Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐƯỢC CHỌN VÀ SAI ÐI -2001-
 RA KHƠI THẢ LƯỚI TÌNH THƯƠNG -2002-

Thánh Ý Chúa

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 là ngày lịch sử. Riêng đối với tôi, ngày lịch sử này là khởi đầu chặng đàng thánh giá. Thực vậy, ngày ấy, Chúa đã đặt trên vai tôi một thánh giá mới. Thánh giá này rất nặng. Rồi Chúa sai tôi đi vào lịch sử mới.

Tôi đi với tâm trạng đầy lo âu. Lo âu lớn nhất của tôi là: Chúa muốn tôi làm gì? “Thánh ý Người”, đó là trăn trở sâu sắc và thường xuyên. Tôi đã hỏi mình tôi. Tôi đã hỏi Chúa. Câu hỏi về “thánh ý Chúa” đã đưa tôi tới đâu? Ðó là tâm sự, mà tôi muốn chia sẻ hôm nay.

Thú thực là ngày đó tôi rất bàng hoàng. Ngày ấy nhìn về phía trước, tôi thấy bóng tối mênh mông. Nhìn vào mình, tôi thấy mình quá yếu đuối bé nhỏ. Trong tâm trạng như vậy, tôi vật vã với câu hỏi: Ðâu là thánh ý Chúa?

Câu trả lời đầu tiên tôi nhận được là: Hãy cầu nguyện, hãy cầu nguyện nhiều.

Khi tôi nhận thức rằng: Thánh ý Chúa là muốn tôi hãy tăng cường cầu nguyện, thì tôi để ý hơn đến việc cầu nguyện. Cầu nguyện thực nhiều. Cầu nguyện khắp nơi. Cầu nguyện nhiều cách. Cách cầu nguyện tôi quen làm là cầu nguyện vắn tắt với những lời đơn sơ, như: “Lạy Chúa, xin xót thương con. Lạy Chúa xin đoái nhìn đến con”.

Cầu nguyện tự đáy lòng. Cầu nguyện với tất cả tâm tình tin yêu phó thác.

Dần dần, tôi cảm thấy Chúa đáp lại. Ngài đáp lại đôi khi bằng cách làm cho thánh giá nhẹ đi, hoặc bằng cách làm cho ánh sáng loé ra trong bóng tối, nhưng nhất là bằng cách làm cho tôi cảm nghiệm rất rõ: Chúa Giêsu đến với tôi. Ngài nhìn tôi. Ngài ở lại trong tôi.

Chúa Giêsu đến với tôi và ở lại trong tôi, không phải với dung mạo một Ðấng sáng láng, nhưng với dung mạo một Ðấng đội mão gai và bị đóng đinh vào thánh giá. Với dung mạo này, Chúa Giêsu chia sẻ cho tôi tâm tình của Ngài. Tâm tình của Ngài vắn tắt là: Tình yêu thương xót.

Ngài tự ý xuống trần chịu khổ đau, là để chứng tỏ Ngài yêu mến Chúa Cha, nên muốn dâng chính mình làm của lễ hiến dâng trọn vẹn cho tình yêu ấy.

Ngài tự ý chịu khổ đau, cũng là để chứng tỏ Ngài yêu thương nhân loại, nên muốn cho đi chính mình, làm của lễ đền tội để cứu rỗi nhân loại.

Với tâm tình như thế được chia sẻ, tôi mong muốn được biến đổi chính mình. Tôi muốn được phần nào nên giống Chúa Giêsu. Nhưng ước muốn là một chuyện, mà thực hành ước muốn lại là chuyện khác. Nên tôi lại cầu nguyện: “Xin Chúa thương xót con. Xin Chúa đoái nhìn con”.

Và Chúa đáp lại. Ðáp lại bằng cách là cho tôi thấy Chúa hiện diện trong những khổ đau của tôi. Lúc ấy, tôi hiểu thấm thía lời Chúa Giêsu hứa: “Thầy ở với con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20) cũng như một lời khác đầy an ủi: “Ai ở trong thầy, và Thầy ở trong người đó, người đó sẽ sinh được nhiều hoa trái” (Ga 15,5).

Từ cảm nghiệm trên đây, tôi hiểu rằng: Các khổ đau có thể sẽ còn mãi. Nhưng nếu ai có Chúa ở với mình, thì người đó sẽ biết biến đổi các khổ đau thành những giá trị cứu độ. Một giá trị cứu độ mà người ta thấy rõ ngay được, là: Lòng mình được cứu khỏi sự hẹp hòi, ích kỷ, ghen ghét, dửng dưng, để hoan hỉ mở ra đón nhận Chúa vác thánh giá và đón nhận mọi người mà Chúa yêu thương và muốn cứu chuộc. Lúc đó, chúng ta mới hiểu sâu hơn điều răn căn bản của đạo mới: “Thầy cho các con một điều răn mới là các con yêu thương nhau, như Thầy yêu thương các con” (Ga 15,12).

Không những tôi thấy lòng mình mở ra, mà cũng còn thấy như thiên đàng mở ra, thoáng cảm được phần nào hạnh phúc, vinh quang mà Chúa Ba Ngôi dành cho những ai vác thánh giá mình, mà theo Chúa cứu thế.

Vì thế, dần dần tôi xác tín điều này: Thánh ý Chúa là hãy từ bỏ mình, vác thánh giá mình, mà đi theo Chúa Giêsu, để chứng tỏ tình yêu xót thương. Khi làm như thế dưới hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ đi về với Chúa Cha với tâm tình bình an hoan lạc.

Mà muốn được như vậy, thì phải rất khiêm nhường. Tôi nhấn mạnh là: Phải rất khiêm nhường. Bởi vì Chúa chống lại kẻ kiêu căng, và chỉ ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Khiêm nhường nhất là ở chỗ cầu xin được ơn biết can đảm đón nhận tình yêu Chúa, bất cứ Chúa đến cách nào. Và biết can đảm hiến dâng tình yêu mình cho Chúa và cho nhân loại theo như gương Chúa, bất cứ cách nào mà Chúa muốn. Khiêm nhường bao giờ cũng đòi rất nhiều can đảm.

ù

26 năm là một chặng đường lịch sử phấn đấu giữa hy vọng và thất vọng. Ðã có những đêm dài lênh đênh trong bão gió như các tông đồ xưa (Lc 8,22-25). Ðã có những đêm dài vất vả thả lưới mà chẳng bắt được con cá nào, cũng như các tông đồ xưa (Ga 21,1-5). Và cũng đã có những đêm dài hấp hối như Chúa Giêsu xưa trong vườn cây Dầu (Lc 22,41-44). Nhưng trong các đêm dài như vậy, Chúa đã đến với hy vọng, niềm tin và an ủi.

Ðể kết, tôi xin làm chứng rằng: Ai nhận mình hèn yếu bé mọn, mà chỉ nương tựa vào Chúa, luôn khát khao đón nhận ý Chúa, luôn phấn đấu để từ bỏ mình, để sống mầu nhiệm thánh giá Chúa như biểu tượng của tình yêu thương xót, nhất là siêng năng cầu nguyện, thì sẽ gặp được Chúa là Ðấng Cứu độ. Kinh nghiệm của tôi về thánh ý Chúa đơn sơ là như vậy. Tuy kinh nghiệm này cũng là rất bé mọn.

Tôi hy vọng rằng: Chia sẻ thân tình trên đây của tôi sẽ giúp phần nào cho cuộc sống hiện nay của anh chị em. Bởi vì tôi biết: Cuộc sống hiện nay của nhiều người anh chị em cũng là một chuỗi ngày phấn đấu cam go giữa hy vọng và thất vọng, giữa yêu thương và ghen ghét, giữa thiên đàng và hoả ngục.

Xin Chúa thương xót chúng ta.

Xin Chúa đoái nhìn đến chúng ta.

Xin Chúa giúp chúng ta thực thi thánh ý Ngài.

Bài giảng thánh lễ kỷ niệm thụ phong Giám Mục
(30/4/1975 – 30/4/2001)
tại nhà thờ Chánh Toà Long Xuyên