Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐƯỢC CHỌN VÀ SAI ÐI -2001-
 RA KHƠI THẢ LƯỚI TÌNH THƯƠNG -2002-

Giêsu, Lạy Chúa Tôi

Rất nhiều người Việt Nam công giáo, khi gặp sự bất ngờ, thường hay kêu: “Giêsu, lạy Chúa tôi”. Ðây là một thói quen đạo đức. Nó khởi đi từ một tiềm thức thấm nhuần đức tin.

Ðể thói quen đạo đức này đem lại cho chúng ta nhiều ơn thiêng quí giá, tôi xin phép nhắc nhở vài điều nên thực hiện khi kêu “Giêsu, lạy Chúa tôi”.

 Lòng tôn thờ

Tên Giêsu là tên cực trọng. Thánh Phaolô viết: “Khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất, và trong âm phủ, muôn vật phải bái quỳ. Và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Ðức Giêsu Kitô là Chúa” (Ph 2,10-11).

Chúng ta tin lời thánh Phaolô quả quyết trên đây là chân lý cứu độ. Chân lý này trở thành chân lý của chúng ta, và cho mỗi người chúng ta. Vì thế ta kêu: Giêsu, lạy Chúa tôi. Với tuyên xưng đó, ta tin Ðức Giêsu Kitô thực là Chúa. Không phải là Chúa chung chung, mà là Chúa của tôi.

Ngài là Chúa của tôi, có nghĩa là Ngài nắm trong tay cuộc sống của tôi, lịch sử của tôi. Ngài có kế hoạch riêng cho đời tôi. Ngài muốn giúp tôi được sống dồi dào.

Ngài là Chúa của tôi, có nghĩa là Ngài có quyền sắp xếp mọi chi tiết cuộc đời tôi. Ngài có khả năng soi sáng, dẫn đưa tôi. Ngài thấu suốt mọi tư tưởng, mọi ước muốn, mọi tình cảm, mọi ý hướng của tôi, tận những lớp sâu thẳm và kín đáo nhất.

Ngài là Chúa của tôi, có nghĩa là nơi Ngài, tôi tìm được ý nghĩa đời tôi. Bỏ Ngài, mọi thực hiện của tôi, cho dù coi như thành công, cũng sẽ chỉ là phù du, mong manh và dễ biến chất.

Ngài là Chúa của tôi, có nghĩa Ngài là nơi tôi luôn qui chiếu. Làm gì, nghĩ gì, toan tính gì, tôi đều qui chiếu vào lời của Ngài, đời sống của Ngài, thánh ý của Ngài.

Ngài là Chúa của tôi, có nghĩa là Ngài là Ðấng dạy tôi, nhất là dạy tôi biết yêu thương, biết phục vụ, biết hiện diện, biết đón nhận mọi tín hiệu của tình Cha.

Những nhận thức trên đây sẽ giúp tôi kêu lời “Giêsu, lạy Chúa tôi” một cách tôn trọng.

Nhưng tôn trọng không phải trong ý thức, mà trong chính việc gặp gỡ Chúa Giêsu.

Tôi kêu tên Ngài, vì tôi tin Ngài ở trước mặt tôi. Ngài đang nhìn tôi. Ngài đang yêu thương tôi. Ngài đang gọi tôi.

Tôi kêu tên Ngài, để mời Ngài vào tâm hồn tôi. Tâm hồn tôi là căn nhà xấu xí, nhưng Ngài vẫn muốn đi vào và ở lại đó. Nếu Ngài ở lại đó, thì chính Ngài sẽ là nhà của tôi. Trong căn nhà này tôi sẽ cầu nguyện với Chúa Cha. Từ nhà này tôi sẽ có những khởi hành mới.

Khi đồng hành với Ngài trong chuyến đi cuộc đời, tôi sẽ không ngừng nhìn vào Ngài là Chúa của tôi. Tôi tự cảnh giác, đừng nghĩ gì làm gì, theo áp lực thế gian, xác thịt, ma quỉ. Nhưng tôi sẽ nghĩ và làm theo ý Chúa của tôi. Mặc dù tôi vẫn lắng nghe dư luận, nhưng tôi chỉ theo những gì là ý Chúa được phân định trong đó mà thôi.

Tôi tự cảnh giác, đừng bao giờ để lợi ích riêng mình đội lốt lợi ích của Chúa. Ðôi khi nói là để phục vụ Chúa, nhưng nếu không tỉnh thức, tôi lại kín đáo tìm phục vụ mình qua chiêu bài phục vụ Chúa.

Nếu tôi thực sự nhận Chúa Giêsu là Chúa của tôi, với tất cả lòng tôn thờ chân thành, thì chớ bao giờ tôi muốn ép Ngài theo ý riêng tôi. Nhưng luôn luôn tôi bắt tôi phải vâng phục thánh ý Ngài.

 Lòng vâng phục

Giêsu, lạy Chúa tôi”, lời kêu tha thiết đó nhiều khi cũng để diễn tả lòng tôi vâng phục Chúa.

Phải nói thật rằng vâng phục ý Chúa là việc không luôn dễ.

Ý Chúa muốn người môn đệ Chúa trở thành hạt lúa phải thối đi. Như lời Chúa Giêsu phán: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24).

Với lời đó, Chúa bảo tôi phải sẵn sàng chịu đau khổ, phải sẵn sàng chết đi cho chính mình. Tôi hiểu, nhưng tôi sợ. Dầu vậy, nhờ ơn Chúa, khi tôi chấp nhận ý đó trên lý thuyết và trên thực tế, thì tôi coi sự vâng phục ý Chúa đó là một thành công.

Ý Chúa là sức lôi kéo các linh hồn về với Chúa sẽ từ tình yêu hy sinh trên thánh giá. Chúa phán: “Phần Thầy, một khi bị treo lên khỏi đất, Thầy sẽ kéo mọi người lên với Thầy” (Ga 12,32).

Với lời đó, tôi hiểu Chúa muốn các môn đệ Chúa cũng được chia sẻ ơn thu hút các linh hồn, nếu họ cũng có tình yêu hy sinh đến từ thánh giá đời mình. Tôi hiểu, nhưng nhiều khi tôi sợ. Tuy thế, nhờ ơn Chúa, khi tôi chịu để mình bị treo lên thánh giá một cách nào đó, thì tôi coi sự mình vâng phục ý Chúa như vậy là một thành công.

Ý Chúa là bản thân người môn đệ Chúa hãy là một thánh lễ. Thánh Phaolô khuyên: “Vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Chúa” (Rm 12,19).

Với lời đó, tôi hiểu thánh lễ mà Chúa muốn người môn đệ Chúa dâng lên Chúa, không phải chỉ là thánh lễ bàn thờ, mà là chính bản thân mình, với tất cả tình yêu và với rất nhiều hy sinh. Tôi hiểu, nhưng nhiều khi tôi sợ. Thế rồi, khi tôi chấp nhận để Chúa biến bản thân tôi thành một của lễ, thì tôi coi sự vâng phục ý Chúa như thế là một thành công.

Tôi nghĩ chỉ được gọi là thành công khi vâng phục thánh ý Chúa, khi làm theo ý Chúa. Hiểu như thế mới có một cái nhìn mới. Nhiều sự việc xảy ra rất trái ý ta, nhưng thực sự lại là thành công lớn, bởi vì hợp với ý Chúa.

Sự vâng phục thánh ý Chúa là một thành công mở đầu cho những kết quả thiêng liêng trên lãnh vực truyền giáo. Một lãnh vực mà Chúa trao cho các môn đệ Chúa tại Việt Nam hôm nay như một ưu tiên sẽ phải trả lẽ. Những kết quả thiêng liêng này tại đây là rất lạ lùng, khiến tôi thốt lên lời cảm tạ: “Giêsu, lạy Chúa tôi”.

 Lòng cảm tạ

Thánh Phaolô khuyên: “Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha” (Ep 5,20).

Tôi thấy trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn phức tạp, Chúa đã làm những công trình tuyệt diệu. Ðể cảm tạ Chúa Cha vì những công trình đó đó, tôi vâng lời thánh Phaolô khuyên. Ðó là nhân danh Ðức Giêsu Kitô, mà nói lên lòng cảm tạ.

Thực vậy, khi nhân danh Ðức Kitô nói lên lời cảm tạ, tôi tuyên xưng rằng:

Chính Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã đổi mới nơi đây.

Ngài đã phá vỡ con đường ác cảm, để mở ra con đường thiện cảm.

Ngài đã xoá đi con đường chống đối, để mở ra con đường đón nhận.

Ngài đã đổi con đường nghi ngờ trở thành con đường tin tưởng và hợp tác.

Trên những con đường mới được mở, Hội Thánh Chúa Giêsu đang đi vào vùng sâu vùng xa, đặc biệt là đang đi vào các tâm hồn.

Trong mọi lãnh vực xã hội, Chúa Giêsu là Tin Mừng đang được giới thiệu bằng nhiều cách. Như những hiện diện của tình thương chia sẻ, những phục vụ của tình thương thăng tiến, những liên hệ lãnh nhận và cho đi tình nghĩa chân thành, những cầu nguyện và hy sinh của tình thương tông đồ.

Không những Tin Mừng được giới thiệu, mà Tin Mừng còn đi vào các trái tim, các trí khôn, các ý chí.

Nhìn cảnh lương giáo sống trong bầu khí hài hoà, tôi nghĩ tới Chúa là chủ lịch sử. Lịch sử này đang phát triển tình thương. Ðó chính là lời tuyên xưng hùng hồn về Chúa. Bên cạnh tuyên xưng niềm tin vào Ðấng tối cao, tôi thấy có thực hiện tình thương và kính trọng đối với thôn làng, xóm ngõ và đồng bào. Thiết tưởng đó là tín hiệu của Nước Trời đang đến. Giêsu, lạy Chúa tôi! Thực Chúa đang làm biết bao sự kỳ diệu trong lịch sử nơi đây. Chúa làm bằng những phương tiện khiêm tốn, bé nhỏ, kín đáo, bình dị, cả đến phương tiện thinh lặng và ẩn dật.

Nhiều khi tôi đi tìm vết chân của Chúa trong địa phương này phần đông là không công giáo. Và tôi thấy dấu vết đáng tin cậy nhất chính là tình thương. Tình thương âm thầm, lặng lẽ, càng ngày càng đẩy lùi bóng tối hận thù, chia rẽ. Tôi có cảm tưởng là các tâm hồn đơn sơ đang dùng tình thương để tuyên xưng Chúa. Bởi vì Chúa là tình yêu.

ù

Cảm nhận được sự hiện diện của Chúa trong bản thân mình và trong lịch sử đời mình, tôi như trẻ nhỏ, chỉ biết kêu lên: “Giêsu, lạy Chúa tôi”. Tôi kêu lên với tất cả tấm lòng tôn thờ, tấm lòng vâng phục, tấm lòng tạ ơn.

Chúa Giêsu thực là Chúa của tôi, là Ðấng cứu độ tôi.

Long Xuyên, ngày 19 tháng 11 năm 2002