Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐƯỢC CHỌN VÀ SAI ÐI -2001-
 RA KHƠI THẢ LƯỚI TÌNH THƯƠNG -2002-

Tình Yêu Xót Thương

Suốt đời, tôi tin theo Chúa. Vì tin theo Chúa, nên tôi lắng nghe Chúa, tìm gặp gỡ Chúa, vâng phục Chúa, ngắm nhìn Chúa, cầu nguyện tạ ơn Chúa.

Dù bằng cách nào, mọi liên hệ của tôi với Chúa đều được coi là những lời đáp lại.

Bởi vì chính Chúa đã gõ cửa lòng tôi và kiên trì đứng đợi đó, trước khi tôi mở cửa đón Ngài.

Bởi vì chính Chúa đã gọi tên tôi nhiều lần, trước khi tôi nhìn về phía Ngài.

Bởi vì chính Chúa đã đi tìm tôi không mệt mỏi, trước khi tôi ao ước gặp gỡ Ngài.

Qua những kinh nghiệm sống động lâu dài, tôi nhận ra dần dần dung mạo Chúa. Dung mạo Chúa là tình yêu thương xót.

 Chúa là tình yêu thương xót

Chúa là tình yêu thương xót. Ðối với tôi, đây là một chân lý ngọt ngào. Chân lý này vừa do Chúa mạc khải trong Kinh Thánh, vừa do cảm nghiệm bản thân suốt cả đời tôi. Ðây là một thứ kinh Tin Kính vắn gọn đã hướng dẫn mọi bước tôi đi. Ðây là một tuyên xưng đơn sơ tôi muốn lặp đi lặp lại, như một đứa bé biết sao nói vậy.

Tình yêu thương xót Chúa luôn hiện diện trong mọi biến cố xảy đến với tôi. Cả trong những biến cố bề ngoài coi rất dữ dằn, như một cột lửa muốn thiêu rụi tất cả, như một cơn lũ lụt muốn nhận chìm tất cả.

Tình yêu thương xót Chúa theo tôi trong cuộc sống thường ngày. Trong từng chốn nơi cụ thể. Trong từng giờ phút cụ thể. Trong từng hoàn cảnh cụ thể. Tình yêu thương xót Chúa không ở trong sách, nhưng ở trong lịch sử cụ thể đời người.

Tình yêu thương xót Chúa đã đoái nhìn tôi từ rất xa xưa. Nhiều khi vô tình, tôi đã nghĩ đời mình có những quãng này quãng nọ là kết quả của những chuỗi sự kiện tự nhiên. Nhưng tôi đã nhận ra: Nghĩ như thế là sai, khi Chúa cho tôi thoáng nhìn thấy bàn tay thương xót Chúa đã luôn âm thầm kín đáo chăm sóc tôi. Lúc thì nâng đỡ, chở che, lúc thì băng bó chữa lành khi bị thương tích, lúc thì dắt đứng dậy và giúp tiếp tục bước đi khi chẳng may quỵ ngã, lúc thì chỉ cho thấy hướng phải tới, việc nên làm, phương án nên chọn lựa.

Tôi muốn hiểu tình yêu thương xót Chúa. Nhưng tôi không hiểu nổi. Ðiều mà tôi thiết nghĩ cần làm, không phải là tìm hiểu tình yêu ấy, mà là tìm mến yêu chính tình yêu ấy. Tôi xin nhấn mạnh: Mến yêu chính tình yêu ấy, chứ không phải chỉ mến yêu những hiệu quả tốt đẹp của tình yêu ấy.

Làm thế nào để mến yêu chính tình yêu thương xót Chúa?

Tôi nghĩ việc đầu tiên phải làm là hỏi chính tình yêu ấy. Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì? Chắc nhiều người đã hỏi Chúa như thế, và đã được Chúa trả lời.

 Mến yêu tình yêu thương xót là đổi mới nội tâm

Riêng tôi, tôi cũng có một chút kinh nghiệm. Kinh nghiệm này có thể cũng là rất riêng tư. Chỉ để chia sẻ mà thôi.

Lắng nghe Chúa, tôi được Chúa cho biết, tôi như chiếc bình sành không những mỏng giòn, mà còn dơ bẩn. Phải nhờ Ðức Mẹ lau chùi kỹ lưỡng cho. Ở đây, Chúa cho tôi nhớ lại những lời Chúa nói với các người biệt phái. Họ chuyên lau chùi cái vỏ ngoài cho đẹp, còn bên trong thì dơ bẩn (Mt 24,25). Theo ý Chúa, bên trong sạch sẽ là: Tâm hồn hiền lành khiêm nhường (Mt 11,29) có khả năng đón nhận được các ơn Chúa, đặc biệt là ơn bác ái đầy tình thương xót. Nói một cách khác bên trong xinh đẹp và dễ thương là: “trở nên như trẻ thơ” (Mt 18,1-4). Ðó cũng là vẻ đẹp của đơn sơ khiêm nhường.

Trọn đời tôi, tôi đã luôn được Chúa nhắc nhở về cái bên trong như thế. Từ những nhắc nhở quí giá đó, Chúa cho thấy có ba điều đáng sợ bên trong con người. Một là mất khả năng khiêm nhường, hai là mất khả năng yêu mến xót thương, ba là mất khả năng cầu nguyện. Nguyên do sâu xa là vì kiêu ngạo.

Khi một người, một cộng đoàn, một xã hội đã mang một bề trong bệnh hoạn, và chết lạnh như thế, thì chính ba cái mất khả năng đó đã kết án họ rồi. Lúc đó, cho dù bề ngoài còn có vẻ đạo đức, nhưng sẽ không còn được kể là gì trước mặt Chúa. Kinh Thánh dạy rõ: “Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và biết được hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin chuyển núi dời non, mà nếu không có bác ái, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố trí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà nếu không có bác ái, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 Cor 13,2-3).

Khi bên trong được quan tâm chăm sóc rồi, thì tôi sẽ nghe lời sai đi của tình Chúa xót thương.

 Mến yêu tình yêu thương xót là ra đi làm vườn nho Chúa

Ở đây, tôi nhớ lại dụ ngôn hai người con được cha sai đi làm vườn nho. Người con thứ nhất trả lời không muốn đi, nhưng rồi hối hận nên đã đi. Người con thứ hai trả lời xin vâng, nhưng rồi không chịu đi. Chúa khen người con thứ nhất, bởi vì sau cùng anh ta đã tuân phục và thi hành ý Chúa (Mt 21,28-31). Liền sau dụ ngôn đó, Chúa Giêsu đưa ra một nhận xét đáng cho những người tưởng mình đạo đức phải suy nghĩ: “Tôi bảo thật các ông: Những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào Nước Trời trước các ông. Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, nhưng các ông đã không tin ông ấy. Còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy” (Mt 21,31-32).

Kinh nghiệm cho tôi thấy những lời trên đây của Chúa đang thực sự xảy ra đó đây trên thực tế. Nguyên nhân sâu xa của sự cứng lòng nơi mấy người đạo đức đó chính là sự thiếu khả năng khiêm nhường, xót thương và cầu nguyện. Nếu không tỉnh thức, tôi cũng rơi vào thảm cảnh đó.

Vườn nho Chúa rộng mênh mông. Chúa trao cho mỗi người một trách nhiệm. Trách nhiệm đó phải được thực hiện bằng đúng việc, ở đúng nơi, vào đúng lúc, với đúng cách mà Chúa muốn.

Ở đây tôi nhớ lại những dụ ngôn Chúa dạy về sự phải tỉnh thức và sẵn sàng trong việc canh giữ vườn nho (Mt 24,42), về sự phải khôn ngoan và trung tín trong phục vụ (Mt 24,45-58), về sự phải biết lo toan chuẩn bị và dự phòng trong việc đối phó với những bất ngờ (Mt 25,1-13).

 Mến yêu tình yêu thương xót là phấn đấu nội tâm

Tôi biết, nhưng bao lần tôi đã thiếu sót. Càng phục vụ trong vườn nho Chúa, tôi càng hiểu thấm thía những lời thú nhận của thánh Phaolô xưa: “Tôi vẫn biết Lề Luật là bởi Thần Khí, nhưng tôi thì lại mang tính xác thịt, bị bán làm tôi cho tội lỗi. Thật vậy, tôi làm gì, tôi cũng chẳng biết: Vì điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm... Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thực vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn thì tôi cứ làm” (Rom 7,14-19).

Cuộc phấn đấu nội tâm của thánh Phaolô xưa cũng đang là thời sự nơi những người được sai đi làm vườn nho Chúa. Trong những người đó có tôi. Sau cùng những cuộc phấn đấu như thế cũng là dịp để Chúa nhắc nhở tôi về sự phải khiêm nhường, phải cậy tin vào tình yêu thương xót Chúa và phải chuyên cần cầu nguyện.

Cũng từ kinh nghiệm về những cuộc phấn đấu như vậy, tôi được Chúa huấn luyện, để biết khiêm tốn xót thương những người yếu đuối. Ở đây, tôi nhớ lại dụ ngôn người mắc nợ không có lòng thương xót. Anh mắc nợ rất nhiều, nhưng được chủ thương xót tha nợ cho. Khi trở về, anh gặp một kẻ mắc chút nợ với anh, anh đã nghiêm khắc đòi nợ và đối xử độc ác không chút thông cảm. Nghe tin đó, ông chủ đã nổi giận, bắt bỏ tù người mắc nợ đã được tha mà lại không biết tha cho kẻ khác. Chúa Giêsu kết luận: “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35).

 Mến yêu tình yêu thương xót là chấp nhận đau khổ

Tình yêu thương xót là một dung mạo dễ thương. Nhưng cũng là một bộ mặt làm cớ cho nhiều người vấp phạm. Hồi xưa, khi thấy Chúa Giêsu tỏ lòng thương xót với những người khổ đau, nhiều người biệt phái đã không giấu được sự giận dữ. Ðến nỗi Chúa Giêsu đã phải nói: “Hay vì thấy tôi đối xử thương xót, mà anh đâm ra ghen tức?” (Mt 20,15).

Nhiều người thực sự càng căm giận đến độ khinh bỉ lòng thương xót Chúa, khi tình yêu thương xót Chúa bị đau khổ, được phơi bày trên nhục hình thánh giá. Lúc đó, tình yêu thương xót trong đau khổ vì yêu thương đi vào thinh lặng, như hạt lúa mì lặng lẽ rơi xuống đất, để được chôn vùi trong đất, với hy vọng có ngày trổ sinh ra cây, ra trái (Ga 12,24). Nếu ý Chúa là như vậy thì “Xin đừng theo ý con, nhưng xin theo ý Cha mà thôi” (Mt 26,39).

Chúa Giêsu đã đi trên con đường như thế, để cứu độ nhân loại. Các môn đệ Chúa cũng được gọi bước đi theo. Với niềm tin chắc chắn: Tình yêu thương xót sẽ thắng. Nhưng đừng quên: đó là tình yêu thương xót đã gặp gỡ đau khổ trong thinh lặng của thánh giá Chúa Kitô .

Ðể kỷ niệm lần thứ 27 ngày thụ phong Giám Mục 30/4/2002
NHÂN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG