Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐƯỢC CHỌN VÀ SAI ÐI -2001-
 RA KHƠI THẢ LƯỚI TÌNH THƯƠNG -2002-

Nước Chúa Ðang Ðến

Tôi mới đi thăm một ngôi chùa. Nhà chùa khá lớn. Ðất chùa rất rộng. Trên một núi nhỏ. Chùa này là của một tư nhân giàu có. Trong nhà vị chủ chùa, có treo ảnh Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Tại sân chùa có núi Ðức Mẹ. Ðàng sau chùa là Ðền Thánh Mẫu. Ðền rộng và đẹp. Trên bàn thờ là tượng Ðức Mẹ ban ơn. Vị chủ chùa, trước khi chết, đã trao chùa lại cho một người bạn là một linh mục. Nay chùa vẫn là chùa.

Cảnh chùa thanh vắng, giữa một thiên nhiên xanh tươi thinh lặng. Dân cư hiền lành. Bầu khí Phật giáo bao trùm. Xa kia là biên giới. Bên đó là đất nước Phật giáo. Từ vua đến dân, ai cũng sùng đạo.

Trong môi trường này, tôi cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha. Khi cầu nguyện, tôi nhớ lại lời Chúa Giêsu đã nói xưa với người phụ nữ Samaria: “Hãy tin Thầy: Ðã đến giờ, người ta sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem... Nhưng giờ đã đến – Và chính là lúc này đây, những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và sự thực. Vì Chúa Cha tìm kiếm những người thờ phượng như thế. Thiên Chúa là Thần Khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong Thần Khí và sự thật” (Ga 4,21-24).

Tôi nhìn lên Ðức Mẹ. Lòng nghẹn ngào. Mắt tôi nhìn thấy một tượng bằng vật chất. Nhưng lòng tôi cảm nghiệm thấy chính Ðức Mẹ hiện diện ở đây. Mẹ đã ở đây tự thuở nào. Ở đây, Mẹ đã là nguồn an ủi cho biết bao thân phận. Ở đây, Mẹ đã không nghe tiếng đọc kinh. Nhưng Mẹ đã đón nhận đủ mọi thứ tâm sự chân thành. Ở đây, những người đến với Mẹ hầu hết là dân nghèo. Tất cả đều ngoài công giáo. Họ đã nói cho Mẹ nghe mọi thứ nghèo của họ. Mẹ đã đón nhận họ. Mẹ đã thương họ. Mẹ đã đồng hành với họ trong cuộc sống. Cuộc sống nghèo. Cuộc sống quê mùa. Cuộc sống âm thầm, bình dị. Mẹ âm thầm đến đây để dọn đường cho Nước Trời.

Trong thinh lặng của tâm hồn cầu nguyện, tôi chợt hình dung về cách Nước Trời trị đến. Khởi đi từ Lời Chúa.

Người Pharisêu hỏi Ðức Giêsu bao giờ Triều Ðại Thiên Chúa đến. Người trả lời: Triều Ðại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: Ở đây này! Hay ở kia kìa! Vì này Triều Ðại Thiên Chúa đang ở giữa anh em” (Lc 17, 20-21).

Với Lời Chúa phán trên đây, Ðức Mẹ cho tôi hiểu: Nếu người ta tưởng rằng: Nước Chúa chỉ đến, khi tình hình hiện nay thay đổi, thì người ta sẽ thất vọng. Và đó là tưởng sai. Nhưng nếu người ta nghĩ rằng: Thiên Chúa đang thay đổi lòng người giữa một tình hình bên ngoài coi vẫn thế, thì đó đúng là sự Nước Chúa đang đến.

Từ cái nhìn mới mẻ này, tôi thoáng nhận ra những thay đổi của lòng người tại địa phương rộng lớn và xa xôi này.

Ðiều thay đổi rõ nhất là sự hài hoà giữa các đồng bào khác đạo. Công giáo chúng tôi là một thiểu số rất bé nhỏ. Nhưng càng ngày càng được yêu thương, kính nể và nâng đỡ. Nội trong năm đầu thế kỷ 21 này, chúng tôi đã khánh thành hai nhà thờ mới ở vùng này. Dịp này, tất cả lương giáo đều hân hoan. Ðại diện các tôn giáo bạn đều có mặt trong thánh lễ làm phép nhà thờ.

Một điều thay đổi khác cũng rất rõ, nên nói lên ở đây, là mấy giáo đoàn nghèo khó xa xôi chốn này đang sốt sắng trở về với những đường hướng Phúc Âm đích thực. Họ đang phác hoạ hình ảnh Hội Thánh sơ khai với bốn nét chính, mà sách Tông Ðồ Công Vụ đã ghi lại:

Một là họ chuyên cần nghe các tông đồ giảng về Ðức Kitô.

Hai là họ siêng năng tham dự thánh lễ. Có những người phải đi gần hai chục cây số mới tới được nhà thờ. Ði bằng những phương tiện rất thô sơ.

Ba là họ cầu nguyện không ngừng. Cầu nguyện một cách hồn nhiên, tự đáy lòng mình. Với niềm tin mến chân thành.

Bốn là họ hiệp thông với nhau. Cụ thể là bằng những chia sẻ, những nâng đỡ, những thông cảm (x. Cv 2,42).

Một điều thay đổi nữa cũng rất rõ, đó là bầu khí trong các cộng đoàn nghèo khó ở đây. Bầu khí này cũng đang phác hoạ lại môi trường mà Tông Ðồ Công Vụ đã mô tả về vùng Giuđêa, Galilêa và Samaria: “Hội Thánh được bình an, được xây dựng vững chắc và sống động trong niềm kính sợ Chúa, và mỗi ngày thêm đông, nhờ Thánh Thần nâng đỡ ủi an” (Cv 9,31).

Khi tôi hiểu Nước Chúa đang đến trong lòng con người, bằng nhiều cách âm thầm mà sâu xa, tôi thấy tại đây đang ứng nghiệm lời thánh Phaolô dạy xưa: “Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17).

Ðúng là như vậy, Nước Thiên Chúa là những hoa trái, mà công việc của Thánh Thần làm ở trong con người. Từ những đức tính nhân bản cho đến những nhân đức xã hội ở mỗi người đều làm chứng về Nước Trời ở trong họ. Chẳng hạn như sự lịch thiệp, nhã nhặn, điều độ, dịu dàng, đứng đắn, nhân hậu, lương thiện. Những nếp sống này là vẻ đẹp rất thường gặp được ở mọi đồng bào lương giáo miền quê này. Những vẻ đẹp đó là hoa quả của Thánh Thần, và là dấu chỉ của sự Nước Trời đang đến.

Nếu để ý, chúng ta sẽ gặp được vô số những dấu chỉ nhỏ. Những dấu chỉ nhỏ đó sẽ nói nhỏ với ta về sự Nước Chúa đang đến.

Nước Chúa đến một cách âm thầm, một cách khiêm nhường, một cách kín đáo.

Thí dụ như sự Ðức Mẹ đi vào khu chùa này và ở lại khu chùa này. Ðã từ lâu. Với sự đón nhận thân thương, bình dị và gắn bó.

Long Xuyên, ngày 13 tháng 11 năm 2001