Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐƯỢC CHỌN VÀ SAI ÐI -2001-
 RA KHƠI THẢ LƯỚI TÌNH THƯƠNG -2002-

Thánh Gioan Baotixita,
Người Làm Chứng Cho Chân Lý

Chúa Giêsu đã quả quyết về sứ mệnh của chính mình: “Tôi đã sinh ra và đến trong thế gian vì mục đích này. Ðó là để làm chứng cho chân lý” (Ga, 19,37).

Lời Chúa trên đây thiết tưởng cũng đã ứng nghiệm nơi thánh Gioan Baotixita. Thánh Tiền Hô được sinh ra và được sai đi cũng vì mục đích làm chứng cho chân lý.

Chân lý là một vũ trụ bao la, gồm nhiều lãnh vực. Lãnh vực Ngài được sai vào để làm chứng là lãnh vực cứu độ. Trong lãnh vực này, Ngài tập trung làm chứng cho chân lý căn bản. Chân lý căn bản là chính Chúa Giêsu.

 Chân lý cứu độ

Suốt đời, thánh Gioan Baotixita ý thức mình được sai đi dọn đường cho Ðấng Cứu thế. Ông Dacaria đã hiểu như thế về con mình: “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Ðấng Tối Cao. Con sẽ đi trước Chúa mở lối cho Người” (Lc 1,76).

Thực vậy, Gioan Baotixita đã đi trước Chúa Giêsu và đã giới thiệu Chúa Giêsu.

Một hôm, Gioan Baotixita thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình, liền nói: “Ðây là Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xoá tội trần gian. Chính Người là Ðấng tôi đã nói tới, khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì Ngài có trước tôi” (Ga 1,29-30). Như thế, chân lý cứu độ là chính Chúa Giêsu. Ngài là Ðấng mà Gioan Baotixita tôn thờ, kính yêu.

Thái độ khiêm tốn của Gioan Baotixita trong chức vụ dọn đường đã được Ngài bộc lộ nhiều cách: “Tôi chỉ là tiếng kêu trong sa mạc: Hãy sửa đường cho thẳng, để Ðức Chúa đi” (Ga 1,23).

Người phải nổi lên, còn tôi phải lu mờ đi” (Ga 3,30). “Tôi không đáng quỳ xuống cởi dây giày cho Người” (Mc 1,7).

Khi giới thiệu Chúa Giêsu là chân lý cứu độ, thánh Gioan Baotixita không đưa ra một học thuyết nào của Chúa Giêsu, để khuyên người ta tin theo học thuyết đó. Nhưng thánh Gioan Baotixita chỉ khuyên người ta hãy đến gặp Chúa Giêsu, hãy tiếp xúc với Chúa Giêsu. Cách giới thiệu như thế coi như đơn sơ mà lại rất sâu sắc.

Bởi vì đến một lúc nào Chúa muốn, người gặp gỡ Chúa Giêsu sẽ cảm nghiệm được sự thực về Ngài như thánh Phaolô xưa: “Những gì xưa kia tôi là cho là có lợi, thì nay, vì Ðức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Ðức Kitô, Chúa của tôi. Vì Ngài, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rơm rác, để được Ðức Kitô, và được kết hợp với Người” (Ph 3,7-8). Thực không gì hạnh phúc bằng gặp được Chúa Giêsu, Ðấng đã phán: “Chính Thầy là con đường, là chân lý và là sự sống” (Ga 14,6).

 Chân lý kêu gọi sám hối

Chúa Giêsu chú trọng rất nhiều đến sám hối.

Trước khi Chúa Giêsu rao giảng sự sám hối, thì thánh Gioan Baotixita đã dọn đường cho Ngài cũng bằng việc sám hối. Ngài coi đó là một sự thực quan trọng. Ngài xuất hiện trong hoang địa, rảo quanh các thành, khuyên bảo mọi người bỏ đàng tội trở về đàng lành. Ngài làm phép Rửa cho những ai thống hối, như một dấu chỉ tha tội.

Sở dĩ uy tín của Gioan Baotixita về việc rao giảng sám hối được dâng cao, một phần cũng do uy tín con người và cuộc sống của Ngài. Ngài rất khó nghèo, rất từ bỏ, rất khắc khổ, nhất là chìm sâu vào cầu nguyện chiêm niệm. Như có một thứ phản ánh nhiệm mầu đến từ Ðức Kitô.

Thánh Gioan tông đồ viết về Gioan Baotixita: “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng. Nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng” (Ga 1,6-8).

Sự sám hối, mà Gioan Baotixita khuyên mọi người hãy ráng thực hiện, là hãy ăn năn về thói quen làm hại người khác, do phạm đến công bình bác ái, bê trễ với bổn phận, và lối sống nông nổi, không chịu đi tìm chân lý, nhất là chân lý về mục đích đời mình.

Thực là dại dột, nếu tưởng mình biết nhiều sự thực đủ loại, nhưng sự thực về chính mình thì lại không biết rõ, không biết đúng và không biết đủ. Những thiếu sót đó mới đáng sợ. Cần phải sám hối về những lỗi lầm đó. Bởi vì những lỗi lầm đó có thể sinh ra những trái xấu, gây tai hại khủng khiếp cho chính mình, đời này và đời sau.

Cái rìu đã đặt sát gốc cây, bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3,10).

 Chân lý đem lại sự sống dồi dào

Có lúc, thánh Gioan Baotixita, muốn cho các môn đệ của mình hiểu thêm về Chúa Giêsu, nên đã sai họ đến hỏi Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, Thầy có đúng là Ðấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác. Ðức Giêsu trả lời: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều các anh đã mắt thấy tai nghe. Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,3-5).

Với những chi tiết tỉ mỉ nêu trên, Chúa Giêsu đã cho thánh Gioan Baotixita thêm một hình ảnh về Ngài. Hình ảnh đó là hình ảnh chân lý mang lại sự sống, sự sống dồi dào.

Ðây là một hình ảnh mà chính Ðức Kitô đã đưa ra để làm chứng về mình. Hình ảnh này sẽ là một bổ túc cần thiết cho sứ mạng giới thiệu của thánh Gioan Baotixita. Thánh Gioan Baotixita lúc đó sắp bước vào giai đoạn kết thúc đời mình. Khi nhận được một hình ảnh đẹp như thế về Ðấng Cứu thế, thánh Gioan Baotixita rất được an ủi. Ngài có thể an tâm ra đi, vì Ðấng Cứu thế mà Ngài giới thiệu, chính là tình yêu thương xót. Những ai gánh nặng có thể đến với Ngài (Mt 11,28). Những ai như những con chiên không được ai chăm sóc, có thể tin tưởng vào Ngài (Mt 9,37).

Thánh Gioan Baotixita không để lại được của cải gì cho các môn đệ Ngài. Nhưng Ngài đã để lại rất nhiều. Ðó là để lại một hình ảnh đẹp nhất, dễ thương nhất, mà mọi người đang rất cần. Hình ảnh ấy là hình ảnh Chúa chiên lành nơi Ðức Giêsu. Chúa chiên có trái tim đầy tình thương xót. Với trái tim ấy, Chúa Giêsu kêu gọi: “Nếu ai khát, hãy đến cùng Ta. Ai tin vào Ta, hãy đến mà uống. Như Kinh Thánh đã nói: Từ trái tim Người sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7,38).

Riêng đối với tôi, đây là một dự trữ tình thương vô cùng quí giá. Dự trữ tình thương là nơi thường xuyên có tình thương. Tình thương phục vụ, tình thương tha thứ, tình thương hy sinh, tình thương khiêm nhường. Dự trữ này là nguồn an ủi vô giá cho tôi. Cho dù có lúc xem ra mất hết, nhưng còn dự trữ này thì vẫn có hy vọng chắc chắn cho hành trình cuộc sống, nhất là trong những giờ khó khăn phấn đấu cho Nước Trời.

Long Xuyên, ngày 15 tháng 6 năm 2002