Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1986
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1987
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1988
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1989
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1990
 

Hòa Bình Là Vấn Ðề Của Con Người

Năm 1986 là năm “QUỐC TẾ HÒA BÌNH”. Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố như vậy, để kêu gọi mọi người khắp nơi trong năm nay hãy có những suy nghĩ và hành động đặc biệt có tính cách xây dựng Hòa Bình.

Cùng với toàn dân, giới Công Giáo tại địa phương này tích cực hưởng ứng lời kêu gọi ấy. Ðồng thời chúng ta nhiệt liệt ủng hộ lập trường Hòa Bình của Chính Phủ Việt Nam chúng ta. Vì thế, hôm nay chúng ta gặp nhau trong nhà thờ này để cầu nguyện cho Hòa Bình. Cầu nguyện cho Hòa Bình là gặp Thiên Chúa, nguồn mạch Hòa Bình, là một cách suy nghĩ về Hòa Bình, là một việc cải hóa nội tâm hướng về Hòa Bình.

Hòa Bình mà chúng ta cầu nguyện là sự bình an trên thế giới, trong nước và trong các gia đình.

Hòa Bình nói đây không phải chỉ đơn giản là không có chiến tranh, mà còn là một sự an hoà hạnh phúc, được xây dựng trên nền tảng công lý và tình thương. Thái độ sống có công lý và tình thương được dân Việt Nam ta gọi là “Sống có tình có lý”. Nói cách đó đơn sơ nhưng hàm súc. Phúc Âm cũng dạy như vậy. Hơn nữa, Phúc Âm còn nâng cái tình cái lý ấy lên thành những bổn phận mà lương tâm người có đạo phải trả lời trước Chúa.

Ðừng tưởng cái tình cái lý xây dựng Hòa Bình là một thái độ tĩnh. Không phải thế. Xây dựng Hòa Bình là một thế động. Nó đòi ta phải tích cực phấn đấu xóa bỏ những gì trái với công lý và tình thương, đồng thời phải nhiệt tình phát triển những quyền lợi và giá trị chính đáng của con người.

Hòa Bình là hoa quả của công lý và tình thương. Cho nên ở đâu công lý và tình thương càng phát triển, thì ở đó càng có Hòa Bình.

Trong phạm vi lớn của xã hội, thường những căn bản công lý và tình thương được xác định và cụ thể hóa một cách công minh và đúng đắn trong các lề luật, các khế ước, hiệp đồng, hiệp ước. Nhưng sự hữu hiệu của chúng còn tùy thuộc rất nhiều ở sự nhất trí về nhận thức và quyết tâm chân thành của mọi người. Bởi vì, không phải mọi người đều nghĩ như nhau, đều muốn như nhau, nhất là về quyền lợi của mình và của người khác.

Vì thế, trong việc xây dựng Hòa Bình và phát triển Hòa Bình, Liên Hiệp Quốc, cũng như Nhà Nước ta đã kêu gọi thiện chí của mọi người, mọi giới. Trong chiều hướng đó, nhiều hội nghị tôn giáo về Hòa Bình đã được tổ chức tại nước ta và nhiều nơi trên thế giới. Những hội nghị ấy đã có những sinh hoạt tôn giáo, trong đó đã nhấn mạnh đến việc cải hóa nội tâm, một điều vừa thích hợp với chức năng Công Giáo vừa thiết thực trong việc xây dựng Hoà Bình.

Thực vậy, Hoà Bình là vấn đề của con người, vì con người và từ lòng người. Nếu bản thân mỗi người biết tôn trọng người khác, có ý thức trách nhiệm về con người và về xã hội, biết thương người, biết cố gắng tự thắng chính mình, vượt qua những gì là kiêu căng, tham vọng, ích kỷ, ghen tương, nghi kỵ, hẹp hòi, hận thù, biết mưu cầu lợi ích chung, thì khối lượng thiện chí cộng tác với nhau sẽ rất lớn, nhận thức về công lý và tình thương sẽ rất cao, và quyết tâm xây dựng và phát triển Hoà Bình sẽ rất mạnh.

Chúng ta quá biết sự cải hóa nội tâm như thế không phải chuyện dễ. Ðối với bản thân ta cũng thế, mà đối với con em ta và triệu triệu người khác cũng vậy. Khi cầu nguyện cho Hoà Bình, chúng ta không trông chờ một phép lạ nào. Nhưng chúng ta tin chắc rằng một giờ cầu nguyện như thế này sẽ có những tác động tốt đến tình cảm và lý trí chúng ta, sẽ tạo nên bầu khí tâm lý thuận lợi cho việc xây dựng đoàn kết và phát triển Hoà Bình.

Giờ đây, với niềm tin yêu Chúa, Với sự hiệp thông của Ðức Thánh Cha và toàn thể Hội Thánh, chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho Hoà Bình, và quyết tâm biến những suy nghĩ thành những hành động thiết thực, tất cả vì Hoà Bình.

Ngày cầu nguyện cho Hoà Bình, Long Xuyên ngày 6/11/1986