Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1986
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1987
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1988
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1989
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1990
 

Người Tội Lỗi Ðạo Ðức
Và Người Ðạo Ðức Tội Lỗi

Ðọc bài Phúc Âm lễ hôm nay (CN.V MC.C), có người chú ý đến bà Mađalêna, và có người chú ý đến những người biệt phái tố cáo bà Mađalêna. Phần tôi, tôi chú ý đến cả hai. Bà Mađalêna bị tố cáo là phạm trọng tội, nhưng sau đã ăn năn, nên tôi gọi bà là kẻ tội lỗi đạo đức. Còn những người biệt phái tố cáo bà Mađalêna là những người thuộc giới đạo đức, nhưng thực chất lại là đạo đức giả, nên tôi gọi họ là những kẻ đạo đức tội lỗi.

Chúa Giêsu đã nhiều lần đối chiếu hai hạng người như thế. Thí dụ bài Phúc Âm thứ bảy tuần trước nói đến hai người lên đền thờ cầu nguyện. Người thu thuế vốn bị tiếng là tội lỗi, nhưng cầu nguyện với tâm hồn khiêm tốn, thì được khỏi tội. Người biệt phái vốn được tiếng là đạo đức, nhưng cầu nguyện với thái độ kiêu căng, nên không được khỏi tội. Ðó là sự đối chiếu giữa kẻ tội lỗi đạo đức và người đạo đức tội lỗi. Rồi bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần rồi (CN IV, Mùa chay C) kể lại chuyện hai người con. Ðứa con phung phá, sau đã ăn năn trở về, thì làm cho cha vui. Ðứa con vốn ở nhà, có vẻ ngoan ngoãn, nhưng khi vừa gặp thử thách nhẹ, đã tỏ ra ghen tuông em và trách móc cha, nên làm cha buồn. Ðó cũng là một sự đối chiếu. Một bên là người tội lỗi đạo đức , một bên là người đạo đức tội lỗi.

Nếu có ai hỏi tôi xem tôi có cảm tình hơn loại người nào trong hai loại đó, thì tôi xin thành thực trả lời là tôi có thiện cảm hơn với hạng người tội lỗi đạo đức. Và một điểm nơi họ đã gây được nhiều thiện cảm chính là sự khiêm tốn chân thành của họ, một sự khiêm tốn chân thành có sức giúp cho com người nhìn rõ hơn thực trạng của tâm hồn mình, có sức giúp cho con người cảm được mùi vị an bình của sự ăn năn và khát khao ơn tha thứ.

Tôi vẫn nghĩ rằng, đã là người, thì bình thường ai cũng có khuyết điểm, không nhiều thì ít. Và cho dù có ai được may mắn sống đời trong sạch, không hề có chút yếu đuối nào, nhưng nếu thiếu khiêm tốn, thì chính sự thiếu khiêm tốn đã là một thiếu sót lớn. Và thiếu sót này làm lu mờ hẳn đi tất cả mọi nét vốn được coi là đạo đức.

Theo bài Phúc Âm hôm nay, thì sự khiêm tốn chân thành có sức mạnh thay đổi người tội lỗi nên người đạo đức, đang khi sự kiêu căng lại biến đổi người đạo đức trở thành tội lỗi. Sự thay đổi này không tỏ rõ trong cuộc sống bình thường, nhưng khi có dịp thử thách, nhất là những dịp kéo mình vào sự so sánh mình với kẻ khác, như các trường hợp kể trong Phúc Âm trên đây, thì ai có khiêm nhường, ai không có sẽ lộ ra, để rồi từ đó sẽ càng rõ thay đổi tình trạng tội lỗi nên đạo đức, và tình trạng đạo đức nên tội lỗi.

Lạy Chúa, con là kẻ tội lỗi. Con chân thành thú nhận điều đó trước mặt Chúa và trước mặt mọi người. Con chân thành nhìn nhận chỗ đứng xứng đáng của con, chính là chỗ đứng giữa các tội nhân. Xin Chúa thương đến tất cả chúng con. Con tin Chúa, con tin cậy lòng thương yêu vô cùng của Chúa. Amen.

Lễ Thêm sức, Núi Tượng ngày 16/3/1986