Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1986
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1987
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1988
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1989
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1990
 

Nương Tựa Vào Nhau

Cuộc lễ hôm nay tại đây tuy kéo dài khoảng nom 2 tiếng đồng hồ, nhưng đã được chuẩn bị nhiều tháng với biết bao nhiêu công sức, với biết bao nhiêu nhiệt tình. Tất nhiên, nếu Chính Quyền không cho phép và không giúp đỡ thì không thể nào có được cuộc lễ này. Và tất nhiên, nếu thiếu các linh mục, nhất là cha xứ hoặc giả sử thiếu Ðức Giám Mục, thì chắc chắn cũng sẽ không thể có cuộc lễ này. Nhưng cho dù được phép tổ chức lễ, có nhiều linh mục tu sĩ, có cả Giám Mục nữa, nếu thiếu sự cộng tác nhiệt tình của các giáo dân, thì cuộc lễ sẽ chỉ có được những kết quả rất giới hạn. Tôi đưa ra vài nhận xét trên đây, mục đích là để kéo sự chú ý mọi người chúng ta đến một sự thực rất cần cho cuộc sống đức tin, đó là hãy biết nương tựa vào nhau mà sống.

Sống đạo là sống với Chúa, sống với con người. Nhưng để sống như thế một cách hữu hiệu, sống đạo còn là sống với Hội Thánh, sống trong Hội Thánh, sống nhờ Hội Thánh. Hội Thánh là Giáo Hội toàn cầu, trong đó có Giáo Hội Việt Nam, mà giáo phận Long Xuyên ta là một đơn vị. Giáo phận Long Xuyên gồm nhiều giáo xứ, trong số đó có giáo xứ Bắc Xuyên chúng ta. Tất cả các nơi từ nhỏ đến lớn trong Hội Thánh đều tin như nhau, đều có những điều răn giống nhau, đều chịu các bí tích như nhau. Mỗi người trong Hội Thánh đều coi nhau là thành phần của một gia đình thiêng liêng, có liên hệ với nhau, có bổn phận đối với nhau. Biết đặt mình vào những liên hệ sống động ấy là như đặt mình vào một hệ thống hô hấp của đời sống đức tin.

Tôi vừa nói: Biết đặt mình vào những liên hệ sống động của Hội Thánh là như đặt mình vào một hệ thống hô hấp của đời sống đức tin. Câu đó có nghĩa gì?

Thưa có nghĩa thế này: Người tín hữu nào biết xây dựng và phát triển những liên hệ tích cực với Hội Thánh qua giáo xứ và giáo phận của mình, người ấy sẽ làm cho sự sống đức tin của mình hít thở được những làn khí tốt mà Chúa vốn đã dành sẵn một cách phong phú dồi dào trong Hội Thánh.

Khi nói đến việc xây dựng và phát triển những giây liên hệ của người tín hữu với giáo xứ và giáo phận, nhiều người nghĩ ngay đến những liên hệ bí tích và các sinh hoạt tôn giáo khác. Thí dụ: đi lễ, giúp đỡ nhà thờ, khi cha làm lễ đọc đến tên 2 vị Giám Mục giáo phận, thì nhớ đến các Ngài, hợp ý cầu nguyện cho các Ngài... Những việc làm như thế là những liên hệ tốt, nhưng đến mức nào thì còn tuỳ ở những tấm lòng thực sự của mỗi người. Tôi muốn nói đến hình thức bề ngoài và tấm lòng bên trong của các giây liên hệ của giáo xứ và giáo phận. Trong những giây liên hệ này, tôi vốn coi hình thức là quan trọng, nhưng tôi coi tấm lòng là quan trọng hơn. Tấm lòng là tình nghĩa, là sự hiếu thảo, là niềm thao thức của trái tim yêu thương đối với Hội Thánh. Tấm lòng là tâm tình chia sẻ và hiệp nhất với những người đứng đầu Hội Thánh, là đồng hành với các Ngài trên con đường sống đạo hôm nay dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Tấm lòng là sự quảng đại thông cảm, nhường nhịn, tha thứ, giúp đỡ lẫn nhau, theo như kinh: “Thương người có 14 mối” đã gợi ý cho ta.

Khi suy nghĩ về Ðức Mẹ, tôi thấy khi Ðức Mẹ còn sống ở trần gian, Ðức Mẹ cũng đã nương tựa vào Hội Thánh, và Hội Thánh cũng đã nương tựa vào Ðức Mẹ. Như thế, tựa nương chính là một luật của sự sống đạo, của sự sống bái ái Phúc Âm, của sự sống khiêm nhường mà Chúa Cứu Thế đã dạy trên Thánh giá.

Xin Chúa Thánh Thần ban ơn đổi mới lòng ta, để lòng ta biết đón nhận và biết cho đi, nhờ đó mà xây dựng và phát huy được những giây liên hệ tốt trong giáo xứ và trong giáo phận, có lợi cho cuộc sống đức tin của mình, đời này và đời sau vô cùng. Amen.

Lễ Thêm sức, Bắc Xuyên (kênh E1) ngày 22/8/1987