Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐƯỢC CHỌN VÀ SAI ÐI -2001-
 RA KHƠI THẢ LƯỚI TÌNH THƯƠNG -2002-

Ðến Với Tình Yêu Cứu Ðộ

Thánh lễ chiều thứ Năm tuần thánh nhắc lại ba phép lạ lớn:

Một là việc Chúa lập phép Thánh Thể. Ðây là một sáng kiến lạ lùng của tình yêu dâng hiến. Việc dâng hiến này nên được coi là một phép lạ của tình yêu ban tặng chính mình.

Hai là việc Chúa Giêsu quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Ðây là một sáng kiến bất ngờ của tình yêu phục vụ. Việc phục vụ này nên được gọi là một phép lạ của tình yêu khiêm tốn quên mình.

Ba là việc Chúa Giêsu tự ý nộp mình chịu nạn chịu chết để cứu chuộc nhân loại. Ðây là một sáng kiến hết sức can đảm của tình yêu vâng phục thánh ý Chúa Cha và tình yêu cứu độ. Việc nộp mình này phải coi là một phép lạ của tình yêu vâng phục và cứu độ.

Chúa làm ba phép lạ trên đây vì chúng ta.

Ba phép lạ này là của tình yêu và do tình yêu. Chúng có liên hệ mật thiết đến chúng ta, nhất là đến phần rỗi ta. Ðể hiểu được phần nào, chúng ta hãy nhớ lại một số những lời Kinh Thánh.

Chúa phán: “Anh em hãy biết rằng: Không phải nhờ những của cải chóng hư nát như vàng bạc mà anh em được cứu độ... Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ máu châu báu của Con Chiên vẹn toàn là Ðức Kitô” (1Pr 1,18). Lời Kinh Thánh trên đây cho chúng ta thấy phần rỗi mỗi người là điều hết sức quan trọng, chúng ta chỉ được cứu độ nhờ cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Nên chúng ta hãy đến với Người, vì Người thực là Ðấng cứu độ của ta.

Hãy đến với Chúa Giêsu, Ðấng cứu độ của ta, trước hết là để lắng nghe Người. Người nói với mỗi người chúng ta lời trăn trối của Người: “Cha cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau, như Cha đã yêu thương các con” (Ga 14,34). “Người ta sẽ cứ dấu này, mà nhận biết các con là môn đệ Cha, là các con yêu thương nhau” (Ga 14,35).

Khi lắng nghe ý Chúa một cách trân trọng, và để cho ý Chúa thấm sâu vào lòng ta, chúng ta sẽ thấy phải tập quên mình đi, để gắn bó mật thiết với Chúa. Như lời Chúa Giêsu dạy: “Cha là cây nho, các con là ngành. Ai ở lại trong Cha và Cha ở lại trong người ấy, người ấy sẽ sinh được nhiều hoa trái” (Ga 15,5).

Sự gắn bó với Chúa Giêsu phải rất thực tế, nghĩa là phải được áp dụng mọi nơi, mọi lúc, và trong mọi việc. Bởi vì Chúa phán: “Không có Cha, các con không làm gì được” (Ga 15,5).

Sự gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu là một hạnh phúc cho phép chúng ta nếm trước một chút hương vị thiên đàng, nhất là khi chúng ta cảm nghiệm được lời Chúa hứa xưa: “Cha sẽ ở lại với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 23,20).

Ðến với Chúa Giêsu, lắng nghe Chúa Giêsu, hiểu được tiếng lòng Chúa Giêsu, gắn bó với Chúa Giêsu, bắt chước Chúa Giêsu. Ðó là những việc rất cần thiết. Nhưng phải thú nhận rằng: Tất cả những việc quan trọng đó đều không được chúng ta quan tâm đủ, nhất là chưa được chúng ta thực hiện đến nơi đến chốn.

Ðể sửa lại những lỗi lầm thiếu sót đáng tiếc đó của chúng ta, chúng ta ít ra có một cách này. Cách này rất đơn sơ, đó là hãy cầu nguyện. Cầu nguyện một cách khẩn khoản. Cầu nguyện một cách khiêm nhường. Cầu nguyện một cách kiên nhẫn. Cầu nguyện đơn sơ, chân thành tự đáy lòng. Như những lời cầu nguyện của kẻ khó nghèo nhất. Thí dụ: “Lạy Chúa, xin thương xót con”. Hoặc: “Lạy Chúa Cha, vì cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, xin ban cho con Thánh Thần của Cha, để con biết ý Cha và đủ sức đi về với Cha”. Hoặc: “Lạy Cha, xin giúp con thuộc về Cha”.

Cách cầu nguyện như trên đây là rất dễ dàng. Có thể thực hiện được ở nhà thờ, ở gia đình, ở nơi làm việc. Khi vui khi buồn, khi thành công khi thất bại. Trong thinh lặng, trong nội tâm. Với niềm tin yêu, với khiêm tốn. Không hao giờ. Không ai thấy. Cầu nguyện rất nhiều lần như vậy trong một ngày, suốt tháng, suốt năm, suốt đời. Cầu nguyện thường xuyên như hơi thở. Cầu nguyện thường ngày như lương thực nuôi sống linh hồn.

Dần dần, chúng ta sẽ thấy ơn cứu độ là chính Chúa. Người đến biến đổi chúng ta. Ơn vô giá này sẽ chỉ ban cho những ai biết đón nhận bằng tấm lòng đơn sơ khao khát, khiêm nhường và tin cậy.

Cuộc sống chúng ta đang rất cần ơn Chúa cứu độ. Chúa biết điều đó. Chúa mong đợi ban cho ta ơn cứu độ. Chúng ta hãy tìm kiếm đón nhận ơn đó, bằng sự cầu nguyện dưới cái nhìn yêu thương của Chúa. Hãy khiêm tốn cầu nguyện nhiều. Nhất là trong những ngày này. Chúa sẽ đến cứu độ ta. Vì Chúa là tình yêu giàu lòng thương xót.

Bài giảng thánh lễ chiều thứ Năm tuần thánh
tại nhà thờ Chánh Toà Long Xuyên
ngày 12-4-2001