Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐƯỢC CHỌN VÀ SAI ÐI -2001-
 RA KHƠI THẢ LƯỚI TÌNH THƯƠNG -2002-

Một Mẫu Gương Ra Khơi

Hiện nay, trong Hội Thánh tại Việt Nam, vấn đề truyền giáo đang trở thành thời sự. Có hô hào, có cầu nguyện, có hội thảo, có lên đường. Với nhiều khẩu hiệu. Với nhiều hành động. Với nhiều ồn ào. Tất cả xem ra đều tốt.

Tuy nhiên, sẽ không dư thừa, nếu chúng ta nhìn lại những bước đầu truyền giáo của thánh Phêrô. Những bước đầu truyền giáo của Ngài được phác hoạ từ việc Ngài ra khơi bắt cá. Phúc Âm thánh Gioan đoạn 21 rất gợi ý. Xin rút ra những chi tiết quan trọng:

 Ra khơi.

Ông Simon Phêrô, ông Tôma còn gọi là Ðidymô, ông Nathanaen người Cana miền Galiêa, các người con ông Dêbêđê và hai môn đệ khác nữa. Tất cả đang ở với nhau. Ông Simon Phêrô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh”. Rồi mọi người ra đi, lên thuyền. Nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.

“Khi trời đã sáng, Ðức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Chúa Giêsu. Người nói với các ông: “Này các con, không có gì ăn sao?”. Các ông trả lời: “Thưa không”. Người bảo các ông: “Hãy thả lưới xuống bên phải mạn thuyền, thì sẽ bắt được cá”. Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. Người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến nói với ông Phêrô: “Thầy đó!”. Vừa nghe nói “Thầy đó!”, ông Simon Phêrô vội khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển…

“Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá, đặt ở trên và có cả bánh nữa. Ðức Giêsu bảo các ông: “Ðem ít cá mới bắt được tới đây”… Ðức Giêsu nói: “Anh em hãy đến mà ăn”. Không ai trong các môn đệ dám hỏi: Ông là ai?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa…

“Khi các môn đệ đã ăn xong, Ðức Giêsu hỏi ông Simon Phêrô: “Này Simon, con ông Gioan, con có mến Thầy hơn các anh em này không?”. Ông đáp: “Thưa có. Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21,1-15).

Qua đoạn Phúc Âm trên, chúng ta thấy nhà truyền giáo Phêrô có mấy đặc điểm kéo chú ý sau đây:

 1/ Ngài khởi đầu đơn sơ dứt khoát, cho dù có vẻ đơn độc

Thánh Phêrô không khởi sự bằng việc phê phán những anh em vắng mặt. Nhóm gồm 11 người, tại sao chỉ có bảy. Ngài cũng không bàn tới bàn lui, trách móc thời thế. Ngài cũng không áp đặt ý mình cho tập thể. Nhưng ngài nói: “Tôi đi đánh cá đây”. Ngài khởi sự bằng việc bắt chính bản thân mình ra đi. Chính ngài dấn thân. Chính ngài ra khơi. Không phải bằng lời nói, mà bằng việc làm. Khởi động của ngài đơn sơ chỉ có thế.

Bước khởi đầu này nơi Phêrô phải coi là đơn độc. Một mình dám ra khơi. Dám một cách dứt khoát. Ngài chịu trách nhiệm một mình.

Sau này, Phêrô cũng lại khởi đầu đi về phía dân ngoại một cách dứt khoát, cho dù đơn độc. Giữa một não trạng tôn giáo khép kín, ngài cương quyết đến thành Xêdarê, vào nhà ông Conêliô là người ngoại, để rửa tội cho ông (Cv 10,1-18).

Phong cách dấn thân của thánh Phêrô khởi đi từ sự mau mắn, bắt tay vào việc, cho dù đơn độc. Ðơn độc một cách khiêm tốn, thanh thản và xác tín. Phong cách đó là một mẫu gương.

Nhưng liền sau đó đã có đáp ứng: “Chúng tôi cùng đi với anh”. Mặc dù đáp ứng đó chỉ là của một nhóm nhỏ.

 2/ Ngài cộng tác với một nhóm nhỏ

Nhóm nhỏ này chỉ gồm 6 người. Sáu người này là sáu lịch sử khác nhau. Ông Tôma nổi tiếng với câu nói hoài nghi: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không đặt tay tôi vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin" (Ga 20,25). Còn ông Nathanaen đã để lại một câu nói khích: “Từ Nagiarét nào có gì tốt bởi đó mà ra được” (Ga 1,46). Hai anh em con ông Dêbêđê thì ngoan ngoãn. Họ có một người mẹ cả gan xin Chúa Giêsu cho hai con mình, đứa ở bên hữu, đứa ở bên tả, trong Nước của Người. Hai môn đệ còn lại không được nêu tên. Chứng tỏ họ chẳng có gì đặc biệt.

Sáu ông này tình nguyện cộng tác với ông Phêrô: “Chúng tôi cùng đi với anh”. Phêrô hoan nghênh sự cộng tác đó.

Khởi sự từ tôi đi, đến chúng tôi cũng đi, là một chặng đường nhiều khi chỉ qua được bằng nhiều bàn bạc, cân nhắc và kiên trì thuyết phục. Nhưng ở đây, chặng đường đó rất vắn. Họ đã có sẵn một ước muốn chung, đó là kiếm cá để ăn. Họ cũng đã có sẵn một qui ước chung, đó là nhận Phêrô làm người trưởng nhóm. Họ tin vào một người trưởng nhóm có nhiệt tâm, quên mình và quyết đoán. Còn trưởng nhóm Phêrô thì tin vào anh em là những người chân thành. Tất cả bảy người đều biết mình được Chúa Giêsu yêu thương, và tất cả đều mến yêu Chúa Giêsu. Thế là đủ để họ tin nhau và cộng tác với nhau. Cả trong việc đạo cũng như trong cuộc sống.

Phêrô và nhóm nhỏ đó không đợi số đông mới ra khơi. Họ bắt đầu với con số nhỏ có sẵn. Ðược bao nhiêu thì làm bấy nhiêu. Chuyện làm ăn sinh sống là thế. Chuyện mục vụ và truyền giáo sau này cũng vậy.

Ðó cũng là một mẫu gương.

 3/ Ngài luôn thao thức thực thí ý Chúa và tìm gặp Chúa

Ðược huấn luyện coi trọng ý Chúa, thánh Phêrô sống trong thao thức vâng phục ý Chúa. Lần này cũng vậy. Khi thấy trên bờ có một người đứng đợi lên tiếng hỏi một cách thân thương: “Các con có gì ăn không?”. Phêrô cảm thấy người đứng xa đó là một người rất thân. Có thể theo linh tính, Phêrô đã ngờ ngợ người đó là Chúa Phục sinh lại hiện ra. Nên khi Chúa bảo Ngài: Hãy thả lưới bên phải mạn thuyền, ngài tin đó là ý Chúa. Ngài đã làm đúng như vậy. Kết quả là lưới đầy cá. Khiến ngài khao khát muốn mau gặp người đứng trên bờ. Và khi Gioan vừa nói: Ðó là Chúa, thì Phêrô vội bỏ thuyền nhảy xuống nước, bơi vào bờ.

Chứng tỏ Phêrô không còn màng chi đến thuyền, đến lưới, đến cá, mà chỉ để ý đến một điều, đó là gặp được Chúa.

Thấy vậy, Chúa Giêsu đã hỏi Phêrô: Con có yêu mến Thầy hơn các anh em này không? Phêrô thưa: . Câu trả lời đó là hết sức chân thành. Hỏi ba lần. Thưa ba lần.

Sức mạnh mục vụ và truyền giáo là ở câu trả lời quyết đoán đó. Và Chúa đi tới kết luận: “Từ nay con sẽ chăn dắt các chiên của Thầy” (Ga 21,17).

Từ nay, Phêrô ra khơi với sức mạnh mới. Tôi với chúng tôi, cùng với Chúa chúng tôi, cả ba sẽ liên kết thành một khối tình yêu, để tìm chiên bằng tình yêu, để chăm sóc chiên bằng tình yêu, để dẫn dắt chiên về Thiên Chúa tình yêu.

 Hình ảnh thánh Phêrô hôm nay.

Sau khi nhìn ngắm thánh Phêrô ra khơi và gặp Chúa trên bờ hồ Tibêria, tôi đi tìm hình ảnh của ngài tại Việt Nam hôm nay. Tôi vui mừng thấy hình ảnh đó nơi nhiều người. Họ cũng có ba đặc điểm:

1/ Họ tham gia vào việc mục vụ truyền giáo bằng hành động tích cực. Không chỉ trích, không kêu trách, không bàn suông, không đợi người khác làm rồi mình mới làm. Họ khởi sự bằng việc làm. “Tôi đi bắt cá đây”. Chính họ làm. Chính họ ra khơi. Chính họ vào đời để tìm các linh hồn về cho Chúa.

2/ Họ bằng lòng với nhóm nhỏ. Làm việc với nhóm nhỏ. Liên lạc với nhóm nhỏ. Âm thầm thôi. Nhóm nhỏ đó có thể đa dạng. Ðiều quan trọng là họ biết nghề, quen nơi, thuộc tiếng của nhau, ăn ý với nhau.

3/ Họ lắng nghe ý Chúa và khao khát tìm gặp Chúa trong mọi nơi mọi lúc. Họ làm mọi việc vì mến Chúa mà thôi.

Tôi nhìn thánh Phêrô ra khơi thuở đó. Tôi nhìn những hình ảnh thánh Phêrô ra khơi hôm nay. Và tôi tự hỏi: Còn tôi thì sao?

Tôi nghĩ rằng: Hôm nay tôi muốn trả lời sao cũng được. Cũng có thể không trả lời. Nhưng khi tôi đến trước toà Chúa phán xét, chính Chúa sẽ đưa ra câu trả lời chính xác. Và hiệu quả có thể sẽ rất bất ngờ. Bất ngờ đáng vui. Và cũng có thể bất ngờ đáng buồn, đáng sợ.

Ðó là điều tôi nên nghĩ trước ngay từ bây giờ.

Long Xuyên, ngày 22 tháng 10 năm 2002