Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1986
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1987
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1988
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1989
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1990
 

Ðổi Mới Con Người

Hồi nãy, khi bước vào nhà thờ này, tôi tự nhiên chú ý đến một hàng chữ lớn trên tấm vải căng ở gian giữa nhà thờ: “Xin Chúa đổi mới chúng con”. Tôi không nghĩ rằng: Ðây chỉ là một khẩu hiệu trang trí. Nhưng tôi chắc rằng đây là một tư tưởng đã được viết trong lòng anh chị em trước khi được viết lên tấm vải trắng kia. Ðây là một tư tưởng không những đúng, mà còn rất cần. Ðổi mới con người, đó là một đòi hỏi thường xuyên củc Phúc Âm, đó là một tiếng gọi khẩn thiết của Chúa Thánh Thần trong mọi lễ Thêm Sức. Nhận thức được điều đó đã là một điều tốt, khởi điểm cho mọi cố gắng đổi mới con người.

Trong việc cố gắng đổi mới bản thân và những người tin Chúa, tôi hay nhìn vào gương Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã đổi mới các tông đồ trên những con đường dài, qua những thời gian dài, bằng những phương cách khác nhau. Ở đây tôi chỉ xin nêu lên vắn tắt bốn phương cách này:

Phương cách thứ nhất là giảng dạy. Giảng dạy riêng, giảng dạy chung, giảng dạy bằng lời nói, giảng dạy bằng việc làm, bằng gương sáng. Lời Chúa đã uốn nắn các tông đồ dần dần.

Phương cách thứ hai là bí tích. Chúa Giêsu đã lập ra các bí tích, để chuyển sự sống Chúa vào linh hồn các tông đồ.

Phương cách thứ ba là đời sống cộng đoàn. Chúa Giêsu quy tụ các tông đồ lại, tất cả cùng sống chung, cùng được san sẻ, chia sớt. Ai cũng có cho đi, ai cũng có nhận lãnh. Ðời sống chung đó rèn luyện đức bác ái cho thực khiêm tốn, cho thực quảng đại, cho thực kiên trì.

Phương cách thứ tư là các biến cố. Biến cố là những sự xảy ra đụng chạm tới đời sống con người, làm cho con người buồn vui, lo nghĩ hay chán nản. Thí dụ: Sự Chúa Giêsu bị tử nạn, Người sống lại là những biến cố lớn, đã có ảnh hưởng nhiều đến sự đổi mới các tông đồ.

Trong bốn phương cách vừa nói, tôi thấy phương cách thứ bốn là một phương cách mạnh, nhiều khi đã đưa tới những đổi mới quyết liệt. Thí dụ: Nhìn vào những sự đã xảy ra từ bữa Tiệc Ly trở đi, ta có thể thấy được phần nào sức mạnh đó. Trong bữa Tiệc Ly, các tông đồ được nghe chính Chúa Giêsu giảng dạy những lời tâm huyết nhất, các Ngài đã được rước lễ lần đầu và đã được thụ phong linh mục, các Ngài đã được đời sống cộng đoàn thân thiết rèn luyện, nhưng liền ngay sau đó, các Ngài đã có những việc làm hết sức yếu đuối: Kẻ thì trốn chạy, kẻ thì chối Chúa, kẻ thì bán Chúa. Chính sự cảm thấy mình quá yếu đuối như thế, cộng thêm sự cảm thấy Thầy mình cũng hèn yếu quá sức tưởng tượng, đã là những biến cố làm đổi thay lớn. Các tông đồ trở nên khiêm tốn hơn rất nhiều và có một cái nhìn thật mới mẻ về con đường cứu độ của Ðấng Cứu Thế, để rồi, khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, các Ngài được trở nên hoàn toàn mới, với cách suy nghĩ mới, với cách sống mới, với những sức mạnh mới.

Anh chị em thân mến,

Trên thực tế, chúng ta thường hay để ý đến phương cách thứ nhất và thứ hai, còn phương cách thứ ba, nhất là phương cách thứ tư thì ít được quan tâm. Có thể rồi đây Chúa sẽ chủ động thanh luyện ta bằng phương cách thứ tư, nhiều hơn là bằng những phương cách khác. Dù bằng phương cách nào, Chúa vẫn thực hiện việc đổi mới ta vì thương ta, vì muốn sự lành cho ta. Ai nhận ra thánh ý Chúa và biết cộng tác với ơn Chúa, sẽ mau được đổi mới, một sự đổi mới từ nội tâm, một sự đổi mới sẽ góp phần rất tốt vào việc xây dựng lợi ích chung cho Hội Thánh và cho Tổ Quốc Việt Nam chúng ta.

Xin Ðức Mẹ Mân Côi cầu bầu cho chúng ta. Amen.

Lễ Thêm sức, kinh F1 ngày 07/10/1986