Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐƯỢC CHỌN VÀ SAI ÐI -2001-
 RA KHƠI THẢ LƯỚI TÌNH THƯƠNG -2002-

Cảm Ðộng

Ở Pháp, tôi đã đến cầu nguyện tại La Salette. Nơi đây Ðức Mẹ đã hiện ra. Ðặc điểm của sự hiện ra tại đây là Ðức Mẹ ngồi ôm mặt khóc, khi nói về tương lai thế giới.

Ở Ðất Thánh, tôi đã đến cầu nguyện tại một nhà nguyện nhỏ, nơi truyền thống ghi lại: Ðây là nơi Chúa Giêsu xưa đã đứng khóc, khi nhìn xuống thành Giêrusalem và nói tiên tri về tương lai thành đô.

Cầu nguyện tại những nơi này, tôi rất xúc động. Một sự xúc động nghiêm trọng, do những lý do nghiêm trọng, dẫn tới những quyết định nghiêm trọng.

Kinh nghiệm này cho phép tôi hiểu rằng: Sự nhạy bén biết cảm động trước những nỗi đau của Chúa, của Ðức Mẹ, của Hội Thánh, của đồng bào mình sẽ giữ một vai trò quan trọng trong đạo đức, mục vụ và truyền giáo.

Trước hết, thái độ cảm động là một cách diễn tả đức ái và đức tin một cách sống động. Nhiều lần tiếp xúc với những nhóm nhỏ nhiều thành phần. Tôi kể ra những tin tức đạo đời đang xảy ra: Có người đói khổ, có người bỏ đạo, có người thất vọng, có người bệnh tật, vv... Tình hình thực rất tang thương. Tôi kể ra với tất cả tâm tình thương cảm.

Phản ứng của những người nghe nhiều khi rất khác nhau. Người thì xúc động. Người thì dửng dưng lạnh lùng. Người thì cười giỡn. Người thì nói sang chuyện khác một cách cứng cỏi.

Qua từng phản ứng đa dạng đó, một người bình thường giàu lương tri cũng có thể đoán được cái tâm của mỗi người. Riêng những người tỏ ra xúc động trước những khổ đau của kẻ khác, của đất nước và của Hội Thánh, sẽ tiếp tục đi thêm vào con đường cứu độ của Chúa Giêsu. Những trăn trở thao thức về Nước Trời vốn có sẵn nơi lòng họ được dịp sống động hơn, năng động hơn và sẵn sàng lên đường hơn. Lên đường nói đây là lên đường trở về với Chúa, cố gắng cải thiện chính bản thân mình.

Tôi rất buồn, khi thấy nhiều người tín hữu đôi khi tỏ ra lạnh lùng dửng dưng trước những khổ đau của Chúa, của Ðức Mẹ, của Hội Thánh và của dân tộc. Họ chỉ lo hưởng thụ và tố cáo người khác mà không để ý cầu nguyện, đền tạ, cải thiện chính mình. Tôi sợ biết đâu lòng họ đã ra chai đá. Như lời Kinh Thánh nói: “Thiên Chúa đã làm cho mắt chúng ra đui mù, và lòng chúng ra chai đá” (Ga 12,39). Bị Chúa ruồng bỏ ngay ở đời này, đó là một điều rất đáng sợ.

Ngoài ra, sự xúc động thường mang một sứ điệp quan trọng, nhưng dễ hiểu trong lãnh vực đạo đức và tình cảm.

Có một lần, khi Ðức Thánh Cha bắt tay tôi, Ngài chỉ nói đi nói lại hai tiếng: Việt Nam, Việt Nam. Ngài nói với giọng xúc động, nghẹn ngào. Rồi Ngài ôm hôn trên má tôi.

Tôi rất xúc động. Sự xúc động của Ðức Thánh Cha là một sứ điệp không lời. Tôi hiểu thấm thía. Tôi ghi nhớ mãi trong lòng. Tôi thấy người mục tử nhiều khi không cần nói nhiều. Ít lời, nhưng làm sao người ta cảm được tình thương yêu và lòng trọng kính của mình. Hơn là những lời nói dài dòng mà lạnh lùng, cứng cỏi.

Ngoài ra xúc động thường là một qui chiếu, gợi ý đi tìm hiểu thêm.

Một hôm, tại Assisi, tôi đến cầu nguyện bên mồ thánh Phanxicô, thì gặp một người đàn ông cũng đang cầu nguyện. Ðột nhiên, tôi nghe ông khóc. Ông khóc nức nở, khiến tôi không cầm lòng được. Một lát sau, ông quay sang tôi và hỏi bằng tiếng Ý, tiếng Pháp và tiếng Ðức, ông muốn biết tôi có phải linh mục không và có thể nghe ông tâm sự được không . Tôi trả lời ông: Tôi nói tiếng Pháp dễ hơn. Thế là ông tâm sự và sau cùng ông xin xưng tội.

Từ những kinh nghiệm như trên, tôi thấy sự xúc động thường là một qui chiếu. Người ta khóc và xúc động vì yêu, vì nhớ thương một người khác. Người ta khóc và xúc động vì muốn tìm về một Ðấng mà lòng mình tôn thờ. Người ta khóc vì lòng mình qui hướng thiết tha về một đối tượng nào đó.

Do nhận xét như thế, nên khi nhìn thấy các xúc động, tôi có thể đoán được phần nào lòng người ta qui chiếu về đâu. Người dễ xúc động về tiền bạc, quyền chức, nhan sắc thì tỏ ra lòng họ thường ham thích quyền chức, tiền bạc, nhan sắc. Người dễ xúc động về tình hình suy giảm đạo đức của dân, thì tỏ ra lòng họ thường lo lắng về chiều kích thiêng liêng của các linh hồn. Người dễ xúc động về gánh nặng của các vị bề trên trong đạo, thì tỏ ra lòng họ thường mến thương, thông cảm, hiệp nhất với các chủ chiên của mình. Người hay xúc động về cảnh nghèo túng của dân, thì tỏ ra lòng họ thường nặng tình liên đới với thân phận người dân.

Ðể biết phân định xúc động của mình là do Chúa hay do tự ái kiêu căng hoặc đam mê xấu, chúng ta rất cần khiêm tốn bàn hỏi với Chúa Thánh Thần.

Qua nhận xét tình hình các xúc động hiện nay, tôi có cảm tưởng là tại Việt Nam hôm nay đang có một cơn khủng hoảng về các giá trị.

ù

Chỉ nhìn sơ qua vai trò trên đây của xúc động, chúng ta cũng hiểu sự xúc động của ta cần được vun trồng tốt, phát triển tốt, tập luyện tốt và sử dụng tốt.

Ðến đây, tôi nhớ lại tâm hồn xúc động của Ðức Mẹ, khi cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa: “Linh hồn con tung hô Chúa”.

Tôi cầu chúc mọi người cũng được một tâm hồn biết xúc động như Ðức Mẹ. Bởi vì tất cả chúng ta đều được Chúa yêu thương. Nên hãy biết yêu thương kẻ khác. Một người có đạo chỉ lo giữ đúng luật lệ, kinh kệ một cách nghiêm nhặt hình thức, nhưng lòng thì cứng cỏi, không hề biết xúc động trước cảnh khổ của Hội Thánh và của người khác, họ sẽ ra sao? Số phận họ sẽ thế nào?

Xin hãy cầu nguyện nhiều hơn, đền tạ nhiều hơn, phục vụ đúng bổn phận hơn, đào tạo mình và những người của mình nên tài đức và nên giống Chúa Giêsu hơn. Ðó là cách tốt nhất để chứng minh trăn trở với xúc động của mình là lành thánh.

Nếu không thì tôi sợ: Nơi chúng ta, cơn khủng hoảng về các giá trị sẽ rất trầm trọng.

Lạy Chúa, là Cha giàu lòng thương xót, xin ban cho chúng con một trái tim bén nhạy biết xúc động, xót thương theo gương Ðức Mẹ.

Ngày 11 tháng 02 năm 2001