Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐƯỢC CHỌN VÀ SAI ÐI -2001-
 RA KHƠI THẢ LƯỚI TÌNH THƯƠNG -2002-

Kính Sợ Thiên Chúa

Ðể chuẩn bị tâm hồn con cái mình đón Chúa giáng sinh, Hội Thánh đưa ra nhiều lời Kinh Thánh. Vừa kêu gọi, vừa cảnh báo.

Kêu gọi sửa mình, như: “Anh em hãy hối cải, ... hãy dọn đường cho Chúa đến” (Mt 1,1-3).

Cảnh báo sẽ bị phạt, nếu không sửa mình, như: “Cái rìu đã kề sẵn gốc cây. Bất cứ cây nào không sinh hoa trái tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3,10).

Rất nhiều người đã nghe, đã đọc những lời kêu gọi và cảnh báo trên đây. Họ nghe và đọc như nhau. Nhưng phản ứng thường khác nhau. Có những người dửng dưng. Có những người quan tâm chút ít. Có những người thêm lòng kính sợ Chúa.

Thêm lòng kính sợ Chúa, đó là một khởi đầu tốt, đó là dấu chỉ tích cực của sự chuyển biến nội tâm. Vì thế, chúng ta đừng ngại vun trồng tình cảm tốt lành ấy.

Vun trồng cách nào?

Xin tạm giới thiệu vài cách sau đây.

Trước hết, hãy đọc và gẫm suy những lời Kinh Thánh về sự cần thiết phải kính sợ Chúa.

Ông Maisen truyền cho các tư tế tập họp dân lại, rồi đọc Luật Chúa cho dân nghe. “Ðể họ học cho biết kính sợ Ðức Chúa” (Ðnl 31,12).

Bởi vì “Lòng kính sợ Chúa là nguồn sự sống, giúp ta tránh được cạm bẫy tử thần” (Cn 14,27).

Tôi biết rằng: Phàm ai kính sợ Thiên Chúa thì được hạnh phúc, chính vì họ kính sợ Thiên Chúa” (Gv 8,12). “Hãy kính sợ Thiên Chúa và vâng giữ những mệnh lệnh Người truyền dạy, đó là tất cả đạo làm người” (Gv 12,13).

Khi đề cập đến lòng kính sợ Thiên Chúa, sách Huấn Ca đã dành ra cả một đoạn. Ðọc kỹ đoạn này, chúng ta sẽ thấy một kho tàng quí báu chứa đựng trong lòng những ai kính sợ Thiên Chúa.

Kính sợ Ðức Chúa đem lại vinh quang và tự hào, hân hoan và phấn khởi.

“Kính sợ Ðức Chúa khiến tâm hồn sung sướng, cho con người được hoan hỉ mừng vui và an khang trường thọ.

“Ai kính sợ Ðức Chúa sẽ thấy cuộc đời kết thúc tốt đẹp. Ngày lâm chung họ sẽ được hưởng phúc lành.

“Kính sợ Ðức Chúa là bước đầu của sự khôn ngoan...

“Lòng kính sợ Ðức Chúa là tuyệt đỉnh của sự khôn ngoan, mang lại bình an và sức khoẻ dồi dào...

“Gốc rễ của khôn ngoan là kính sợ Thiên Chúa” (Hc 1,11-20).

Khi cảm tạ ngợi khen Chúa, Ðức Mẹ Maria đã có một cái nhìn rất tích cực về những người kính sợ Thiên Chúa: “Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1,50).

Chúa Giêsu cũng đã có lần khuyên dạy chúng ta hãy biết kính sợ Thiên Chúa. “Anh em đừng sợ những kẻ giết được thân xác mà không giết được linh hồn. Ðúng hơn, anh em hãy sợ Ðấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục” (Mt 10,28).

Thiết tưởng mấy lời Kinh Thánh trên đây cũng khá đủ, để soi sáng cho chúng ta thấy: Sự kính sợ Thiên Chúa giữ một vai trò rất quan trọng trong đời sống con người. Nhất là trong một tình hình đạo đức xuống dốc, nhiều người đã đánh mất tình cảm tôn trọng đối với những giá trị thiêng thánh. Như chính tình hình hiện nay, khi những gì thiêng thánh đang bị dần dần tục hoá, kể cả lễ Noel.

Trong mấy tháng nay, đồng bào cả nước có dịp thấy trên truyền hình những buổi cầu nguyện của tín đồ Hồi giáo. Họ quỳ trên đất. Họ phủ phục, sấp mặt sát đất. Ðể tỏ lòng kính sợ Ðấng Tối Cao duy nhất. Thực sự, nhiều người ngoài cuộc, khi nhìn thấy họ cầu nguyện, cũng đã cảm phục phần nào tâm tình họ tập trung vào Ðấng Tối Cao với lòng kính sợ và thờ phượng. Riêng đối với tôi, hình ảnh đó làm cho tôi nhớ lại hình ảnh của tổ phụ Abraham, khi ông được diện kiến với Chúa. Kinh Thánh viết: “Ông Abraham cúi rạp xuống đất” (St 17,1).

Thiết tưởng thái độ và các cử chỉ bên ngoài như thế vừa diễn tả tâm tình bên trong, và cũng vừa là cách vun trồng những tâm tình đó. Vì thế, tôi thiết nghĩ: Ðể vun trồng lòng kính sợ Thiên Chúa, ngoài việc đọc và suy gẫm những lời Kinh Thánh ca ngợi sự kính sợ Chúa, chúng ta cũng nên tập cho có những thái độ, cử chỉ và lời nói tỏ lòng kính sợ Thiên Chúa.

Các tôn giáo được mến mộ nhiều và gây được ảnh hưởng lớn tại Á châu thường là những tôn giáo đã biết chú trọng đến điểm tâm lý biết kính sợ. Có lẽ vì nó thích hợp với các nền văn hoá tại Á châu.

Một cách nữa để vun trồng lòng kính sợ Chúa là hãy tin những lời Chúa dạy. Chẳng hạn khi nghe lời Kinh Thánh nói “Cái rìu đã kề sẵn gốc cây. Bất cứ cây nào không sinh hoa trái tốt, sẽ bị chặt đi và ném vào lửa” (Mt 3,10), thì chúng ta phải tin lời đó là chân lý cứu độ. Tin sẽ xảy ra đúng như vậy. Tin đang xảy ra đúng như vậy. Tin không những xảy ra cho người khác, mà tin sẽ xảy ra cho chính mình ta, nếu ta không hối cải, sửa mình. Tin vững vàng. Tin để mà hồi tâm, cải thiện đời mình.

Tình hình hiện nay không sáng sủa lắm. Chúng ta mong chờ Chúa Giêsu đến. Người là Ðấng Cứu độ. Chắc chắn Người sẽ cứu độ ta. Nhưng Người đòi ta phải cộng tác vào công trình cứu độ của Người. Cộng tác khởi đầu bằng tâm tình biết kính sợ Chúa.

Sự kính sợ lành thánh này phát xuất do tâm hồn nhận biết Chúa là Ðấng Cao cả, thánh thiện, có quyền thưởng phạt, và cũng do lòng khiêm tốn nhận biết mình là kẻ tội lỗi bất xứng. Lòng kính sợ này sẽ dần dần đưa ta đến sự hối cải. Hối cải là mến yêu Chúa nhiều hơn, sống phục vụ yêu thương người khác nhiều hơn, tìm vâng phục ý Chúa nhiều hơn, chu toàn bổn phận mình tốt hơn, sửa lại kỹ càng hơn chính bản tính thâm sâu xấu xa của mình là nguồn gốc những gì không hay không tốt.

Có được một lòng kính sợ Chúa như vậy là có một cách chuẩn bị tốt, để đón Chúa Giêsu vào tâm hồn ta. Nhờ vậy, lễ Chúa giáng sinh của ta sẽ là một phần đóng góp đáng kể vào việc xây dựng nền Hoà Bình, mà lễ Noel vốn mong chờ và cầu chúc.

Long Xuyên, ngày 30 tháng 11 năm 2001