Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐƯỢC CHỌN VÀ SAI ÐI -2001-
 RA KHƠI THẢ LƯỚI TÌNH THƯƠNG -2002-

Chia Sẻ Vài Kinh Nghiệm Về Truyền Giáo

Truyền giáo là trăn trở lớn nhất trong đời giám mục của tôi. Dưới chế độ Cộng sản, truyền giáo thường được coi như một vấn đề không thể giải quyết được, thậm chí cũng không nên nhắc tới một cách công khai.

Tuy nhiên, sau 27 năm sống dưới chế độ Cộng sản và trong một địa phương có nhiều tôn giáo khác, tôi thấy việc truyền giáo tuy rất khó thực hiện, nhưng vẫn có thể thực hiện được phần nào đáng kể.

Truyền giáo đã thực hiện được, nhờ những việc sau đây. Xin hết sức vắn gọn.

 1. Bản thân tôi và cộng đoàn của tôi luôn thao thức trở về với Ðức Kitô

Người là Ðấng cứu độ duy nhất, là đường, là sự thực và là sự sống. Người hiền lành và khiêm nhường, Người được sai đi để cứu độ. Tôi xác tín và cảm nghiệm điều này: Khi tôi ý thức mình được sai đi trong sự sai đi của Chúa Giêsu, để đưa nhiều người về với Chúa Cha, thì Chúa sẽ giúp tôi làm việc truyền giáo, dù trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.

Với nhận thức mình phải trở về với Ðức Kitô, tôi để ý rất nhiều đến việc đổi mới những cử hành thánh lễ, tôn sùng Thánh Thể và sống Lời Chúa.

Ðổi mới việc cử hành thánh lễ là đừng để việc cử hành thánh lễ trở thành máy móc, hình thức, lễ hội, phô trương, nhưng là một sự tiếp tục hy lễ của Chúa Giêsu cộng với hy lễ của chính bản thân mỗi người dự lễ.

Tôn sùng Thánh Thể được coi là trung tâm điểm đời sống giáo xứ.

Lời Chúa được đi sâu vào từng gia đình.

 2. Luôn nhấn mạnh đến việc huấn luyện, đào tạo nhân sự

Về Linh mục và tu sĩ, ngoài việc tĩnh tâm năm, còn có tĩnh tâm hàng tháng. Ngoài ra, cũng có từng nhóm linh mục đi tĩnh tâm thêm trong các tu viện chiêm niệm.

Nhiều linh mục trẻ được theo học trong các đại học trong nước và các nước ngoài.

Về các ứng viên vào đại chủng viện, chúng tôi có những chương trình huấn luyện tại các giáo xứ, giáo hạt và giáo phận.

Trong mỗi giáo xứ, có những lớp giáo lý, cho rước lễ lần đầu, rước lễ bao đồng, thêm sức, hôn nhân, tân tòng. Có những chương trình đào tạo giáo lý viên, huấn luyện các hội đồng giáo xứ, các gia trưởng, các bà mẹ, các nhóm cầu nguyện, các ca đoàn, các nhóm làm việc xã hội.

Trong mỗi giáo hạt, luôn có những liên đới giúp đào tạo giới trẻ.

Hiện nay số sinh viên công giáo theo học các Ðại học và Cao đẳng là khá đông. Khoảng gần 2000 các em được giúp đỡ nhiều mặt, kể cả học bổng và nhà trọ.

 3. Tăng cường việc dấn thân phục vụ người nghèo

Phục vụ người nghèo là sinh hoạt thường xuyên của giáo xứ. Cụ thể là thăm viếng, chia sẻ. Trong một tình hình mà đời sống còn nhiều thiếu thốn, chúng tôi luôn phải để ý đáp ứng những nhu cầu khẩn cấp, như lúa gạo, áo quần, nhà ở, nước sạch, thuốc men, công ăn việc làm, phương tiện sinh sống, học hành.

Công việc xã hội là rất mênh mông, chúng tôi làm hết sức mình, và làm cho mọi người, không phân biệt công giáo hay ngoài công giáo. Phục vụ một cách khiêm nhường và chấp nhận hy sinh.

 4. Tìm cách để người công giáo được có mặt trong các lãnh vực xã hội

Khi người công giáo tài đức làm việc trong các trường học, các nhà thương, các báo chí, các tổ chức kinh tế, khoa học, nghệ thuật, văn hoá và chính trị, thì sự hiện diện tích cực của họ để phục vụ đồng bào là một cách làm chứng cho Tin Mừng.

Tình hình đất nước đang mở dần ra, để đón những người tài đức có khả năng phục vụ cao. Nếu công giáo không có sẵn nhân sự, thì đây là một sự bỏ lỡ cơ hội rất đáng tiếc.

 5. Xây dựng các liên hệ tốt với các tôn giáo bạn và các tầng lớp xã hội

Trong việc xây dựng các liên hệ tốt, tôi cố gắng sống những gì Phúc Âm dạy về bác ái yêu thương. Không để ai lợi dụng, và không lợi dụng ai, chỉ gieo rắc yêu thương, công bình, chỉ giới thiệu Tin Mừng, và đồng thời cũng biết đón nhận những cái hay của người khác bất luận họ là ai. Phải nói thực là rất nhiều người ngoài công giáo đã sống các giá trị Phúc Âm một cách chân thành sâu xa, nhiều khi hơn những người công giáo bình thường.

 6. Luôn giữ thái độ tỉnh thức Phúc Âm

Kinh nghiệm mục vụ và truyền giáo cho tôi thấy: Người truyền giáo tại Việt Nam hôm nay rất cần giữ tâm hồn mình tỉnh thức, để biết sống khôn ngoan. Khôn ngoan của họ là đáp ứng sự khôn ngoan của Chúa, biết chọn đúng mục đích mà Chúa chọn, biết chọn đúng các phương tiện mà Chúa muốn, sao cho thích hợp với nơi và thời điểm mà Chúa sai họ vào, sao cho thích hợp với những nguồn lực mà họ có, sao cho đúng mức độ trong lời nói, việc làm và các ứng xử. Thái độ tỉnh thức Phúc Âm này đòi hỏi một nền tu đức sẵn sàng vâng phục sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Tỉnh thức như thế là một cái nhìn phối hợp vừa trong lãnh vực siêu nhiên của Nước Trời, vừa trong lãnh vực tự nhiên thực tế của lịch sử.

ù

Tất cả những gì tôi chia sẻ trên đây tuy có thể thực hiện được. Nhưng thú thực là trên thực tế đã không dễ dàng gì. Thường là những chặng đàng thánh giá. Thành công có, mà thất bại cũng có.

Mỗi ngày tôi nhìn về phía trước và nói với mình: Hôm nay tôi bắt đầu lại. Tôi nghĩ truyền giáo là luôn luôn phải bắt đầu lại, với khiêm nhường và vững tâm phó thác. Thiết tưởng Chúa chỉ đòi thế thôi. Rồi Chúa sẽ làm những sự lạ lùng, mà chỉ mình Chúa mới làm được.

Lễ thánh Giuse, ngày 19/3/2001