Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐƯỢC CHỌN VÀ SAI ÐI -2001-
 RA KHƠI THẢ LƯỚI TÌNH THƯƠNG -2002-

NHÂN NGÀY CẦU CHO ƠN THIÊN TRIỆU
(21/4/2002)
Suy Nghĩ Về Tính Cách Nhưng Không

Hiện nay, tại Việt Nam, ơn gọi linh mục và tu sĩ đang được quí trọng. Sự quí trọng này là một thói quen đạo đức thực quí giá. Nhưng nó cần được xây dựng và thanh luyện trên những nền tảng Phúc Âm. Mục đích nhắm vào là để các giáo sĩ và tu sĩ cũng như các giáo dân trở thành một thứ ánh sáng thiêng liêng giữa đêm tối mênh mông của cuộc đời hỗn độn.

Trong mục đích đó, tôi xin chia sẻ một điều, mà tôi cho là quan trọng. Quan trọng vì Chúa Giêsu đòi hỏi. Quan trọng vì Hội Thánh mong chờ. Quan trọng vì xã hội đang đi tìm kiếm. Ðiều quan trọng đó là tính cách nhưng không.

Chúa Giêsu đã dạy điều đó trong Phúc Âm. Mọi tín hữu, đặc biệt là các giáo sĩ và tu sĩ đang được mời gọi chiếu sáng điểm đạo đức đó một cách rộng rãi và sâu sắc hơn nữa trong thời buổi này.

Trước hết, Chúa Giêsu dạy về tính cách nhưng không của tình Chúa ban tặng.

Thánh Gioan viết: “Tình yêu Chúa cốt ở điều này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa trước. Nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta. Người đã sai con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 3,16).

Như thế, tình Chúa thương ta là một quà tặng nhưng không. Tính cách nhưng không này đã được thánh Phaolô đề cao hơn nữa, khi ngài quả quyết chúng ta không xứng đáng chút nào với tình Chúa thương ta.

Ngài viết: “Bẩm sinh chúng ta là những kẻ đáng chịu cơn thịnh nộ của Thiên chúa, như những người khác. NhưngThiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dù chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được sống cùng với Ðức Kitô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ...

“Ðây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Chúa. Cũng không phải bởi các việc anh em đã làm. Ðể không ai có thể hãnh diện" (Ep 2,3-9).

Anh em có gì mà đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, thì sao lại vơ vinh quang vào mình như đã không nhận lãnh” (1 Cor 4,7).

Những lời Kinh Thánh trên đây là chân lý cứu độ. Chân lý này giải thoát chúng ta khỏi những sai lầm về nhận thức. Nhờ chân lý này, chúng ta sẽ biết đứng vào đúng chỗ của mình. Chỗ đó là khiêm nhường. Khiêm nhường là chỗ hợp lý dành cho ta.

Tuy nhiên, sự hợp lý này vẫn thường bị tính xấu xác thịt chống lại. Vì thế, chúng ta cần phải chiến đấu thường xuyên với chính mình. Bằng cầu nguyện và tập luyện khắc kỷ. Ðể khiêm tốn trở thành nếp sống nhuần nhuyễn hiền lành và tế nhị, trong suy nghĩ, trong ước mơ, trong thái độ cử chỉ, trong lời nói việc làm, trong ứng xử tiếp xúc.

Tôi nhấn mạnh đến phấn đấu với chính mình. Bởi vì trong mình ta thường có nhiều nhu cầu tìm được thoả mãn. Như nhu cầu được kính trọng, nhu cầu được yêu mến, nhu cầu được uy tín, nhu cầu được thành công, nhu cầu được hưởng thụ. Những nhu cầu như trên có khi kín đáo, có khi bộc lộ. Nhưng dù với hình thức nào, tất cả chúng đều sống động. Ðôi khi chúng sống động một cách quá mạnh mẽ, đến mức đẩy nhiều người vào những mù quáng, rất sai Phúc Âm. Nhưng chính mình họ lại không nhận ra. Và dù có nhận ra, họ cũng không dễ sửa mình được. Bởi vì những nhu cầu quá khích đó đã trở thành hung thần giam giữ và khoá chặt con người họ vào xiềng xích ác độc của chúng. Phải rất khiêm nhường mới có thể đón nhận được ơn giải thoát.

Riêng các người được ơn gọi làm giáo sĩ và tu sĩ, nếu không tỉnh thức và kiên trì phấn đấu với chính mình, sẽ không tránh được biến chất và cũng không tránh được số phận bị tính xấu giam cầm xiềng xích. Lúc đó, ơn Chúa ban cho nhưng không sẽ bị lạm dụng cách này hay cách khác.

Rất mừng là không thiếu những người, dù trong phấn đấu đã có sa ngã, nhưng rồi mau chỗi dậy và tiếp tục bước đi. Những bước đi của họ là những đáp lại ơn nhưng không mình đã lãnh nhận.

Họ đáp lại bằng cách cố gắng dùng ơn Chúa vào những việc thực sự đúng là ý Chúa muốn. Chúa phán: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa! là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,221).

Ý Chúa rõ nhất là làm tốt bổn phận.

Bổn phận rõ nhất là thực thi điều răn mới của Chúa, tức điều răn yêu thương (Ga 14,24).

Ý Chúa còn là cách cho đi nhưng không. Chúa dạy: “Chúng con đã lãnh nhận nhưng không, thì cũng hãy cho đi nhưng không” (Mt 10,8). Ý Chúa trên đây xem ra là một yêu cầu không dễ đón nhận. Nhưng trên thực tế, nhiều người đã đón nhận và đã thực hiện một cách tốt đẹp. Cụ thể là trong việc phục vụ nhưng không những người nghèo, theo tinh thần lời khuyên sau đây của Chúa nói với người đã mời Ngài dùng bữa: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì hãy mời những người nghèo khó tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lại. Và như thế, ông mới thực có phúc. Và ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại” (Lc 14,12-14).

Hơn nữa, ý Chúa còn là tha thứ nhưng không. Chúa Giêsu dạy: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy bảo anh em: Ðừng chống cự người ác. Trái lại, nếu anh em bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện, để đòi lấy áo trong của anh em, thì hãy để cho nó lấy luôn áo ngoài. Nếu có người bắt anh em đi một dặm, thì hãy đi với người đó hai dặm” (Mt 5,38-41).

Những lời khuyên trên đây về tính cách nhưng không được coi là rất lý tưởng. Nó cần được giải thích đúng tinh thần Chúa muốn dạy. Dù hiểu cách nào, thì đây cũng là một ý Chúa về bác ái vượt xa động cơ liên đới bình thường. Ðã có những người thực thi ý Chúa trong lãnh vực này một cách anh hùng, ở sự hoàn toàn từ bỏ mình, hết lòng tha thứ với tình thương nhận được từ trái tim Ðấng cứu độ.

Tính cách nhưng không trong phục vụ, trong cho đi, trong tha thứ, trong tự hạ, hiện nay đang xuất hiện ở nhiều người, tại nhiều nơi, trong Hội Thánh và ngoài Hội Thánh. Bề ngoài, nhiều khi tính cách nhưng không bị coi như chọn lựa yếu. Nhưng chính những chọn lựa coi như yếu đó lại là những việc lành phúc đức đẹp lòng Chúa, có khả năng góp phần vào công trình cứu độ của Chúa.

Có thể coi những người lựa chọn như thế là những ngọn đèn trong đêm. Ðược hỏi tại sao họ sống được như vậy, thì họ trả lời là do một tiếng gọi từ nội tâm. Tiếng gọi đó thiêng liêng, vừa gọi họ phục vụ những kẻ khốn cùng một cách nhưng không, vừa gọi họ tìm về một Ðấng trên cao đang thương họ một cách nhưng không.

Tôi đã có dịp gặp những nhóm nhỏ như vậy. Họ sống giữa đời. Không là linh mục, không là tu sĩ, họ chỉ là những người dân thường. Họ sinh sống bình thường, nhưng rất khác thường về tính chất nhưng không và âm thầm trong phục vụ.

Tiếp xúc với họ, tôi có cảm tưởng là hiện nay Chúa đang mở ra những con đường mới về ơn thiên triệu. Và tôi tin là Chúa cũng muốn dùng những nhóm nhỏ này, để nhắc nhở tôi và các giáo sĩ tu sĩ hãy đề cao tính cách nhưng không như một dấu chỉ thời đại để làm chứng cho Nước Trời giữa xã hội hôm nay.

Long Xuyên, ngày 11 tháng 4 năm 2002