Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐƯỢC CHỌN VÀ SAI ÐI -2001-
 RA KHƠI THẢ LƯỚI TÌNH THƯƠNG -2002-

Năm Ra Khơi Thả Lưới Tình Thương

Tôi mới thực hiện một chuyến đi dài. Từ Việt Nam tới Italia. Ði chung với đoàn các Giám mục Việt Nam. Ðể viếng mộ hai thánh tông đồ Phêrô – Phaolô. Ðể bái yết Ðức Thánh Cha và chào thăm Toà Thánh.

Tôi đã được thấy nhiều, nghe nhiều, gặp gỡ nhiều. Tất cả đã để lại trong tôi những hình ảnh đẹp.

Ðang khi nhiều hình ảnh đã bắt đầu mờ phai, thì có những hình ảnh lại cứ bước sâu mãi vào tâm thức tôi. Chúng trở thành ấn tượng, gây nên thao thức, gợi lên suy nghĩ. Hình như chúng muốn giúp tôi tìm ra điều tôi đang tìm kiếm.

Ðiều tôi đang tìm kiếm, là thánh ý Chúa. Người muốn tôi là gì và làm gì trong hoàn cảnh cụ thể hiện nay. Hoàn cảnh cụ thể là nơi chốn tôi đang ở, là năm tháng lịch sử đang trôi nhanh, là những con người tôi đang phục vụ, là chính bản thân tôi với chuyển biến do sức khoẻ và tuổi tác.

Khi viếng mộ hai thánh tông đồ, tôi nhìn hai bản lãnh khác nhau đó trong một nét đẹp chung. Ðó là hai đấng cùng hết sức sống theo thánh ý Chúa. Ý Chúa về các ngài là các ngài trở thành môn đệ Ðức Kitô. Các ngài thực hiện những điều căn bản của người môn đệ Ðức Kitô là: Từ bỏ mình, vác thánh giá mình và đi theo Ðức Kitô. Ðể cùng với Ðức Kitô, các ngài làm chứng Thiên Chúa là tình yêu cứu độ.

Khi được diện kiến Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, tôi gặp được nơi Ngài hình ảnh người môn đệ Ðức Kitô đang sống mạnh mẽ sự từ bỏ mình, sự vác thập giá mình, và sự bước theo Ðức Kitô. Khi tôi trình với Ngài những kinh nghiệm của tôi về mầu nhiệm thánh giá, Ngài ngẩng đầu lên, nhìn tôi một cách âu yếm. Tôi nói với Ngài ý kiến của tôi là: Thời nay, tôi chăm chú theo gương các Giáo phụ. Cố gắng giới thiệu Tin Mừng và bênh vực Tin Mừng vừa bằng đạo đức, vừa bằng trí thức. Ðó cũng là một nhu cầu mục vụ mà chính Ðức Thánh Cha đang đáp ứng. Nghe vậy, Ðức Thánh Cha tỏ ý rất đồng tình.

Qua những phút gặp gỡ Ðức Thánh Cha, tôi hiểu thêm về thánh ý Chúa trong việc làm chứng Thiên Chúa là tình yêu cứu độ trong hoàn cảnh hiện nay.

Khi tiếp xúc với các Bộ của Toà Thánh, tôi nhận ra phần nào những đòi hỏi mới nơi người môn đệ Ðức Kitô trong một thế giới mới đang biến chuyển. Ðể đáp ứng, tôi cần phải tái sinh mỗi ngày. Tôi cần phải tự đào tạo thêm một cách thường xuyên về các mặt nhân bản, trí thức, đạo đức, mục vụ. Tôi sẽ làm những việc đó trong sự hiệp thông rộng rãi và chặt chẽ với hàng giáo phẩm và Toà Thánh. Ðược thế, tôi hy vọng sẽ làm chứng Thiên Chúa là tình yêu một cách có sức thuyết phục giữa một xã hội mang nhiều thách đố.

Khi qua lại nhiều con đường tại thành phố Rôma, tôi gặp thấy mấy người ăn xin. Họ thuộc đủ dạng. Bây giờ tôi còn nhớ rõ hình ảnh họ: Một cô gái xanh xao, giơ tay xin tiền với những lời than van thảm thiết. Một bà dắt đứa con nhỏ, nài nẵng xin chút tiền nuôi con đang đói. Một ông già ngồi gảy đàn trước một cái giỏ, đợi chờ những đồng tiền lẻ của kẻ qua người lại bố thí. Một người đàn ông ngồi bên con chó, miệng xin, tay lạy.

Nhìn những người ăn xin như thế này, tôi tự nhiên nghĩ tới Chúa Giêsu. Chính Ngài đã mang thân phận kẻ cùng khổ, kẻ bị loại trừ. Có lúc dân chúng đã loại trừ Ngài. Quyền bính đạo đời cũng đã loại trừ Ngài. Ngài trải qua những phút cô đơn cùng cực. Ðến nỗi có lúc Ngài có cảm tưởng như chính Ðức Chúa Cha cũng bỏ quên Ngài. “Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con?” (Mc 15,34). Ngài nói lời đó trên thánh giá, như một lời van xin tha thiết.

Tất cả những khổ đau Chúa Giêsu tự nguyện mang lấy vào thân, là để làm chứng Thiên Chúa là tình yêu cứu độ. Yêu, nên gánh tội thiên hạ. Yêu, nên đền tội cho nhân loại. Yêu, nên chia sẻ thân phận những người khốn cùng. Yêu, nên tha thứ. Yêu, nên âm thầm đổi mới lòng người.

Nhờ ơn Người, đã có một sĩ quan ngoại đạo, sau khi chỉ huy đóng đinh Chúa Giêsu, đã nhận ra chính người mình đóng đinh là Con Thiên Chúa.

Nhờ ơn Người, đã có một Saolô, sau khi hung hăng bắt bớ những người tin theo Ðức Kitô, đã gặp được Ðức Kitô, và trở thành tông đồ Phaolô, hăng say rao giảng Ðức Kitô là Ðấng Cứu độ.

Những thay đổi nội tâm đó là rất bất ngờ. Thời xưa đã có. Thời nay vẫn còn. Trong âm thầm kín đáo. Chúa làm, nhưng Chúa kêu gọi mỗi người hãy cộng tác với Người bằng sự chấp nhận những hy sinh, trong tinh thần yêu thương và cầu nguyện khiêm tốn.

Khi nhìn những người ăn xin trên đây, và khi tôi có cảm tưởng là Chúa Giêsu đang ở trong họ, tôi tự nhiên ray rứt tự hỏi mình: Phải chăng Chúa muốn dùng họ, để gợi ý cho tôi về phong cách cầu nguyện giữa một xã hội đầy tự đắc. Phải chăng Chúa muốn tôi gần gũi với lớp người nghèo, để cùng với Ðức Kitô làm chứng Thiên Chúa là tình yêu giữa một thế giới đang đợi chờ một trật tự mới công bằng hơn, nhân đạo hơn?

Có lúc, tôi nói với mình rằng: Một cách nào đó, tôi phải bắt chước những người ăn mày này. Biết đâu, nếp sống nghèo, khiêm tốn, cầu nguyện lại là cái máng tốt, có sức chuyển ơn Chúa xuống cho các linh hồn.

Biết đâu những việc bác ái âm thầm, những hy sinh câm nín làm cho người nghèo lại là những của lễ Chúa đang đợi chờ nơi chúng ta, để góp phần vào việc cứu độ nhân loại.

Từ những cảm xúc này, tôi nghĩ tới lời Ðức Thánh Cha kêu gọi: Hãy ra khơi. Ngài bảo chúng ta hãy ra khơi là hãy ra giữa đời để đưa mọi người về với Chúa. Có thể mỗi người sẽ ra đi theo cách của mình. Riêng tôi, tôi muốn ra khơi với chiếc lưới tình thương. Lưới nhỏ bé thôi. Ra đi một cách âm thầm thôi.

Tình thương của tôi rất nghèo nàn, rất thiếu sót. Nên tôi sẽ ra đi, không với tình thương của tôi, mà với tình thương của Chúa Thánh Thần. Sống trong Chúa Thánh Thần, chúng ta phải dứt bỏ mọi ý riêng. Bởi vì Ngài hoạt động với rất nhiều sáng tạo, nhiều mới mẻ, nhiều sâu sắc. Ngài như gió, chúng ta không thể biết được Ngài từ đâu đến, đến lúc nào và thổi vào đâu (Ga 3,8). Chúng ta cần ngoan ngoãn tỉnh thức vâng phục Ngài.

Ðể nghe được tiếng Ngài, chúng ta nên thinh lặng. Ngài đang thực hiện nhiều đổi mới lạ lùng nơi nhiều môn đệ Ðức Kitô. Nhờ vậy họ có thể dần dần trở nên giống Thiên Chúa tình yêu và biết cách làm chứng cho Thiên Chúa tình yêu một cách thích hợp trong những hoàn cảnh khác nhau. Ngài đổi mới họ một cách lặng lẽ: Những môn đệ Ðức Kitô được đổi mới đó đang thả lưới tình thương giữa xã hội hôm nay một cách khiêm tốn, nhưng hữu hiệu, hợp thánh ý Chúa.

Vì thế, tôi cầu chúc: Năm mới này sẽ là năm ra khơi thả lưới tình thương. Lời cầu chúc này tất nhiên đòi nhiều dứt bỏ, nhiều dấn thân và nhiều cầu nguyện.

Ngày 27 tháng 01 năm 2002
Trên máy bay về Việt Nam