính là sự khiêm nhường trong cái nhìn về người khác. Ðọc Phúc Âm ta thấy Chúa hay lưu ý đến sự khiêm nhường đó. Chính vì thế mà trong bất cứ sự ăn năn hối cải nào, ta đừng quên xem xét lại cái nhìn của ta về người khác, nhất là những cái nhìn được bộc lộ ra bằng lời nói.

Trong những lời ta nói, có thể đã có những phê phán kẻ khác không do tinh thần xây dựng mà do tinh thần nhỏ nhen hẹp hòi. Cũng có thể đã có những suy diễn xấu về người khác do thành kiến, do ác ý, do nông nổi. Cũng có thể đã do những lời nói lựa chọn tinh tế để hạ kẻ khác xuống do kiêu căng tự đắc. Cũng có thể lời ta nói về kẻ khác là đúng sự thực, nhưng mục đích, cung cách và hoàn cảnh không thích hợp, thiếu đạo đức, gây nên hậu quả xấu. Cũng có khi ta không chịu nói trong trường hợp cần nói, nên đã trở thành một thái độ lỗi bác ái và khiêm nhường.

Người ta có thể quan sát cách ta nhìn kẻ khác và cách ta phê phán kẻ khác mà biết được nhân cách, tình trạng đạo đức và trình độ trí thức của ta. Nhiều khi kẻ phê phán người khác lại phơi bày bản chất chính mình hơn là phơi bày bản chất người mình phê phán. Có những trường hợp ta thấy kẻ nhìn người khác đã để lộ chính phẩm chất thực sự của mình trong chính cái nhìn của mình. Thế mà họ cứ tưởng mình đang nắm bắt được sự thực của kẻ họ nhìn.

Chính vì thế mà càng cần thận trọng và khiêm tốn nhiều lắm.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin ban cho con sự sống của Chúa. Xin Chúa sống trong con. Xin tinh thần Chúa hoạt động mạnh mẽ trong con, để con biết nhìn kẻ khác bằng cái nhìn của Chúa, cái nhìn đầy yêu thương, khiêm hạ và thông cảm. Amen.

Thêm sức tại Cái Ðôi, ngày 02/3/ 1986