Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐƯỢC CHỌN VÀ SAI ÐI -2001-
 RA KHƠI THẢ LƯỚI TÌNH THƯƠNG -2002-

Vài Kinh Nghiệm Về
Thánh Lễ Phong Chức

Tôi được may mắn tham dự nhiều thánh lễ phong chức linh mục và giám mục, tại Việt Nam, tại các nước ngoài, đặc biệt là tại Vaticăng.

Tất cả các cuộc lễ đó đã gây nên một số cảm tưởng tốt đẹp. Nhưng nếu phải nói về những lễ đã để lại được những ấn tượng linh thiêng lâu bền, thì tôi thiết nghĩ đó là những lễ đã được chuẩn bị chu đáo về nhiều mặt, nhất là để cho thánh lễ được diễn tiến đúng là một lễ thánh, chứ không trở thành một lễ hội. Ít ra nhờ mấy điểm sau đây:

 Nơi cử hành thánh lễ

Nơi cử hành thánh lễ thường là một không gian được chọn vì đáp ứng một số tiêu chuẩn. Như đủ rộng để chứa số lượng người tham dự, đủ khang trang tiện nghi để là một môi trường đẹp đẽ an toàn, đủ trang nghiêm để là nơi thờ phượng.

Ngoài không gian trước mắt đó, có nơi còn thêm một không gian gọi là không gian gợi nhớ. Như khi dự lễ tại đền thờ thánh Phêrô ở Vaticăng và tại một số nhà thờ Chánh Toà, tôi thấy không gian gợi nhớ là những mảnh lịch sử xa xưa. Từ cảnh Chúa Giêsu sai các tông đồ đi loan báo Tin Mừng, đến mộ những vị đã chết vì nhiệm vụ. Với những kỷ vật, với những Lời Chúa sai đi, với những chúc thư người đi trước. Tất cả đều gợi nhớ lại bề dầy lịch sử của sứ mạng “ra khơi”. Sứ mạng hôm nay được đọc trong sứ mạng xưa trên suốt quãng đường lịch sử dài xa thăm thẳm. Chính không gian gợi nhớ này làm cuộc lễ hiện tại thêm linh thiêng và gây ấn tượng thánh thiêng, nhớ về cội nguồn là chính Chúa sai đi phục vụ.

Sự kiện trên đây cho thấy việc chuẩn bị cho không gian cử hành thánh lễ là một yếu tố quan trọng. Hiện nay làn sóng tục hoá đang xâm nhập vào mọi không gian, kể cả không gian nhà thờ, thậm chí tới không gian cung thánh. Nếu không cảnh giác, làn sóng này sẽ làm đứt đoạn hoặc phai mờ truyền thống Phúc Âm, ngay trong thánh lễ phong chức. Ðể rồi thánh lễ phong chức bị lái sang ý nghĩa “thăng quan tiến chức”, để tạo thành một giai cấp cai trị và ban phát. Nếu chẳng may não trạng như thế được hình thành, thì sẽ rất tai hại cho Hội Thánh và cho chính các người được thụ phong.

 Thời gian cử hành thánh lễ

Thánh lễ phong chức gồm nhiều mẩu thời gian kế tiếp nhau, như thời gian phong chức với những nghi thức công bố, nghi thức huấn dụ, nghi thức tuyên thệ, nghi thức đặt tay vv... Thêm vào đó là thời gian cầu nguyện và thời gian suy gẫm.

Theo kinh nghiệm, thì thời gian cầu nguyện và thời gian suy gẫm đóng một vai trò rất quan trọng trong thánh lễ. Nó giúp cải hoá con người, yêu mến Hội Thánh và xây dựng tình liên đới yêu thương với tất cả mọi đồng bào mà Chúa sai môn đệ đến.

Trong thời gian này, tất nhiên có những nhắn nhủ và giảng dạy từ phía những vị chủ tế, và người dẫn lễ. Nhưng đó chỉ là những dạy dỗ và nhắc nhủ bên ngoài. Còn Ðấng dạy dỗ bên trong tâm hồn từng người chính là Thánh Thần của Ðức Kitô.

Vì thế mà những người tổ chức lễ và những người dự lễ cần tế nhị với Chúa Thánh Thần. Phải có những thinh lặng cần thiết, để lắng nghe Thánh Thần nói trong lòng. Chính Ngài sẽ cầu nguyện trong mỗi người. Chính Ngài sẽ làm cho mỗi kẻ tin theo Ðức Kitô được gắn bó hơn với Ðức Kitô. Ðể cùng với Ðức Kitô, họ biết sống thân phận người con hiếu thảo đối với Cha trên trời. Chính Thánh Thần sẽ giúp mỗi người hiểu Lời Chúa, nhất là biết được thánh ý Chúa trong việc ra đi loan báo Tin Mừng giữa hoàn cảnh thực tại mà mình đang sống.

Ðối với nhiều người ngoài công giáo, thời gian thinh lặng trong thánh lễ chính là yếu tố linh thiêng nhất, đã gây được những ấn tượng sâu sắc về một sự hiện diện sống động của một Ðấng linh thiêng gần gũi.

 Tâm lý những người tham dự thánh lễ

Mỗi người mỗi nhóm tham dự thánh lễ phong chức có thể có những trạng thái tâm lý riêng tư. Nhưng dù thế, tất cả đều có một tâm lý chung, đó là tâm lý hướng về Chúa, để cầu nguyện.

Nếu tâm lý này được triển khai tốt, thì kết quả sẽ rất phấn khởi cho mục vụ và truyền giáo. Theo tôi, thì điều cần hướng dẫn hơn hết khi cầu nguyện, là xin cho các tân chức luôn sống gắn bó chặt chẽ với Chúa Giêsu. Gắn bó chặt chẽ như cành nho với cây nho, theo lời Chúa phán: “Thầy là cây nho, các con là cành” (Ga 15,5).

Gắn bó với Ngài, để có thể sinh nhiều hoa trái: “Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,6).

Gắn bó với Ngài, vì “Ngài là đàng, là sự thực và là sự sống” (Ga 14,6).

Gắn bó với Ngài, để có thể hiểu Ngài yêu thương mình thế nào, nhờ đó mà dấn thân phục vụ yêu thương mọi người như Ngài dạy: “Thầy cho các con một điều răn mới, là các con yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13,34).

Gắn bó với Ngài, để luôn biết quên mình, chỉ tìm thực thi thánh ý Chúa Cha: “Xin đừng theo ý Con, nhưng xin theo ý Cha mà thôi” (Lc 22,42).

Gắn bó với Ngài, để dù có phải đóng đinh cùng với Ngài bằng một cách nào đó, thì cũng vẫn sẵn sàng, vì tin rằng: Chính khi đó là lúc mình trở thành của lễ hiến dâng có giá trị tham gia vào việc cứu độ. Như lời Ðức Kitô nói: “Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề luật truyền. Rồi Ngài nói: Này con đây, con đến để thực thi ý Chúạ Thế là Ngài bãi bỏ các lễ cũ mà thiết lập lễ tế mới” (Dt 10,8).

Con đường mà người môn đệ đi vào sẽ không trơn tru. Nhưng khi luôn gắn bó với Chúa Giêsu, người môn đệ có thể an tâm tin tưởng. Bởi vì chính Chúa Giêsu sẽ ở lại với họ, như lời Ngài hứa: “Và đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Cùng với Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu, người môn đệ sẽ biết tỉnh thức nhạy bén trong mục vụ và truyền giáo, nhất là trong thời buổi khó khăn này.

Nếu tâm lý những người tham dự thánh lễ phong chức đúng là một tâm lý cầu nguyện theo hướng tập trung vào Chúa Giêsu, thì một trật tự mới sẽ được thiết lập trong cộng đoàn và trong từng cá nhân. Trật tự mới này sẽ là một sức mạnh lớn lao để xây dựng sự hiệp nhất trong Hội Thánh.

 Văn hoá trong cuộc lễ

Lễ phong chức thường qui tụ rất đông. Tôi thấy nhiều nơi, với những giá trị thánh thiêng, lễ này còn được coi là một điểm hội tụ văn hoá, và nơi tổ chức lễ trở thành một môi trường văn hoá.

Văn hoá nói đây tạm hiểu là tổng hợp những cái đẹp, cái tốt, cái hay của cảnh quan môi trường, của phong tục tập quán, của lối sống, nhất là của giao tiếp.

Trong văn hoá giao tiếp, dù với cá nhân, dù với cộng đồng, làm sao biểu hiện được những nét văn minh và đạo đức.

Có những chuẩn mực văn hoá trong nói năng, trong ăn uống, trong ứng xử. Như thanh lịch, ân cần giúp đỡ, hoà nhã, tế nhị, kính trên nhường dưới, trọng người hơn của, tiết độ.

Có những hình thức văn hoá cho thấy khả năng chọn lọc những giá trị có tiềm năng làm giàu cho kiến thức, tinh thần phục vụ, lòng yêu mến Quê Hương đồng bào và Hội Thánh.

Có những nhân cách biểu lộ được một tinh thần văn hoá có sáng tạo, có sâu sắc, có liên đới rộng rãi trên nền tảng nhân ái.

Một cuộc lễ thánh được cử hành trong một khung cảnh văn hoá phong phú, đa dạng sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ cho việc loan báo Tin Mừng.

Ðể kết, tôi xin phép nhắc lại một lời khuyên vắn tắt của thánh Giám mục Augustinô: “Hãy kể về Ðức Kitô và hãy dạy bác ái yêu thương”.

Lời khuyên vắn tắt này, nếu được biến thành bầu khí bao trùm thánh lễ phong chức, thì hy vọng lễ này sẽ là một lễ khai mạc đầy ý nghĩa cho sứ mạng ra đi loan báo Tin Mừng.

Long Xuyên, ngày 22 tháng 7 năm 2001