Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐƯỢC CHỌN VÀ SAI ÐI -2001-
 RA KHƠI THẢ LƯỚI TÌNH THƯƠNG -2002-

Sự Thực Sẽ Cứu Chữa Các Con
(Ga 8,32)

Tôi bị bệnh và đã được cứu chữa. Cứu chữa do nhiều người. Mỗi người giúp một phần. Phần nào cũng là một sự thực. Tôi tạm cắt nghĩa sự thực nói đây là gì. Thí dụ:

Sự thực về y khoa. Bác sĩ khám phá ra đúng sự thực căn bệnh, chữa trị với đúng cách tốt nhất.

Sự thực về tâm lý. Các người chăm sóc biết đúng sự thực tâm lý bệnh nhân, phục vụ với nghệ thuật, đáp ứng đúng nhu cầu người bệnh. Phải nói thiệt là: Có những người đến thăm bệnh, nhưng kết quả là thêm bệnh cho người bệnh. Chỉ vì thiếu kiến thức và kinh nghiệm về tâm lý.

Sự thực về đạo đức. Các liên hệ với người bệnh đều tình nghĩa, tế nhị, tạo nên bầu khí an bình, như có sự hiện diện của Thiên Chúa là tình yêu thương xót.

Những kinh nghiệm trên đây cho phép tôi nghĩ rằng: Lời Chúa phán: “Sự thực sẽ cứu chữa chúng con” (Ga 8,32) đã ứng nghiệm ngay cả trong trường hợp cứu chữa con người khỏi bệnh phần xác. Cứu chữa do phối hợp những hệ thống sự thực về khoa học, về tâm lý, về nghệ thuật và về đạo đức.

Từ kinh nghiệm sống động đã trải qua, tôi nghĩ tới sự cứu chữa con người trong lãnh vực thiêng liêng.

Lãnh vực thiêng liêng nơi con người là rất mênh mông. Ở đây, tôi tự giới hạn dòng suy nghĩ của tôi ở mấy điểm mà thôi.

I. Mấy cơ năng cần được cứu chữa

 Cứu chữa đôi mắt

Mắt nói đây là mắt tâm hồn. Mắt tâm hồn nhìn, có khi đúng có khi sai. Nhìn sai là vì mắc bệnh. Bệnh mắt tâm hồn đã được nhiều lần nói tới trong Phúc Âm. Xin phép trích mấy trường hợp Chúa Giêsu đã nói:

Sao anh thấy cái rác trong mắt người anh em, mà cái xà trong con mắt anh thì anh lại không thấy?" (Lc 6,41).

Có phải vì thấy tôi tốt lành nhân ái, mà các anh đâm ra ghen tức?" (Mt 10,15).

Giả như Thầy không làm giữa họ những việc không một ai khác đã làm, thì họ đã không có tội. Nhưng nay họ đã thấy rồi, mà vẫn ghét cả Thầy lẫn Cha Thầy. Như thế là ứng nghiệm lời đã viết trong sách Luật của họ: Chúng ghét con vô cớ” (Ga 15,24-25).

Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây, các ông nói: Các ông đã thấy, nên tội các ông vẫn còn” (Ga 9,40).

Chỉ mấy lời Chúa phán trên đây cũng đủ cho ta đoán được bệnh của mắt tâm hồn là nhiều thứ: Như định kiến, thiển cận, tự cao tự mãn, ghen tương, độc đoán.

Mắc bệnh thì tất nhiên cần phải chữa trị. Nhưng khổ nỗi người mắc bệnh không nhận ra mình mắc bệnh. Nhìn sai mà vẫn đinh ninh mình nhìn đúng. Tính cố chấp trong cái nhìn sai của mình sẽ dần dần dẫn tới vực sâu thảm khốc. Gây hại cho cộng đoàn, cho cá nhân người khác, nhất là cho chính mình, đời này cũng như đời sau.

Ðôi mắt rất cần được cứu chữa. Và thuốc cứu chữa là sự thực.

 Cứu chữa miệng lưỡi

Miệng lưỡi nói đây là nơi phát ra lời nói. Có lời nói tốt và cũng có lời nói không tốt. Người nói sẽ phải chịu trách nhiệm về mọi lời mình nói. Chúa phán: “Ðến ngày phán xét, người ta sẽ phải trả lẽ về mọi lời vô ích mình đã nói. Nhờ lời nói của anh mà anh sẽ được trắng án. Và cũng vì lời nói của anh mà anh sẽ bị kết án” (Mt 12,36).

Các lời vô ích mà cũng bị đem ra xét xử. Phương chi những lời nói gian, nói dối, nói hành, nói xấu, nói độc địa, nói vu khống, nói tục tĩu.

Về miệng lưỡi, thánh Giacôbê đã có những lời nhận định đầy răn đe: “Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kiềm chế toàn thân. Nếu ta tra hàm thiếc vào miệng ngựa để bắt chúng vâng lời, thì ta điều khiển được toàn thân nó. Anh em cũng hãy nhìn xem tàu bè: dù nó có to lớn, và có bị cuồng phong đẩy mạnh thế nào đi nữa, thì cũng chỉ cần một bánh lái rất nhỏ để điều khiển theo ý của người lái.

“Cái lưỡi cũng vậy. Nó là một bộ phận nhỏ bé của thân thể, mà lại làm được những chuyện to lớn. Cứ xem tia lửa nhỏ bé dường nào, mà làm bốc cháy đám rừng to lớn biết bao. Cái lưỡi cũng là một ngọn lửa, là cả một thế giới của sự ác. Cái lưỡi có một vị trí giữa các bộ phận của thân thể chúng ta, nó có thể làm cho toàn thân ta bị ô nhiễm, đốt cháy bánh xe cuộc đời, vì chính nó bị lửa hoả ngục đốt cháy.

“Thật thế, mọi loài thú vật và chim chóc, loài bò sát và cá biển, thì loài người đều có thể chế ngự được và đã chế ngự được. Nhưng cái lưỡi thì không ai chế ngự được. Nó là một sự dữ không bao giờ ở yên, vì nó chứa đầy nọc độc giết người” (Gc 3,2-8).

Nếu ta tin những lời trên đây là sự thực cứu độ, thì ít ra ta phải coi việc cứu chữa miệng lưỡi của ta là một trách nhiệm quan trọng. Nhận định đó là một sự thực cần thiết khởi đầu cho nhưng sự thực khác có khả năng cứu chữa miệng lưỡi ta.

 Cứu chữa trái tim

Trái tim nói đây là lòng dạ con người. Nó ám chỉ một cái gì rất sâu kín vô hình trong tâm hồn. Nơi đó chứa chất mọi động lực, mọi năng lượng chi phối cuộc sống. Một ví dụ: Một dòng sông. Dòng sông có mặt nước nhiều khi coi rất trong và phẳng lặng. Nhưng dưới mặt nước đó có những dòng nước ngầm chảy xiết. Và dưới những dòng nước ngầm đó, lại còn đáy sông với vô số sinh vật, sỏi, đá, bùn, rong. Một ví dụ khác: Một cây thông. Cây thông bề ngoài là lá cành và vỏ cứng. Nhưng bên trong là các lớp mềm mang nhựa sống từ gốc rễ ăn sâu vào đất.

Con người ta có phần bề ngoài. Và có phần bề trong. Có phần ý thức và sâu hơn là phần tiềm thức và phần vô thức. Lòng dạ được hiểu chung chung về những phần sâu, và phần bên trong.

Chúa Giêsu, khi đề cập đến tội, thường chỉ vào lòng dạ như nơi phát xuất. Như có lần Chúa phán: “Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất ý định xấu: Tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác tráng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả điều xấu đó đều bên trong xuất ra, làm cho con người ra ô uế” (Mc 7,29).

Những lời Chúa phán trên đây là sự thực cứu độ. Căn cứ vào đó, ta thấy sự cứu chữa lòng dạ của ta là việc không thể nào coi thường được.

Nếu không cứu chữa mình về mắt, về miệng lưỡi, về lòng dạ, ta sẽ bị làm nô lệ tội lỗi, và các tính mê nết xấu. Chúng xiềng xích ta. Chúng khống chế ta. Chúng xâm chiếm tâm hồn ta. Ta mất tự do tâm hồn. Cứu chữa trái tim, miệng lưỡi và đôi mắt bằng cách nào?

II. Nguồn lực cứu chữa

Thiết tưởng bằng ba sự thực sau đây:

Trước hết là sự thực về tự do nội tâm nhờ Chúa Thánh Thần. Kinh Thánh dạy: “Ở đâu có Thánh Thần của Thiên Chúa, ở đấy có tự do” (2 Cor 3,17). Chúa Thánh Thần sẽ tái sinh chúng ta vào sự sống người con bé nhỏ của Chúa, biết lắng nghe tiếng Chúa, biết vâng phục ý Chúa, biết đón nhận Chúa. Lúc đó sẽ ứng nghiệm lời Chúa phán: “Ánh sáng chiếu trong bóng tối. Chúa đến trong nhà của Người” (Ga 1,5.11). Tâm hồn ta trống vắng những quyền thống trị của tính mê tật xấu, đầy thinh lặng, để Chúa đi vào ngự trị.

Ngoài ra, cũng cần có sự thực về phát triển khôn ngoan và ân sủng, theo gương Chúa Giêsu cũng nhờ Chúa Thánh Thần. Ðặc điểm sự lớn lên của Chúa Giêsu tại Nagiarét là “càng lớn lên càng thêm khôn ngoan và ân sủng” (Lc 2,52). Sự phát triển khôn ngoan và ân sủng cũng do Chúa Thánh Thần. Nhờ khôn ngoan và ân sủng, chúng ta sẽ có những chọn lựa đúng, vừa theo tinh thần Phúc Âm, vừa sát với hoàn cảnh thực tế. Chúng ta sẽ biết trút bỏ khỏi lòng ta những chuyện người khác làm nặng lòng ta một cách vô ích. Chúng ta được tự do phát triển tình thương Tin Mừng. Chúng ta biết phối hợp các sự thực đạo đức với các sự thực khác như khoa học, kinh tế, nghệ thuật để phát triển con người của ta.

Sau cùng là sự thực về truyền giáo nhờ ơn sai đi của Chúa Thánh Thần. Chúng ta sẽ ý thức mình được Chúa Thánh Thần sai đi. Gieo rắc Tin Mừng, bằng những phương pháp hợp thời, bén nhạy với thời cơ và nguy cơ, sát tâm lý từng người từng nơi. Thao thức truyền giáo đưa ta đến thói quen cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa.

Ðược Chúa Thánh Thần tái sinh ta vào ba sự thực nói trên, ta sẽ dần dà thành một tạo vật mới, nên con người phát triển, biết phấn đấu với chính mình, ra đi phục vụ trong bình an và đầy tâm tình ca ngợi Thiên Chúa, Ðấng cứu độ ta.

ù

III. Dấu chỉ thời đại mới

Ðể kết luận, tôi xin kể một mẩu chuyện nhỏ.

Mới rồi, trong thời gian ba tuần điều trị ở Paris, tôi chỉ ra phố có một lần, để đi thăm người thân cũng bệnh và già yếu. Người lái taxi chở tôi là một thanh niên. Tôi ngồi cạnh anh. Hình như anh biết tôi đang đau đớn và mang nhiều ưu tư. Một lúc bất ngờ, anh quay sang hỏi tôi: Cha có quen bài hát thánh giá không? Tôi trả lời không, và yêu cầu anh hát cho nghe. Với giọng trầm ấm, anh hát nhẹ và rất rõ từng lời. Hát như cầu nguyện. Tất nhiên đó là bài hát tiếng Pháp. Dễ hiểu và cũng dễ nhớ. Tôi ghi lại đại khái:

Ôi thánh giá của tình yêu
Thánh giá vươn cao lên trời
Ðể chỉ cho con biết con được sinh ra từ đâu
Thánh giá là ngón tay của Chúa
Chỉ cho con biết đường đến
hạnh phúc phải qua thánh giá
Con xin dâng phó mình con cho thánh giá.
Ôi thánh giá của Chúa Giêsu
Thánh giá là ngôi sao thiên đàng
Ánh sáng của sao thánh giá
dẫn con đến trái tim Chúa
Khi con chìm trong bóng tối
Xin hãy cứu con
Xin làm sống lại hy vọng nơi con
.

Phải nói thiệt là anh đã đem lại tươi mát cho tâm hồn tôi lúc đó. Hỏi chuyện anh, tôi được biết anh là người trở lại, và đã kéo được một gia đình trở lại đạo. Tôi có cảm tưởng anh và các bạn anh là người đang ra khơi, gieo rắc Tin Mừng trên mọi nẻo đường phục vụ con người giữa Paris rộng lớn. Rất âm thầm, rất tế nhị.

Ðiều đã gây ấn tượng nhất nơi tôi, là: Anh thường cầu nguyện với bài hát đó khi đưa khách, khi đợi khách, khi sống với vợ con trong căn nhà khiêm tốn.

Qua một số kinh nghiệm như trên, tôi có cảm tưởng là Hội Thánh đang đi vào những chuyển biến lớn.

Một đàng là sự lan tràn những thái độ dửng dưng, chán ngán đối với cách sống đạo và truyền đạo ồn ào, nặng về lý thuyết và hình thức, trống vắng sự thực Tin Mừng.

Một đàng là sự đang mọc lên những khát vọng đi tìm và đón nhận những nhân chứng hiện tại sống âm thầm khiêm tốn, tận tuỵ phục vụ con người, phấn đấu xây dựng những con người phát triển, gắn bó với đời sống cầu nguyện và Lời Chúa.

Ðúng là đang xuất hiện một sự tái sinh với việc tân phúc âm hoá dưới sự hướng dẫn đầy khôn ngoan và ân sủng của Chúa Thánh Thần.

Phải chăng đây là dấu ấn đặc biệt của đầu thế kỷ XXI, hứa hẹn một dung mạo mới của một Hội Thánh mới, nghèo về quyền lực, nhưng dồi dào sức sống mới, do chính Sự Thực cứu độ, và Tin Mừng là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Long Xuyên, ngày 23 tháng 7 năm 2002