Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐƯỢC CHỌN VÀ SAI ÐI -2001-
 RA KHƠI THẢ LƯỚI TÌNH THƯƠNG -2002-

Sau 26 Năm,
Nhìn Vào Cánh Ðồng Truyền Giáo Hôm Nay

Cách đây 26 năm (30-4-1975), Chúa sai tôi vào địa phương này. Người dặn bảo tôi cũng những lời xưa Người đã nói với các tông đồ: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Con hãy xin chủ mùa gặt sai thợ gặt ra đồng, để họ gặt lúa đem về, và chính con, con cũng hãy ra đi” (Lc 10,2-3).

Tôi đã cố gắng làm như lời Chúa dạy.

Hôm nay, sau hơn một phần tư thế kỷ, Chúa lại chỉ vào địa phương này mà nói với tôi. Người cũng nói những lời tương tự, như xưa Người đã nói với các tông đồ: “Con hãy ngước mắt lên xem đồng lúa đã chín vàng, đang chờ ngày gặt hái” (Ga 4,35). “Thầy sai con đi gặt những gì con đã không phải vất vả và làm ra, những người khác đã làm lụng vất vả. Còn con, con được hưởng kết quả công lao của họ” (Ga 4,38).

Ðúng là như vậy, nhờ nhiều cộng tác viên tốt hoạt động truyền giáo, mà cánh đồng truyền giáo tại đây đang là “đồng lúa đã chín vàng”.

Tôi mượn những lời Phúc Âm trên đây, để nói lên một sự thực. Ðó là việc truyền giáo tại địa phương thân yêu này đã và đang có nhiều tiến triển.

Nếu hỏi: Nhờ những gì mà được như vậy, thì tôi xin thưa:

Nhờ Chúa.

Trước hết, nhờ Chúa là nhờ thực hiện kế hoạch truyền giáo, mà Chúa Giêsu đã vạch ra trong bài giảng đầu tiên của Người tại Nagiarét (Lc 4).

 Ðại cương kế hoạch truyền giáo

Kế hoạch truyền giáo này gồm 4 điểm chính:

1. Nguồn mạch ơn truyền giáo là Chúa Thánh Thần. “Chúa Thánh Thần ngự trên tôi” (Lc 8,18). Hội Thánh sai chúng tôi đi, qua bí tích rửa tội, thêm sức, truyền chức và chứng từ bổ nhiệm. Trong sự sai đi đó đã có ơn Chúa Thánh Thần. Ơn này là thường xuyên. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, ơn Chúa Thánh Thần đã đến với chúng tôi một cách bất ngờ. Ðến như một thúc đẩy từ bên trong nội tâm. Ðến như một lời mời gọi từ con người và xã hội. Chúng tôi cảm thấy cần chia sẻ Tin Mừng cho những người xung quanh. Một cách nào đó, tế nhị, kín đáo qua thái độ sống của mình.

2. Ðối tượng truyền giáo là người nghèo khổ. “Chúa sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khổ” (Lc 4,18). Nghèo khổ ở đây được hiểu một cách rộng rãi: Nghèo về của cải, nghèo về trí tuệ, nghèo về địa vị, nghèo về tình yêu, nghèo về học vấn, nghèo về đạo đức. Họ thuộc bất cứ giai cấp nào, có tín ngưỡng hay không có tín ngưỡng.

Ðem Tin Mừng cho người nghèo khổ là một mệnh lệnh Chúa truyền. Chúng tôi phải luôn thao thức về mệnh lệnh đó.

3. Hoạt động chính của truyền giáo là hoạt động Lời Chúa. “Chúa Giêsu mở sách ra, đọc, rồi gấp sách lại, và cắt nghĩa” (Lc 4,17-20). Người đem Lời Chúa áp dụng vào cuộc sống con người đang nghe (Lc 4,21-22).

Ðọc Lời Chúa, suy gẫm Lời Chúa, lắng nghe Lời Chúa, áp dụng Lời Chúa, công bố Lời Chúa. Ðó là những việc đã gây được nhiều ảnh hưởng tốt trong kế hoạch truyền giáo.

4. Tin Mừng mở về phía dân ngoại. Trong bài giảng đầu tiên, Chúa Giêsu nhắc tới việc tiên tri Êlia được Chúa sai đến thành Sarepta, để giúp đỡ một bà goá ngoại đạo, trong thời kỳ hạn hán đói khát. Chúa Giêsu cũng nhắc tới việc tiên tri Êlisa đã chữa bệnh phong cùi cho một viên sĩ quan ngoại đạo, người xứ Syria, tên là Naaman (Lc 4,25-27). Tin Mừng được mở ra về phía người ngoại, đó là điều Chúa chủ ý làm. Với việc mở ra này, Chúa có vẻ quan tâm đến người ngoại hơn người có đạo. Sự quan tâm này đã gây ngạc nhiên và bất bình nơi một số người có đạo (Lc 4,28). Nhưng Chúa Giêsu vẫn bình tĩnh, không chút nao núng, Người tiếp tục ra đi truyền giáo (Lc 4,30).

Theo gương Chúa, chúng tôi đã làm như vậy.

 Sự khôn ngoan truyền giáo

Trên đây là mấy điểm căn bản của kế hoạch truyền giáo. Khi thực hiện những điều đó trên một nơi nhất định và trong một thời điểm nhất định, người truyền giáo phải rất khôn ngoan.

Sự khôn ngoan nói đây là phải biết lắng nghe ý Chúa trong đời sống con người và xã hội, là phải biết chọn lựa giải đáp theo ý Chúa, là phải biết nói và làm theo cách Chúa muốn. Thí dụ: Nên truyền giáo ưu tiên ở những nơi nào, nên đầu tư sức lực vào công việc gì, nên chọn cách nào thích hợp hơn để làm chứng Chúa là Tin Mừng và đạo Chúa là người đem Tin Mừng đến cho đồng bào. Ðể biết đáp ứng, tất nhiên phải xem xét, suy nghĩ. Nhưng nhất là phải cầu nguyện thực nhiều.

Kinh nghiệm cho thấy sự khôn ngoan truyền giáo khởi đi từ sự khiêm nhường. Bởi vì có khiêm nhường thì mới biết từ bỏ mình để cậy nhờ ơn Chúa và đón nhận ơn Chúa. Có khiêm nhường thì mới phấn đấu, học hỏi, nghiên cứu, mới chịu khó đi sâu vào thực tại lịch sử. Có khiêm nhường, thì mới biết tôn trọng những sự cộng tác khác nhau của những người gần xa. Không thiếu trường hợp, những người có khả năng và thiện chí giúp mình truyền giáo lại là những người ngoại đạo, không có đạo hoặc có vẻ bê bối và ít học.

Nói về sự khiêm nhường là yếu tố cần cho người truyền giáo, tôi nhớ lại thánh Phêrô. Ngài có đức tin rất mạnh. Ngài tuyên xưng mạnh mẽ: “Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,6). Ngài rất can đảm kiên cường: “Tôi sẽ hy sinh mạng sống vì Thầy” (Ga 13,37). Ngài rất yêu mến Chúa Giêsu và gắn bó với Người: “Bỏ Thầy, thì chúng con biết đến với ai” (Ga 6,68). Nhưng Ngài tự đắc: “Dù tất cả đều vấp ngã, thì con nhất định là không” (Mc 14,29). Chúa Giêsu rất thương Phêrô vì lòng tin mạnh, vì lửa mến nồng nàn, vì ý chí kiên cường dũng cảm. Nhưng Người không chấp nhận sự tự đắc. Nhà truyền giáo mà tự đắc, thì sẽ khó cộng tác với ơn Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu đã dạy Phêrô một bài học khiêm nhường. Bài học đó là để cho thánh Phêrô chối Chúa ba lần. Lúc đó, Phêrô mới bừng tỉnh, trở nên hết sức khiêm nhường. Với sự khiêm nhường đó, Ngài đã ra đi truyền giáo. Kết quả thực rất lạ lùng. Bởi vì Chúa thương kẻ khiêm nhường và ban ơn dồi dào cho kẻ khiêm nhường.

 Bầu khí truyền giáo

Nhiều khi, tôi có cảm tưởng: Truyền giáo là một việc thường được hỗ trợ bởi một văn hoá Tin Mừng. Văn hoá Tin Mừng là con đường thuận lợi dẫn tới truyền giáo. Nó tạo ra bầu khí truyền giáo.

Thế nào là một bầu khí truyền giáo được tạo nên bởi một văn hoá Tin Mừng? Ðoạn văn sau đây của thánh Giustinô là một gợi ý: “Trong mọi dâng lễ, chúng ta ca tụng Ðấng tạo thành vũ trụ qua Ðức Kitô và Chúa Thánh Thần. Có những ngày lễ, tất cả đều qui tụ trong một nơi. Người ta đọc lại sách Tông đồ công vụ và những đoạn sách các tiên tri, tuỳ theo thời giờ cho phép. Ðọc xong, người chủ toạ khuyên nhủ mọi người hãy bắt chước những gì đã nghe. Sau đó, mọi người đứng dậy, cùng nhau cầu nguyện. Cầu nguyện xong, người ta mang bánh và rượu đến, vị chủ toạ dâng thánh lễ. Lễ xong, mọi người được phân phát bánh thánh. Rồi, những ai dư giả sẽ tự do cho đi những gì mình có. Họ trao cho vị chủ toạ. Từ đó, cộng đoàn lo giúp các người mồ côi, các bà goá, các người bệnh, các người thiếu thốn, các tù nhân, các người khách trọ. Nói chung, là họ lo lắng giúp đỡ những ai thiếu thốn” (Justin, Apologie, 1,67, 1-7)

Ðoạn văn này cho thấy cộng đoàn tín hữu sống với nhau trong bầu khí Tin Mừng. Một bầu khí khiêm nhường, yêu thương, liên đới, vừa có chiều kích tự nhiên nhân ái, vừa có chiều kích bác ái siêu nhiên. Qui tụ, để nghe Lời Chúa, dâng lễ cầu nguyện, chia sẻ, và rồi ra đi, đến với những người thiếu thốn. Cái tâm họ được nóng lên bởi Lời Chúa và tình yêu thương của cộng đoàn là một khích lệ, hứng khởi và ủi an, để hoan hỉ ra đi. Ra đi, để vừa cho đi quà tặng vật chất, vừa cho đi tình thương kính trọng, và vừa âm thầm giới thiệu niềm tin và hy vọng nơi Thiên Chúa mà mình tôn thờ. Bầu khí Tin Mừng, văn hoá Tin Mừng thường gây được những kết quả truyền giáo hơn các lớp giáo lý khô cứng và những bài giảng thuyết đầy lý luận sâu sắc, nhưng lạnh lùng.

ù

Hôm nay nhìn vào cánh đồng truyền giáo đầy lúa chín vàng, tôi hết lòng cảm tạ Chúa, và hết tình cảm ơn những ai đã góp phần tích cực vào cánh đồng này. Tất cả là hồng ân. Tất cả đều nói lên quyền năng của lòng thương xót Chúa.

Tâm tình tạ ơn cũng pha trộn tâm tình sám hối. Bởi vì chắc chắn chúng tôi đã có nhiều lỗi lầm trong nhiệm vụ truyền giáo.

Nhìn về phía trước, chúng ta thấy truyền giáo đang trở thành một mệnh lệnh khẩn cấp hơn trước. Làn sóng toàn cầu hoá sẽ tràn vào địa phương này, mang theo nhiều cái tốt và cũng nhiều cái xấu. Tình hình truyền giáo sẽ phức tạp hơn trước nhiều. Ưu tư đó đang đợi chúng ta những nghiên cứu mới, những suy nghĩ mới, những nhiệt tình mới, những sáng kiến mới, những chọn lựa mới.

Long Xuyên, ngày 20 tháng 4 năm 2001